21/06/2022 10:21 GMT+7

Phim trường: Khi nào hết cảnh 'chơi bạo lấy tiếng ngu'

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Phim được quay ở phim trường chuyên nghiệp là mong ước của hầu hết các đoàn phim truyền hình. Đặc biệt sau dịch COVID-19, nhu cầu được quay ở phim trường đảm bảo an toàn cho êkip sản xuất lại càng quan trọng.

Phim trường: Khi nào hết cảnh chơi bạo lấy tiếng ngu - Ảnh 1.

Một góc phố nhỏ trong phim Giấc mơ của mẹ được dựng tại phim trường Dofilm - Ảnh: Hoài Phương

 Tuy nhiên, nguồn kinh phí eo hẹp khiến giấc mơ vẫn cứ xa vời.

Trailer Giấc mơ của mẹ vừa được giới thiệu mở ra những khung cảnh đẹp từ góc phố, ngôi nhà... với toàn bộ hình ảnh ấy được dựng tại phim trường Dofilm ở Nhà Bè, TP.HCM.

Thế nhưng, phim truyền hình Việt có được bao nhiêu phim được quay trên phim trường như vậy?

"Đi đâu cũng bị đuổi"

Khi được hỏi về bối cảnh quay trong phim truyền hình, đạo diễn Minh Cao cay đắng thốt lên: "Nhục lắm, đi đâu cũng bị đuổi". Anh kể bộ phim Sau phút đam mê được quay sau khi dịch COVID-19 tạm ổn, Nhà nước cho phép đoàn phim hoạt động, nhưng khi đoàn phim đến một nhà dân quay, hàng xóm báo công an phường tới vì e ngại dịch bệnh. 

"Điều lo ngại này cũng đúng thôi và lẽ ra nó được giải quyết nếu chúng ta có phim trường".

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, các đoàn phim cũng rất khốn khổ. Có nhà vì không muốn đoàn phim tới khu vực mình sinh sống đã bật nhạc karaoke ầm ầm. Quay ngoài đường thì các êkip không khỏi ái ngại làm ảnh hưởng đến giao thông, việc kinh doanh của những người buôn bán...

Phim trường: Khi nào hết cảnh chơi bạo lấy tiếng ngu - Ảnh 2.

Ngôi nhà tranh vách đất là bối cảnh lớp học xưa phim Lưới trời sắp bị dỡ bỏ - Ảnh: ĐPCC

Đạo diễn Phương Điền buồn kể rằng mới đây một chủ nhà ở tỉnh Tây Ninh - nơi mà anh từng quay phim Lưới trời - gọi điện báo tin với anh rằng ngôi nhà tranh vách đất anh làm bối cảnh cho lớp học xưa đã bị xuống cấp lắm rồi nên họ quyết định đập đi xây lại. 

Thông tin này khiến anh tiếc ngẩn ngơ không chỉ bởi kế hoạch bị phá sản mà còn bởi mất đi một bối cảnh lớp học trường làng xưa còn nguyên mẫu...

Trong khi đó, ở phim trường Dofilm, đoàn phim Giấc mơ của mẹ đã dựng lên một con đường dốc đá, hai bên là mặt tiền những ngôi nhà, tiệm ăn, cửa hàng bách hóa... Ở góc khác, ngôi nhà có sân vườn nhỏ của gia đình bà Thanh được dựng lên. 

Trailer phim Giấc mơ của mẹ. Nhiều bối cảnh trong phim dựng tại phim trường Dofilm

Đảm nhận vai chính cho bộ phim, diễn viên Hồng Vân (vai bà Thanh) kể: "Diễn viên chúng tôi bước vào phim trường Giấc mơ của mẹ giống như một ngôi nhà thật sự, có đầy đủ tất cả mọi thứ. 

Chúng tôi được có nơi nghỉ ngơi, thư giãn sau khi hoàn thành xong cảnh quay. Trong những ngày quay phim, phim trường như căn nhà thứ hai của chúng tôi vậy".

Nhà sản xuất Minh Dofilm tâm sự: "Có người nói tôi làm phim trường là "chơi bạo lấy tiếng ngu". Nhưng theo tôi, ngu hay khôn là tùy góc nhìn. Mỗi khi nghe đạo diễn Minh Chung bảo sướng tê người khi có bối cảnh để quay Giấc mơ của mẹ, tôi thấy vui... Vậy là đủ".

Phim trường chuyên nghiệp: giấc mơ có gần?

Đạo diễn Văn Công Viễn cũng đang hướng đến xây dựng hệ thống phim trường CINEV trải dài trên nhiều tỉnh thành. Riêng phim trường ở TP.HCM có diện tích 8.000m2, đáp ứng các yêu cầu về bối cảnh, thiết bị và dịch vụ phim trường... Bên cạnh đó là các bối cảnh lẻ phù hợp với từng set quay riêng biệt như khu phố Huế và khu Hà Nội...

Phim trường: Khi nào hết cảnh chơi bạo lấy tiếng ngu - Ảnh 4.

Ngôi nhà chú Sáu Củ Chi được nhiều đoàn phim chọn làm bối cảnh - trong hình là cảnh quay phim Vũ điệu đón xuân - Ảnh: Hoàng Lê

Ngoài ra, cũng có khá nhiều nhà dân được đầu tư để biến thành phim trường cho các đoàn phim quay như nhà cô Lan Thủ Đức, chú Sáu ở Củ Chi. Những phim trường tự phát này với diện tích nhỏ, thiếu thốn phương tiện chỉ có thể đáp ứng được những bộ phim sitcom, phim ngắn tập hoặc vài cảnh quay nội...

Đạo diễn Phương Điền cho biết: "Đoàn phim ai cũng thích quay trong phim trường bởi rất nhanh và chuyên nghiệp. Nhưng vấn đề chính của phim truyền hình lại nằm trong chi phí sản xuất. 

Phim trường: Khi nào hết cảnh chơi bạo lấy tiếng ngu - Ảnh 5.

Phim Thấy mai là thấy tết quay tại phim trường CINEV - Ảnh: ĐPCC

Rất ít phim được đầu tư sản xuất cao, còn lại các phim đều sản xuất trong mức giá khá thấp. Vì vậy, bộ phận sản xuất phải cân đo đong đếm để đủ chi phí. Dựng phim trường rất tốn kém, nên cách làm chính hiện nay là tìm tòi cảnh trí nhà dân rồi xin vào quay, trông chờ ăn sẵn".

Để có được bộ phim có bối cảnh lạ, độc đáo, nhà làm phim phải vào cuộc "săn tìm" có khi phải đi tỉnh xa quay... "Trong dự án quay bộ phim mới đề cập đề tài về thời mở cửa, tôi cũng có lên phương án xây dựng phim trường ở Vĩnh Long. Tuy nhiên, điều này hiện vẫn còn trên giấy tờ bởi tất cả đều phụ thuộc kinh phí", đạo diễn Phương Điền bảo.

Phim trường ở Hàn Quốc hút du khách

Trong khi đoàn phim truyền hình Việt khổ sở đi tìm bối cảnh nội, ngoại để quay thì các phim trường của Hàn Quốc luôn được đầu tư kỹ lưỡng.

Những nơi này không chỉ tạo nên những khung hình đẹp trong phim mà còn trở thành những địa điểm du lịch nổi tiếng của đất nước này do ảnh hưởng bởi sự phổ biến toàn cầu của các phim truyền hình Hàn Quốc.

Theo Koreaherald, năm 2021, trong số 80 điểm du lịch được 1,6 triệu người nước ngoài đến thăm vào năm ngoái, 57,6% là địa điểm quay các bộ phim truyền hình Hàn Quốc do Netflix phát sóng, theo báo cáo của LG Uplus.

Bảo tàng Mỹ thuật Milal ở Gangnam-gu, địa điểm quay phim Yêu tinh (Guardian: The lonely and great god) đã chứng kiến sự tăng trưởng 195% - con số cao nhất - về số lượng du khách nước ngoài so với năm 2020.

C156 Underground, một nhà hàng ở Gwangjin-gu, nơi quay Khách sạn Ánh trăng (Hotel Del Luna) và Người đẹp Gannam (My ID is Gangnam Beauty) đã chứng kiến lượng khách nước ngoài tăng 178%.

Ngoài hai địa điểm hàng đầu này, nhiều du khách thường xuyên lui tới giao lộ đường sắt Baekbin ở Yongsan-gu. Đó là địa điểm quay các bộ phim truyền hình, trong đó có hai phim Ông chú của tôi (My mister) và Rung động đầu đời (My First, First Love)...

Tai nạn trên phim trường: Đi tìm chuẩn mực của an toàn Tai nạn trên phim trường: Đi tìm chuẩn mực của an toàn

TTO - Những vụ tai nạn nối tiếp nhau trên phim trường đã khiến cây bút Jon Healey của tờ Los Angeles Times từng thốt lên: "Điện ảnh không chỉ là ngành kinh doanh mạo hiểm mà còn là lĩnh vực chứa nhiều mối nguy tiềm ẩn khác".

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: phim trường Làm phim