22/03/2011 15:31 GMT+7

Phim thảm họa - một đề tài đặc biệt

THIÊN HƯƠNG
THIÊN HƯƠNG

TTO - Khi nước Nhật chưa hết bàng hoàng vì trận động đất - sóng thần hôm 11-3, người ta bắt đầu hồi tưởng những bộ phim thảm họa 2012, Sóng thần ở Haeundae, Đường Sơn đại địa chấn… Và điều mà họ nhìn thấy không chỉ là một sức sống mới của nền điện ảnh mà còn là những điều đáng nghiền ngẫm trong cuộc sống hiện tại.

B9VYQxq4.jpgPhóng to
Một cảnh tượng kinh hoàng trong 2012 - Ảnh: Telegraph

Khán giả kéo nhau xem “thảm họa”

Thảm họa là điều không ai mong muốn. Nhưng người ta lại dễ dàng bị thu hút bởi những trận động đất khủng khiếp, những cơn sóng thần nhấn chìm cả thế giới khi nó được đưa lên… phim. Bởi lẽ chỉ có phim ảnh mới thỏa mãn ý muốn được tận mắt chứng kiến cơn thịnh nộ của đất trời, mang đến cho con người những trải nghiệm khi đứng giữa sự sống và cái chết trong tâm thế một người ngoài cuộc.

Nói cách khác, người ta sợ thảm họa nhưng lại luôn muốn biết nó ghê gớm như thế nào. Nắm bắt được tâm lý đó của khán giả, các nhà làm phim đã chọn thảm họa như một đề tài đặc biệt.

Hầu như những bộ phim về thảm họa đều được dàn dựng rất công phu và kinh phí rất lớn. Đổi lại, khán giả được “no mắt” với những kỹ xảo hoành tráng, những cảnh quay y như thật như cảnh sóng thần nhấn chìm cả một đất nước Hàn Quốc xinh đẹp trong Sóng thần ở Haeundae, cảnh vòi rồng “viếng thăm” Los Angeles và băng tuyết bao phủ nửa bán cầu bắc trong The day after tomorrow (Ngày kinh hoàng) hay cảnh tượng Chúa tại Rio De Janeiro sụp đổ trong tích tắc trong 2012.

VvjkBSm6.jpgPhóng to
Kỷ băng hà trở lại trong The day after tomorrow - Ảnh: Moviepicturedb

Nhưng cái hay nhất của phim thảm họa nằm ở bộ óc cực kỳ “khủng khiếp” của nhà làm phim. Khủng khiếp không chỉ ở sự tàn phá ghê gớm họ tạo ra cho thế giới trên phim, mà còn ở việc khiến những cái đầu minh mẫn nhất cũng phải bồn chồn lo sợ thảm họa sẽ xảy ra giống như phim.

Điều này phải kể đến tài năng và trí tưởng tượng tuyệt vời của đạo diễn Roland Emmerich. Ông không chỉ khiến khán giả cảm thấy sự trở lại hiển nhiên của kỷ băng hà qua The day after tomorrow hay sự xâm lược tất yếu của người ngoài hành tinh trong Independence day (Ngày độc lập) mà còn khiến người ta phải thấp thỏm lo sợ đến năm 2012 qua bom tấn 2012.

Khéo léo đưa vào những tiên đoán đầy bí ẩn của người Maya cộng với cách làm phim cực kỳ logic, Roland Emmerich đã khiến không ít người tin rằng 21-12-2012 sẽ là ngày tận thế, đến nỗi Cục Quản trị hàng không và không gian quốc gia Mỹ (NASA) phải trấn an người dân rằng đó chỉ là phim ảnh hư cấu. Và khi thảm họa thật sự đến với Nhật Bản, người ta lại đem ra so sánh để rồi hoang mang khi những cảnh quay trong 2012 có nhiều nét tương đồng với trận động đất - sóng thần đã tàn phá đất nước Mặt trời mọc hôm 11-3.

Lúc này thì giới làm phim cũng phải nghiêng đầu thán phục Roland Emmerich và tự hỏi còn điều gì kinh khủng hơn trong cái đầu ấy nữa.

Tình người tỏa sáng

Phim thảm họa không chỉ hay mà còn đẹp, đẹp bởi những giá trị nhân văn cao cả đủ khiến con người ta phải suy ngẫm.

Một câu chuyện cảm động về tình mẹ con trong Đường Sơn đại địa chấn, tình cha con trong The day after tomorrow, tình yêu trong Sóng thần ở Haeundae hay sự hi sinh cao cả của tổng thống Mỹ dành cho một nhà nghiên cứu trẻ với suy nghĩ “Tại một thế giới mới, người ta cần một nhà khoa học hơn một chính trị gia” trong 2012 cũng đủ khiến chúng ta phải giật mình nghĩ về những mối quan hệ hiện tại.

GIfsyb2a.jpgPhóng to
Tình yêu được bộc lộ mãnh liệt trong Sóng thần ở Haeundae - Ảnh: Hancinema

Rõ ràng khi bản năng sinh tồn trỗi dậy thì toàn bộ sự ích kỷ hay lòng yêu thương sẽ được bộc lộ rõ rệt nhất. Đó là cảnh những kẻ giàu có giành nhau để lên con tàu cứu sinh trong 2012, là tình yêu trỗi dậy của anh chàng Man Sik dành cho người con gái anh thầm yêu bấy lâu mà không dám bày tỏ, hay là sự đau khổ của người mẹ khi phải lựa chọn giữa đứa con trai và đứa con gái ruột của mình.

Có những sự hi sinh bạn sẽ cho rằng mình không dám đối mặt nhưng nó thật sự có trong đời thường, trong chính những bài học cảm động về tình người ấm áp của những người dân Nhật Bản trong cơn hoạn nạn.

Một cậu bé 9 tuổi sẵn sàng nhường miếng ăn của mình cho những người đói khổ, những con người khắc khổ chia nhau từng tấm áo, miếng cơm, những người công nhân sẵn sàng hi sinh để cứu lấy người dân khỏi thảm họa hạt nhân hay đó chỉ là một chú chó luôn bên bạn của mình khi gặp nạn. Tất cả đã chứng tỏ rằng thật sự có tình người trong thảm họa.

Từ sự thật đến phim ảnh có thể là một khoảng cách rất xa, nhưng từ phim ảnh người ta nhận ra những giá trị chân thật nhất trong cuộc sống thì đó là một thành công lớn mà không phải bộ phim nào cũng làm được.

THIÊN HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên