Phóng to |
Nhóm làm phim "Dư địa chí" của THVN tại Cà Mau |
"Gánh nhiệm vụ" của phim tài liệu nhựa
Phim tài liệu là thế mạnh của điện ảnh và truyền hình VN một thời đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc không chỉ đối với đông đảo công chúng trong nước mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của thế giới.
Lịch sử điện ảnh nước nhà đã ghi nhận nhiều phim tài liệu nhựa có giá trị lớn, khẳng định tên tuổi nhiều nhà làm phim - từ Bùi Đình Hạc, Phan Trọng Quỳ, Nguyễn Khánh Dư, Nguyễn Xã Hội... đến Lê Mạnh Thích, Lò Minh, Trần Văn Thuỷ, Đào Trọng Khánh, Sĩ Chung...
Không nên lấy tiêu chí của phim tài liệu nhựa để so sánh với thể loại tài liệu truyền hình vì tính báo chí của phim tài liệu truyền hình và những điều kiện, kinh phí rất khác nhau. Song do truyền hình có nhiều phim phóng sự ngắn, phóng sự điều tra, có nhiều chuyên mục lẫn lộn với thể loại tài liệu; thậm chí có những phim hoàn toàn mang tính tường thuật, kể lể cũng được coi là phim tài liệu, nhất là các chương trình do các đài địa phương thực hiện, chất lượng yếu nhưng vẫn được "chiếu cố" phát sóng, nên người xem chưa phân biệt rạch ròi đặc điểm các chương trình phát sóng.
Cần phải thừa nhận rằng hơn mười năm qua, cùng với thể loại phóng sự, phóng sự ngắn, mảng phim tài liệu truyền hình của cả VTV1, VTV3 và các chuyên mục Văn hoá - Văn nghệ, Quân đội, Công an, Thanh niên... đã có những tiến bộ rất đáng mừng cả về nội dung và cách thể hiện. Chất văn học, chất điện ảnh đã được quan tâm nhiều hơn.
Đặc biệt, sức sống trong các phim tài liệu truyền hình luôn tạo nên sức hấp dẫn người xem cho dù giờ phát sóng của chuyên mục phim tài liệu ở VTV1 hàng tuần thường trùng với giờ phát phim truyện của VTV3 (20 giờ 30 chủ nhật). Những năm trước đây đã từng có: Điểm hẹn Củ Chi, Nói lời giữ lấy lời, Những trăn trở từ Hạ Long, Cung đàn mùa xuân, Hoa xương rồng trên cát, Mặn hơn muối... là những phim tài liệu truyền hình được cả nước quan tâm, những đề tài mà phim tài liệu nhựa cũng theo đuổi nhưng không thực hiện được vì thiếu kinh phí và điều kiện bám đề tài.
Với thời lượng phát sóng mỗi năm gần 200 phim tài liệu ở tất cả các kênh, bị chi phối bởi thời gian, kinh phí hạn hẹp, đội ngũ những người làm phim tài liệu truyền hình còn non trẻ đã biết bám sát cuộc sống, bám sát những sự kiện quan trọng của đất nước để khai thác triệt để tính chiến đấu của thể loại, lấy sự chân thực bù lại cho sự thiếu hụt trong "mảng miếng" nghề nghiệp.
Tay nghề cần nâng cao
Sức sống của phim tài liệu truyền hình rất mãnh liệt. Nhưng nếu như việc làm phim được đầu tư lớn, hiệu quả còn cao hơn nhiều. Đó không hẳn chỉ là thiếu kinh phí, thời gian, thiết bị mà còn cả quy trình và ý thức của người làm phim. Khâu kịch bản phim tài liệu truyền hình thường chỉ ở dạng đề cương - chủ yếu là ý đồ, là một cấu tứ. Lời bình nhiều phim vẫn thiếu chất văn học, nặng về minh hoạ theo hình ảnh, diễn giải sự việc, thiếu sức khái quát, gợi mở cho người xem. Việc dựng phim vẫn còn vội vã, thậm chí có những chi tiết thiếu hình, không quay bổ sung được, thiếu những khoảng lặng cần thiết để người xem cùng suy ngẫm, cùng tư duy...
Sau 50 năm ta vẫn thiếu một phim tài liệu về Việt Nam trên đường thắng lợi hôm nay cùng với Điện Biên hôm nay đúng tầm thời đại. Năm 2005 có rất nhiều ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, chắc chắn sẽ có những phim tài liệu truyền hình đồ sộ, công phu. Bên cạnh việc đầu tư lớn cho mảng phim này, Đài Truyền hình VN nên có sự "đặt hàng" với Hãng phim tài liệu Trung ương và dành thời lượng cho phim tài liệu nhựa phát sóng nhiều hơn nữa, nhất là chương trình "Điện ảnh chiều thứ bảy" cũng rất cần phổ biến phim tài liệu nhựa để đông đảo công chúng được thưởng thức.
Cũng cần mở rộng việc "đặt hàng" các nhà văn, các nhà biên kịch nổi tiếng viết kịch bản, viết lời bình cho phim tài liệu truyền hình để mảng phim này đa dạng, phong phú hơn cả về nội dung và hình thức thể hiện. Phim tài liệu truyền hình cũng rất cần được phát lại nhiều hơn ở tất cả các kênh vì thực tế có rất nhiều phim tài liệu thực hiện kỳ công và được đông đảo công chúng quan tâm.
Hy vọng Liên hoan Phim truyền hình đầu xuân 2005 tổ chức tại Hạ Long sẽ có thêm nhiều phim tài liệu, phim phóng sự truyền hình giàu sức sống và hấp dẫn người xem.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận