23/02/2021 09:23 GMT+7

Phim tài liệu trở lại: Sức hấp dẫn bất diệt của sự thật

MI LY
MI LY

TTO - Phim tài liệu đang trở lại đầy hấp dẫn và mạnh mẽ với những phim tiêu biểu về bi kịch của Britney Spears, lời tố cáo đạo diễn Woody Allen, rapper tội phạm Tekashi 6ix9ine, những tội ác, sự sa ngã và chuyện đời kỳ thú.

Phim tài liệu trở lại: Sức hấp dẫn bất diệt của sự thật - Ảnh 1.

Britney Spears, Woody Allen, Tekashi 6ix9ine - những chủ đề gai góc gần đây của phim tài liệu Mỹ - Ảnh: GETTY IMAGES

Bà Lương Hồng, giám khảo hạng mục phim tài liệu của giải Magnolia Awards (Trung Quốc), nhận định sự đi lên của dòng phim tài liệu có liên quan đến đại dịch COVID-19 và sự thay đổi trong thói quen nghe nhìn của công chúng.

Thời COVID-19, khán giả không chỉ xem nội dung trực tuyến nhiều hơn mà còn "đói" thông tin hơn. Ngoài thông tin trên báo chí và mạng xã hội, họ "đói" những câu chuyện sâu, ly kỳ, có bề dày lịch sử, hình ảnh trực quan, tái diễn sống động. Thể loại đáp ứng được nhu cầu đó chính là phim tài liệu.

Ngồn ngộn thời sự và bi kịch

Trước khi phim tài liệu Framing Britney Spears (Hulu, 2021) ra đời, phong trào "Trả tự do cho Britney" đã được phát động. Có rất nhiều cuộc bàn luận về việc nữ ca sĩ có thể bị "cầm tù" dưới sự bảo hộ của cha ruột.

Thế nhưng khi bộ phim tài liệu của New York Times ra mắt, ảnh hưởng xã hội vẫn rất sâu rộng và mạnh mẽ. Những nhân vật bị phim lên án vì đối xử tệ hại với Spears như bạn trai cũ Justin Timberlake hay các nhà báo từng công kích cô đều phải công khai xin lỗi.

Hôm 21-2, chương trình ăn khách Saturday Night Live (Mỹ) cho nữ diễn viên Chloe Fineman hóa thân và "thay mặt" Britney Spears nói lên những uất ức: "Từ khi Framing Britney Spears chiếu, tôi nhận được hàng trăm lời xin lỗi mỗi ngày. Tôi xin giới thiệu ứng dụng Notes. Nếu bạn đang định gửi lời xin lỗi sáo rỗng muộn màng 20 năm cho tôi, hãy dùng Notes nhé".

Có thể nói, Framing Britney Spears là bước tiến quan trọng của phong trào "Trả tự do cho Britney". Đây là ví dụ tiêu biểu cho việc phim tài liệu có thể gây ảnh hưởng đến thực tế như thế nào.

Hầu hết phim tài liệu gần đây đều lao vào những chủ đề gai góc, ngồn ngộn tính thời sự, điều tra và khắc họa những bi kịch điển hình.

Cũng hôm 21-2, có đến 2 bộ phim tài liệu đáng chú ý ra mắt tại Mỹ. Đó là Allen v. Farrow (HBO) - điều tra kỹ lưỡng và đanh thép về nghi án đạo diễn Woody Allen tấn công tình dục con gái nuôi; và Supervillain: The Making of Tekashi 6ix9ine (Showtime) - cái nhìn trực diện vào cuộc đời tai tiếng của rapper Tekashi 6ix9ine, người từng tham gia băng đảng và vào tù vì lừa đảo, buôn bán vũ khí và ma túy.

Ngày 23-2, YouTube tung ra phim tài liệu Demi Lovato: Dancing with the Devil, kể về cuộc đời ca sĩ Demi Lovato, người từng là thần tượng giới trẻ nhưng sa ngã không lối thoát trong ma túy và từng 3 lần đột quỵ.

Netflix cũng không kém cạnh khi từng có loạt phim tài liệu tốt trong năm 2020: Jeffrey Epstein: Filthy Rich - về tai tiếng khủng khiếp của nhà tài chính Mỹ chuyên lạm dụng tình dục trẻ em, The last dance - về huyền thoại bóng rổ Michael Jordan, Tiger king - chân dung vua Hổ chuyên nuôi "mèo lớn" (như hổ, báo, sư tử), một kẻ lập dị bị kết án trọng tội.

Các phim tài liệu thường có nhiều hơn một tập, thậm chí trở thành series dài tập. Đây cũng là ưu điểm lớn của nền tảng trực tuyến. Nhà làm phim cũng được phóng tay hơn, đưa vào phim đầy đủ thông tin về chủ đề.

Bi kịch có thật luôn lay động lòng người

Năm 2020 đầy hỗn loạn và buồn đau nhưng giới làm phim không quỵ ngã. Họ đang cố biến nỗi đau thành động lực làm phim, "biến quả chanh thành ly nước chanh" như lời đạo diễn phim tài liệu Maya Zinshtein (Israel). Cô vừa ra mắt tác phẩm Til Kingdom Come để chiếu trên mạng.

Hugo Granty, đồng sáng lập Hãng phim Embankment, nói với Screen Daily: "Nhu cầu về phim tài liệu đang là khổng lồ. Hãy nhìn Netflix, Amazon và Sky, những công ty vừa ra mắt các kênh dành riêng cho nội dung có thật". Không chỉ các nền tảng này mà Hulu, HBO, Disney+, Apple TV+... cũng đang cạnh tranh.

Lương Hồng, nữ giám khảo phim tài liệu ở Trung Quốc, nhận định với CGTN: "Sức hấp dẫn của phim tài liệu, thứ khiến mọi người bị thu hút nhất, chính là việc chúng kể chuyện có thật. Đó là bản chất và sức hút bất diệt của dòng phim".

Tất nhiên sẽ có những cuộc tranh cãi về mức độ của sự thật trong các phim tài liệu. Điều này phụ thuộc vào tài năng, đạo đức và uy tín của nhà làm phim cùng nền tảng công chiếu. Chỉ những nhà làm phim tài năng và có đạo đức nghề nghiệp mới đủ sức đưa sự thật lên màn ảnh một cách đầy đủ, kỹ lưỡng, kịch tính.

Với phim tài liệu, bên cạnh nội dung có lôi cuốn hay không, có một tiêu chí rất quan trọng là sức thuyết phục của dữ liệu, nhất là trong những vấn đề còn tranh chấp, chưa ngã ngũ. Nếu phim gây tranh cãi, nhà làm phim không thể lấy lý do "hư cấu" để biện minh.

Do đó, phim tài liệu rõ ràng là một thể loại khó. Nhưng vì đam mê, ngày càng có nhiều nhà làm phim tài liệu dấn thân vào thể loại và khẳng định tên tuổi. Nhờ sự lăn xả của họ, phim tài liệu luôn có ý nghĩa và sức sống.

Kể cả khi làm về chuyện xảy ra cách đây 10, 20 năm, phim tài liệu vẫn rất mạnh tính thời sự, không hề lỗi thời. Framing Britney Spears tố cáo dư luận và truyền thông "ngược đãi" người nổi tiếng, cảnh tỉnh về kẽ hở luật pháp trong quyền bảo hộ ở Mỹ. Hay con gái nuôi của Woody Allen đã tố cáo ông suốt 30 năm nhưng chưa nhận được kết quả rõ ràng. Những câu chuyện sẽ vẫn tiếp diễn, chứ không hề dừng lại.

Thế giới luôn cần các nhà làm phim đưa bi kịch có thật lên màn ảnh và góp phần thức tỉnh con người.

Phim tài liệu Việt chiếu mạng, tại sao không?

mau co ua

Phim tài liệu Việt Nam Màu cỏ úa vừa được chiếu mạng - Ảnh: ĐPCC

Trong dịp tết 2021, phim tài liệu Màu cỏ úa (về cuộc đời nhạc sĩ Trần Tiến) được chiếu trên nền tảng mạng. Đạo diễn Lan Nguyên bày tỏ niềm vui khi tác phẩm của cô được nối dài hành trình đến với khán giả. Đây cũng là một cách phát hành bổ trợ cho phim tài liệu Việt, vốn có rất ít cơ hội trụ rạp lâu. Cuối năm 2020, Màu cỏ úa từng chiếu hạn chế ở hệ thống rạp nhỏ trong vòng ít tuần.

Trước đó, có phim Sky tour của Sơn Tùng M-TP chiếu trên Netflix vào tháng 9 sau khi ra rạp vào tháng 6, và tháng 12 vừa qua cũng trên nền tảng này có phim Rồi một ngày Hà nói về tình yêu (Let's talk about love) của Hồ Ngọc Hà. Tuy nhiên, đây là những phim tư liệu mang tính quảng bá cho các ngôi sao hơn là những phim tài liệu đích thực.

Phim tài liệu về Britney Spears: Ngôi sao đáng thương của dư luận tàn nhẫn Phim tài liệu về Britney Spears: Ngôi sao đáng thương của dư luận tàn nhẫn

TTO - Khi Britney Spears tự cạo trọc đầu vào năm 2007, tạp chí New York gọi cô là 'kẻ nổi tiếng rác rưởi' và viết: 'Cô ta sẽ sốc thuốc hay tự tử như Marilyn (Monroe)? Hay chết đi như Anna Nicole Smith béo ú?'.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên