Phóng to |
Một cậu bé chừng 14 tuổi bước lên xe buýt, cậu ngồi xuống một chiếc ghế trống và rút ra một bộ bài, chơi đùa với nó. Cậu lấy ra một quân bài đặt sát tấm kính, tay kia xoa bên ngoài tấm kính và trong nháy mắt cậu đã có quân bài ở bên kia tấm kính. Cậu nhìn vào ống kính máy quay và bật cười. Giấc mơ ảo thuật (Make Believe - đạo diễn Steven Klein) đã bắt đầu như thế và rằng: “Ảo thuật nhắc nhở chúng ta thế giới này, vũ trụ này là một thế giới ảo khổng lồ! Có điều gì đó rất khó giải thích nhưng là một trạng thái đặc biệt xảy ra khi cách nhìn nhận của bạn về mọi thứ tự nhiên vỡ tan...”.
Giấc mơ ảo thuật theo chân sáu bạn trẻ có chung một đam mê là được làm việc như một nghệ sĩ trình diễn ảo thuật chuyên nghiệp. Các em cùng gặp nhau trong một cuộc thi ảo thuật trẻ ở Las Vegas, các em mong chờ mình sẽ đoạt giải để có cơ hội chạm tay vào ảo thuật gia bậc thầy của thế giới là Lance Burton. Phim quay chân thật, khuôn hình đẹp, câu chuyện vừa hài hước vừa cảm động, dẫn khán giả đi vào một thế giới lung linh, bí ẩn mà thường thì chúng ta ít có cơ hội biết đến.
Chia sẻ trong cuộc gặp gỡ sáng 2-11 trước giờ chiếu phim, Steven Klein cho biết đối với anh, thể loại phim tài liệu như một phương cách để kể câu chuyện, mà trong đó sự thật được nói bằng nghệ thuật chứ không phải thông tin đơn thuần. Ý tưởng thật sự của bộ phim chỉ thành hình rõ nét khi đã quay được vài tháng. Với 400 giờ quay cho 90 phút Giấc mơ ảo thuật, câu chuyện hấp dẫn nhất mà Steven Klein có được thường là khi... vừa kết thúc cuộc phỏng vấn.
Sau lời cảm ơn với nhân vật, bỗng nhiên lúc đó nhân vật trở về với chính con người họ, tự nhiên, thoải mái nhất. Vì thế nên Steven Klein không hạn chế thời gian ghi hình. Trả lời câu hỏi của báo chí về cơ hội cho phim tài liệu ở nước Mỹ, Steven Klein nói thẳng là ở Mỹ phim tài liệu rất khó bán hay gây được sự chú ý như phim truyện.
Có mặt trong buổi gặp gỡ, ông Lê Thành Ân - tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM - đã nói: “Nghệ thuật không có biên giới, và việc giao lưu nghệ thuật như chương trình “Phim tài liệu Hoa Kỳ” này sẽ giúp những công dân bình thường ở cả hai nước có thể tiếp cận, hiểu nhau dễ dàng qua văn hóa”.
Ngày 3-11, hai nhà làm phim có cuộc tiếp xúc với các nhà làm phim trẻ tại TP.HCM và bộ phim Phát triển trang trại bền vững ở miền Viễn Tây sẽ được chiếu trong cuộc gặp. Trước đó, trong hai ngày 31-10 và 1-11, Giấc mơ ảo thuật cũng đã “có mặt” tại Hà Nội cùng các cuộc giao lưu với sinh viên Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh Hà Nội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Hãng phim Tài liệu khoa học trung ương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận