Trào lưu tóm tắt phim bùng nổ trên mạng xã hội đang khiến nền điện ảnh gặp khó khăn hơn trong dịch COVID-19 - Ảnh chụp màn hình
Trong bài viết "Không phải mê miễn phí mới xem phim lậu" đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 1897 (ngày 5-7-2020), tác giả Tịnh Anh đã đưa ra cảnh báo về cuộc chiến cam go giữa dịch vụ streaming (xem trực tuyến) và các trang web phim lậu.
Thế nhưng, trớ trêu thay, chỉ mới vài tháng trôi qua và giờ đây các trang web chiếu phim lậu lại đang bị đe dọa trước trào lưu xem video tóm tắt phim trên mạng xã hội.
"Thách thức của các nhà phân phối nội dung thu phí có bản quyền không chỉ là dẹp các trang lậu, mà làm sao đáp ứng nhu cầu của người dùng tối đa" - bài báo viết. Nhưng nhu cầu của người dùng nay đã tiến tới một mức độ quá thể.
1. Mỗi video 5 phút được cắt ghép, thuyết minh sao cho thời lượng ngắn nhất nhưng vẫn tiết lộ cốt truyện nhiều nhất đang là "con gà đẻ trứng vàng" cho các trang Facebook với vài trăm ngàn lượt xem.
Trong viễn tượng của công chúng, dường như họ sẽ có lợi nhiều hơn là mất khi xem những video dạng này: tốn ít thời gian, được chọn lựa nhiều phim để xem và trải nghiệm.
Thế nhưng, chúng lại đẩy những nhà sản xuất, phân phối phim vào cảnh không có lựa chọn nào. Chấp nhận sống chung với "lũ" sẽ khuyến khích thêm những kẻ trơ tráo đã cướp bóc công sức lao động, sáng tạo của người khác.
Còn nếu vác đơn đi kiện, những hãng phim phải bước vào một cuộc chiến pháp lý loằng ngoằng chỉ để xác định liệu đây là tác phẩm phái sinh hay dẫn xuất hay ăn cắp.
Năm 2017, YouTuber đình đám của Đài Loan Chung Wei-ting đã bị năm hãng phim điện ảnh địa phương kiện vì hành vi cắt ghép tác phẩm điện ảnh mà không xin bản quyền.
Càng đáng chú ý hơn khi hai bên đang giằng co pháp lý, kênh YouTube của Chung Wei-ting đã tăng thêm một lượng người xem đáng kể cùng những lời kêu gọi ủng hộ của giới trẻ dành cho anh.
Ở Việt Nam, các đơn vị giữ bản quyền phát hành phim phải đau đầu hơn rất nhiều. Một trang phim lậu vừa bị đánh sập, ngay ngày hôm sau bỗng xuất hiện trở lại với một tên miền mới có mức độ lan tỏa dữ dội hơn trước.
Quản lý trang web đã khó chứ chưa nói đến chuyện quản lý những tài khoản ảo trôi nổi trên mạng xã hội, cắt ghép tinh vi để lách luật.
2. Trong đại dịch COVID-19, điện ảnh thế giới đã thiệt hại hàng chục tỉ USD và chẳng có gì đảm bảo nền nghệ thuật này có thể hồi phục trong thời gian tới. Tương lai của điện ảnh càng bấp bênh khi dịch bệnh trở thành cái cớ để các trang web phim lậu phát triển và kéo theo sự bùng nổ của một loạt video cắt ghép.
Sẽ không có một bộ phim hay nào được tóm gọn trong vài phút mà vẫn được xem là hay. Nền điện ảnh cũng chẳng cần phải xuất hiện ngay từ đầu nếu mọi người chỉ muốn đọc cốt truyện.
Bản chất của công cuộc dán lưng vào ghế rạp phim suốt hai giờ đồng hồ không phải là sự chịu đựng, đó là trải nghiệm, thứ chúng ta chọn trao một phần cuộc đời mình và học cách có trách nhiệm, biết cảm thụ lẫn tận hưởng.
Mạng xã hội hoạt động theo cách thức nếu người dùng tiêu thụ sản phẩm giải trí càng nhiều, chúng sẽ càng xuất hiện dày đặc trên tài khoản cá nhân. Và nếu những đoạn video cắt ghép cẩu thả được ưa chuộng, xung quanh chúng ta sẽ chỉ toàn những thứ nham nhở như vậy.
Nhiều lựa chọn, thêm lo âu
Nhiều người vẫn tin rằng khi chúng ta có nhiều lựa chọn - tối đa hóa thời gian hai tiếng để xem được 20 bộ phim - sẽ giảm bớt rủi ro xem phải phim dở, có nhiều kiến thức và dĩ nhiên kết quả này khiến chúng ta thỏa mãn, hạnh phúc.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều ngược lại. Nhà tâm lý học Barry Schwartz từng xuất bản một nghiên cứu mang tựa đề "The Tyranny of Choice" (tạm dịch:
"Sự chuyên chế của lựa chọn"). Kết quả khảo sát của ông chỉ ra rằng người có quá nhiều sự chọn lựa sẽ thêm lo âu, ít hạnh phúc hơn so với những ai biết đủ là gì và trung thành với lựa chọn ban đầu của mình.
Những thôi thúc mơ hồ về việc nhấp nhổm chọn một bộ phim khác sẽ chẻ vụn thời gian và tước đi trải nghiệm quý giá của người xem.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận