Sau Asian Cup 2019, giá của Quang Hải sẽ là bao nhiêu? - Đồ họa: N.T.
Thật ra, làng chuyển nhượng bóng đá thế giới từ lâu đã có xu thế thận trọng với những giải đấu cúp, khi nhiều ngôi sao nổi lên đình đám ở sân đấu này rồi sau đó lụi tàn đi nhanh chóng theo chân những bản hợp đồng đắt giá.
Renato Sanches - tiền vệ trẻ từng góp công lớn giúp Bồ Đào Nha vô địch - là một ví dụ. Sau mùa hè 2016, Bayern Munich mạnh tay chi ra 35 triệu euro mang ngôi sao trẻ này về từ Benfica.
Nhưng rồi sau 2 năm rưỡi, Sanches vẫn đang chật vật tìm một vị trí trong đội hình của "hùm xám" và giá trị chuyển nhượng của anh hiện sụt giảm chỉ còn 20 triệu euro - theo định giá của trang web chuyên về chuyển nhượng cầu thủ Transfermarkt.
Nhưng trong mắt các tuyển trạch viên, thị trường châu Á lại có một vị thế khác. Gignac - một tuyển trạch viên cho các CLB ở Giải hạng nhất Pháp (Ligue 2) mà tôi từng gặp ở World Cup U-20 2017 - cho biết: "Chúng tôi tranh thủ những dịp như thế này để quan sát các cầu thủ của Hàn Quốc, Nhật Bản và những quốc gia châu Á khác. Do không có nhiều cơ hội để xem họ thi đấu như những cầu thủ châu Âu hoặc Nam Mỹ nên nhiều tài năng bóng đá châu Á thường bị bỏ sót".
Bóng đá Pháp vốn chưa bao giờ là "đất lành" dành cho các cầu thủ châu Á, bởi nơi đây đầy rẫy các ngôi sao đến từ châu Phi.
Nhưng xu hướng này cũng dần thay đổi trong thời gian gần đây với sự xuất hiện của một số ngôi sao châu Á như Hiroki Sakai - hậu vệ người Nhật đang khoác áo Marseille và Saman Ghoddos - tiền vệ người Iran của Amiens.
Các giải vô địch của Đức, Anh và Ý - những mảnh đất lành của các cầu thủ châu Á - hiển nhiên càng chú trọng vào Asian Cup hơn nữa. Asian Cup 2015, giải đấu mà Son Heung Min góp công giúp Hàn Quốc vào chung kết, đã là bệ phóng giúp anh nhận được bản hợp đồng hấp dẫn từ Tottenham.
Nhưng không chỉ có các giải đấu châu Âu, bản thân những cầu thủ tham dự Asian Cup còn có cơ hội lớn quảng bá mình cho các CLB châu Á.
Thị trường bóng đá châu Á những năm qua sôi động, hấp dẫn chẳng kém châu Âu với sự lớn mạnh của các giải vô địch bóng đá Trung Quốc, Nhật Bản cũng như một số nước vùng Trung Đông.
J-League 1, giải đấu được xem là mô hình vững chắc nhất của bóng đá châu Á, mùa giải vừa rồi có những 28 cầu thủ nước ngoài là người châu Á (bao gồm cả Úc). Phần lớn trong số này là các cầu thủ Hàn Quốc, bên cạnh một số ngôi sao của Thái Lan, Triều Tiên, Úc và Uzbekistan.
Ở Trung Quốc, việc liên đoàn bóng đá nước này siết dần số lượng ngôi sao nước ngoài khiến các đội bóng Trung Quốc tập trung mua cầu thủ châu Phi và Nam Mỹ. Hiện Giải vô địch Trung Quốc có 3 cầu thủ nước ngoài là người châu Á.
Tuy nhiên, những cầu thủ hưởng lợi nhất từ Asian Cup thuộc về các đội tuyển ở khu vực Tây Á, nhất là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề vì chiến tranh như Iraq, Syria...
Việc bị bom đạn tàn phá khiến các quốc gia này không có một giải vô địch quốc gia tương xứng với tầm cỡ đội tuyển, và nhiều ngôi sao phải rời sang thi đấu cho nước ngoài.
12/23 tuyển thủ Iraq tham dự Asian Cup hiện chơi cho các giải vô địch nước ngoài (đa số là Iran và Qatar). Với Syria, con số này lên đến 17 người.
Cũng không thể không nhắc đến các đội tuyển Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Philippines. V-League lẫn United Football League (giải vô địch quốc gia của Philippines) đều bị đánh giá rất thấp trên Transfermarkt.
Vì vậy mới xảy ra nghịch lý: đội tuyển Việt Nam dù vừa vô địch AFF Cup 2018 nhưng giá trị các cầu thủ dưới tay HLV Park Hang Seo lại bị đánh giá kém xa Malaysia, Indonesia và cả Myanmar.
Vì vậy, Asian Cup 2019 sẽ là cơ hội để các cầu thủ của Việt Nam và Philippines quảng bá giá trị thực sự của bản thân.
Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 đội tuyển có giá trị cầu thủ cao nhất ở Asian Cup 2019. Trong khi Hàn Quốc sở hữu ngôi sao đắt giá nhất (Son Heung Min) thì Nhật lại có đội ngũ đồng đều hơn. Thú vị ở chỗ, tổng giá trị của 2 đội hoàn toàn trùng khớp với 96,58 triệu USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận