10/06/2010 18:08 GMT+7

Phiên chất vấn buổi chiều: vấn đề nào cũng nóng

THÙY MAI - HỒNG NHỰT
THÙY MAI - HỒNG NHỰT

TTO - Xây dựng an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, an toàn cho người tham gia giao thông là những vấn đề chính mà các đại biểu quốc hội đã đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng trong buổi chất vấn quốc hội chiều nay (10-6).

M65Fe81p.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng - Ảnh: Việt Dũng

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: “Chúng ta sử dụng nợ công hiệu quả”

Điểm chất lượng các công trình giao thông trọng điểm

Nhiều đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề chất lượng các công trình giao thông. Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) hỏi: Tôi muốn nêu vấn đề chất lượng công trình giao thông với Bộ trưởng. Thời gian qua một số công trình giao thông không đảm bảo chất lượng, một số công trình bị hư hỏng sau khi sử dụng một thời gian ngắn, thậm chí có một số công trình vừa đưa vào sử dụng đã bị sát lở? Xin Bộ trưởng nói rõ hơn nguyên nhân và chất lượng của những công trình này và trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải trong việc giải quyết vấn đề này?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng giải đáp: "Thực tế có nhiều dự án có thực trạng như đại biểu Hồng Anh nêu. Nguyên nhân là công tác chuẩn bị đầu tư chưa hiệu quả, vấn đề tư vấn, nhà thầu công trình cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng trên. Năng lực tài chính của các doanh nghiệp yếu kém, trình độ quản lý giám sát còn nhiều hạn chế. Vừa qua Bộ đã tiến hành triệt để phân cấp dự án, phân cấp cho các tổng công ty, liên ngành, địa phương để tránh tối đa việc vừa làm vừa trì trệ".

Về vấn đề đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết giai đoạn 1 hội đồng nghiệm thu đã kết luận đủ tiêu chuẩn cho thông tuyến đường trước tết và có hiệu quả tức thì, rút ngắn đoạn từ Trung Lương về TP.HCM còn 30 phút. Việc này đã giải quyết được áp lực giao thông từ TP.HCM về miền Tây. Thời gian gần đây có 1 số sạt lở khiếm khuyết cục bộ, đa số liên quan đến đường dẫn. Nhưng bộ trưởng nhấn mạnh: "Những sạt lở thuộc về đường dẫn. Riêng phần đường cao tốc bê tông hóa sẽ không có chuyện sạt lở, tôi khẳng định như vậy".

Đại biểu Ngô Văn Minh đặt câu hỏi liên quan đến xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Bộ trưởng Hồ nghĩa Dũng cho biết việc duy tu, bảo dưỡng đầu tư hạ tầng giao thông là trách nhiệm của địa phương. Bộ có trách nhiệm quản lý chung, cũng như ban hành tiêu chuẩn duy tu, bảo dưỡng cho các địa phương thực hiện. Theo chiến lược phát triển giao thông nông thôn đến năm 2020 thì ở những vùng kinh tế khó khăn sẽ cố gắng nhựa hóa 50% mặt đường.

5PppBg12.jpgPhóng to
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) - Ảnh: Việt Dũng

Riêng đoạn quốc lộ 1A đi ngang qua Quảng Nam, Bộ trưởng cho rằng đây là một đoạn đường khá khắc nghiệt do thường xuyên bị ngập lụt và vì thế, chi phí duy tu bảo dưỡng đoạn này khá tốn kém. Cũng trong kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, Bộ trưởng có nhắc tới đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và ông hứa sẽ tham gia quyết liệt dự án này vì đây là dự án mà ông đã theo hơn 10 năm nay, kể từ khi còn làm lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Ông Dũng cho biết dự án này cơ bản đã giải quyết xong nguồn vốn đầu tư 1,6 tỉ USD. Sang năm 2011 sẽ đủ điều kiện để khởi công dự án này. Ông giải thích thêm, việc làm đường cao tốc theo phương thức BOT chỉ có thu phí mà không kèm điều kiện giao đất làm dự án thì không có nhà đầu tư nước ngoài nào mặn mà chịu làm. Vì thế, nhiều dự án chậm triển khai do chưa có nhà đầu tư thì Bộ cũng không dám hứa chắc ngay một lúc được…

Trả lời ý kiến của Đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) liên quan đến việc ứng dụng công nghệ làm đường cao tốc. Bộ trưởng cho biết, việc nghiên cứu cơ bản để ứng dụng công nghệ trong ngành giao thông vận tải đúng là còn yếu. Tuy nhiên, liên quan đến công nghệ trải nhựa đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là một công nghệ đắt tiền. Đây là công nghệ tạo nhám mặt đường cho an toàn. Vật liệu này rất khác so với bê tông Nhật Bản nhưng không đến nỗi đắt gấp 7-8 lần như đại biểu đã nêu.

Hầm chui hay cầu vượt tại Đường Láng - Hòa Lạc?

Vấn đề làm hầm chui vì khu du lịch sinh thái như đại biểu Chu Sơn Hà nêu, bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định chưa có thông tin gì về việc này. Nếu đại biểu Hà phát hiện ai đó có liên quan thì mạnh dạn cung cấp tin cho Bộ trưởng để cùng hợp tác xử lý vụ việc

Hai đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) và Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt vấn đề về việc làm hầm chui qua khu vực đường Láng - Hòa Lạc. Theo hai vị đại biểu này thì nhiều ý kiến cử tri cho rằng nếu làm cầu vượt sẽ khả thi và tránh thất thoát so với hầm chui. Ông Chu Sơn Hà nêu rõ đây là điểm ngập sâu nhất tại Hà Nội trong đợt mưa 2008, vậy làm hầm chui như vậy liệu có khả thi. Ông Hà còn nêu có ý kiến cử tri cho rằng qua bên kia hầm chui là khu du lịch sinh thái Thiên đường Ngọc Sơn, liệu có ai đó có cổ phần ở khu du lịch này chăng?

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết “đã từng có những tranh luận khác nhau về mặt thiết kế, xử lý hầm chui hay cầu vượt tại khu vực này. Một số ý kiến cho rằng làm cầu vượt thì tiết kiệm hơn nhưng cũng có ý kiến nêu về mặt mỹ quan thì không thể để cầu vượt ngay giữa bề mặt thủ đô. Hiện nay, chúng tôi cho rằng hầm chui là phương pháp hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu”.

Đại biểu Phong tiếp tục chất vấn, Bộ trưởng nói chọn phương án hầm chui là thiên về yếu tố mỹ quan hoàn toàn không thuyết phục vì thực tế nhiều nước trên thế giới đã xây những cây cầu vượt rất đẹp.

Bộ trưởng Dũng tiếp thu ý kiến của ông Phong nêu, nhưng cũng nói rõ mỗi giải pháp đều có những ưu điểm khác nhau. “Đến giờ này, tôi thấy kỹ thuật công trình và tiến độ đều ổn, tôi ghi nhận ý kiến ông Phong nêu và sẽ tiếp tục trao đổi sau” - Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Vinashin và con tàu Hoa Sen trị giá hơn 1.000 tỉ đồng

Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) và đại biểu Lê Quốc Dung cùng chất vấn về Vinashin mua con tàu Hoa Sen với giá hơn 1.000 tỉ đồng nhưng khai thác không hiệu quả, thực tế cho thấy Vinashin mua con tàu này nhưng chỉ chạy có 1 lần rồi thôi, số tiền mua con tàu này có thể làm được nhiều km đường giao thông nông thôn. Vậy trách nhiệm của các cấp quản lý là như thế nào?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết việc mua tàu để vận chuyển hàng hóa và hành khách theo hướng Bắc - Nam là để giảm áp lực giao thông đường bộ và để phát triển tuyến giao thông đường biển Bắc - Nam. Tuy nhiên, tại thời điểm mua tàu, Vinashin gặp không ít khó khăn do đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng, giá cước vận tải biển cả thế giới giảm mạnh. Một phần nữa là do bản thân doanh nghiệp chưa tính hết các phương thức vận tải cảng, hậu cảng ra sao… Việc tàu Hoa Sen hoạt động không hiệu quả, Hội đồng quản trị sẽ chịu trách nhiệm về phương án làm ăn của mình. Riêng phía Bộ GTVT đã chủ động ngăn chặn và yêu cầu công ty ngưng đầu tư tiếp chiếc tàu thứ hai.

Đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) cho rằng Vinashin đầu tư quá nhiều dự án, quá nhiều công trình dở dang. Bộ trưởng Dũng giải thích rằng nhiệm vụ chính của Vinashin là đóng tàu nhưng đúng là trong thời gian qua đã đầu tư ra nhiều lĩnh vực khác và cũng vượt quá khả năng tài chính cho phép. Về góc độ quản lý ngành, sắp tới sẽ kiến nghị chính phủ có biện pháp xử lý tình trạng nêu trên.

Đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Về đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết thật sự lo lắng và đặt giả sử nếu Quốc hội thông qua nhưng Nhật Bản không muốn cho vay nữa mà có một nước khác cho vay rẻ hơn thì Chính phủ có chấp nhận?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, hiện các đối tác mới giúp Việt Nam ở giai đoạn chuẩn bị và VN chưa đặt vấn đề với một nước nào. Tinh thần là phải chọn đối tác có kinh nghiệm, giá hợp lý thì VN sẽ kêu gọi tham gia dự án.

Làm cầu treo qua sông Pô Kô

Liên quan đến câu chuyện thời sự được đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nêu ra là việc người dân Kon Tum đu dây cáp vượt sông Pô kô, ông Thuyết hỏi: Bộ trưởng đã cử người đi kiểm tra chưa, ai chịu trách nhiệm cho việc này?

Bộ trưởng Dũng cho biết rằng sau bão số 9 và số 11, Bộ GTVT đã cử rất nhiều đoàn vào tỉnh Kon Tum để giải quyết nhanh việc sạt lở, ách tắc trên tuyến quốc lộ 14 và 24, trong đó, nhiều cầu tạm cũng đã được làm rất nhanh.

Riêng tuyến sông Pô kô thuộc quyền quản lý của địa phương nhưng địa phương cũng không đề cập tới. "Sau khi dư luận lên tiếng, tôi hỏi sở GTVT Kon Tum thì các đồng chí ấy cũng trả lời không biết", vị bộ trưởng cho hay. Việc này đúng là địa phương chưa nắm hết vì Bộ đã phân cấp cho các địa phương trong cả nước quản lý 250.000 km đường sông. Riêng việc giải quyết xây cầu cho đồng bào qua sông Pô kô, chúng tôi đã quyết định làm cầu treo qua sông và giao địa phương giải quyết ngay - Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng dứt khoát.

Trong buổi chất vấn chiều nay, tổng cộng có 20 lượt đăng ký hỏi và 17 lượt được hỏi trực tiếp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng. Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, những vấn đề mà các đại biểu nêu ra trong buổi chất vấn Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng không mới, xây dựng hạ tầng giao thông chậm, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường là vấn đề kinh niên, tuy nhiên đại biểu Quốc hội vẫn tiếp tục lưu ý những vấn đề này để sắp tới Bộ trưởng làm tốt hơn, tránh tình trạng chậm trễ, giải quyết những vấn đề trọng điểm càng sớm càng tốt.

Sáng mai (11-6), Quốc hội sẽ tiếp tục với phiên trả lời chất vấn trực tiếp của Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Cao Đức Phát.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng những dự án sử dụng vốn ODA để làm đường cao tốc, khi có sự cố cần đánh giá thì chúng ta không có hồ sơ vì cơ quan nước ngoài đã mang về nước, cách quản lý như thế có ổn không và trách nhiệm thuộc về ai?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Việc quản lý ODA của các nhà tài trợ rất bài bản, đúng quy trình. Chúng ta học được rất nhiều về quản lý dự án từ dự án ODA. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận là những dự án ODA từ đầu năm 1995 (những năm đầu tiên có dự án ODA), thời điểm đó cũng có những hồ sơ về nhà thầu chưa chặt chẽ.

THÙY MAI - HỒNG NHỰT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên