Một nồi canh kim chi bị mốc men còn nằm trên lò bếp trong nhà một "godoksa" ở quận Eunpyeong, thủ đô Seoul hồi tháng 4-2016 - Ảnh: REUTERS
Bên cạnh tốc độ phát triển kinh tế như "rồng bay" với những tập đoàn lớn như Samsung, hay làn sóng K-pop với những nhóm nhạc gồm hơn cả chục thành viên, ở đâu đó tại xứ sở kim chi là góc khuất của những mảnh đời cô độc.
Vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, họ sống trong cô độc và rồi cũng chút hơi thở cuối cùng trong cô độc. Người Hàn Quốc gọi nạn nhân của những cái chết cô độc là "godoksa". Nó đã trở thành một vấn đề đau đầu của Seoul trong những năm gần đây.
"Những người này chịu nhiều yếu tố như sự thờ ơ của xã hội, nghèo đói, thất nghiệp và bệnh tật" - báo Korea Times ngày 20-3 dẫn lời một quan chức làm việc trong chính quyền Seoul.
Trước một bức tranh tối màu nằm giữa nét phồn hoa đô thị của Seoul, ngày 20-3, chính quyền thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã công bố gói các biện pháp nhằm ngăn chặn "những cái chết cô độc" ở thành phố này.
Các biện pháp được đưa ra vào thời điểm ngày càng nhiều vụ người già và trung niên ở thủ đô Seoul tự tử trong khi không ít trường hợp đám tang cô độc không có người thân đến dự.
Các điều khoản phải kể đến trong gói biện pháp trên gồm cung cấp các dịch vụ công cộng, hỗ trợ chi phí tổ chức tang lễ và đặc biệt là giúp thiết lập các mối quan hệ xã hội cho những người này.
Chính quyền sẽ lập ra 26 nhóm có tên gọi "Những người theo dõi hàng xóm" ở 17 quận. Các nhóm này dự kiến sẽ tiến hành một cuộc khảo sát về điều kiện sống của những người già và những người ở tuổi trung niên đang sống một mình trong điều kiện khắc nghiệt.
Các nhóm gồm khoảng 10 người tại mỗi quận tự trị sẽ có nhiệm vụ thăm hỏi những người sống trong cảnh cô cô như vậy. Nếu một người già gặp khó khăn trong việc đi lại, một thiết bị dùng để theo dõi sự an toàn của họ có tên IOT sẽ được lắp đặt.
Bà Choi Gyeong Ja, sống đơn độc, đang ngồi xem TV trong căn hộ của bà ở Seocho-gu, gần khu nhà giàu Gangnam, ở Seoul vào ngày 16-1-2013 - Ảnh: REUTERS
"Nghiên cứu cho thấy những con người cô độc sống thu mình khỏi xã hội sẽ dễ gần hơn khi được một người hàng xóm ghé thăm hỏi, thay vì một quan chức. Quan trọng là những người này phải thiết lập được mạng lưới quan hệ" - quan chức giấu tên trên cho biết.
Những "người hàng xóm" này cũng sẽ kiểm tra các hóa đơn chưa được tranh toán, tình trạng kiểm tra sức khỏe và báo cáo lên các trung tâm dịch vụ cộng đồng.
Mang tiếng là những căn hộ nhưng bên trong đó là không ít trường hợp sống cô độc. Kế hoạch trên sẽ gồm việc cấp 900.000 won (840 USD) tiền sinh hoạt mỗi tháng cho những người này.
Năm 2013, có 285 đám tang "cô độc" tại Seoul không có người tham dự. Con số này trong năm 2017 được ghi nhận là 366. "Những cái chết cô độc diễn ra khi người ta sống trong tình trạng bị cô lập. Họ tạ thế mà chỉ vài ngày sau mới được phát hiện" - vị quan chức nói.
Ngày 22-3 tới đây, chính quyền thành phố Seoul cũng sẽ công bố kế hoạch tổ chức tang lễ công khai cho những người qua đời không có người thân.
Nhiều người già cô độc ở Seoul sống một mình, mà chết cũng một mình không người thân dòm ngó - Ảnh: YONHAP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận