16/04/2009 22:32 GMT+7

Phía sau cổng trường nội trú: Sự lựa chọn rủi ro

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện
TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hải Châu, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, bày tỏ quan điểm:

- Đó không hẳn là sự lựa chọn tốt. Có thể trong hoàn cảnh học sinh có cha mẹ ly tán, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc không còn cha mẹ, người thân thì gửi con vào trường nội trú là việc bất khả kháng. Học sinh sẽ được học hành, được quản lý trong một môi trường có kỷ luật nghiêm ngặt. Nhìn ở khía cạnh ưu điểm sẽ tránh cho học sinh sa đà vào những cám dỗ mà lứa tuổi các em có thể vấp phải khi thiếu sự chăm sóc của gia đình.

Tuy nhiên, với những học sinh nội trú ở các thành phố hiện nay sẽ có những bất ổn trong phát triển nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn khi ở lứa tuổi còn quá nhỏ mà các em đã phải sống xa người thân, gia đình. Mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh xưa nay cũng đều nhắc đến vai trò của cả nhà trường, gia đình và xã hội. Việc đưa con vào trường nội trú vô hình trung đã loại bỏ một “chân kiềng” là sự giáo dục của gia đình.

Chưa kể việc giáo dục học sinh rất cần thiết được đặt trong môi trường sống gần gũi và truyền thống văn hóa của người Việt. Nhìn ở khía cạnh này thì việc sống trong khu nội trú cách biệt với bên ngoài là một thiệt thòi cho các em.

bbznn9tK.jpgPhóng to
Phụ huynh làm thủ tục đón con về tại phòng giám thị Trường THPT tư thục Nhân Văn (TP.HCM) nhân lễ giỗ Tổ Hùng Vương 4-4-2009 - Ảnh: Như Hùng
Ogt6sHZn.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Hải Châu
* Với thực tế phát triển mô hình trường nội trú ở nhiều thành phố hiện nay, Bộ GD-ĐT có quy định gì trong việc dạy học, tổ chức hoạt động trong trường nội trú không, thưa ông?

- Ngoài hệ thống trường dân tộc nội trú, các trường phổ thông mới chỉ phổ biến mô hình bán trú hoặc lớp học 2 buổi/ngày. Trường nội trú ở bậc phổ thông vẫn còn mới mẻ. Tuy nhiên từ năm 2003, chúng tôi đã có quy định chung cho các trường phổ thông tổ chức học hai buổi/ngày, bán trú hoặc nội trú. Trong đó có định hướng rõ: không được phép tận dụng thời gian để dạy trước, dạy khác chương trình phổ thông hiện hành, gây quá tải cho học sinh.

Học sinh học 2 buổi/ngày, không được phép dạy học quá 7 tiết/ngày cho học sinh bán trú, nội trú (tính cả giờ giáo viên quản lý hướng dẫn học sinh tự học).

Việc tổ chức cho học sinh học thêm các môn học ngoài chương trình phải căn cứ vào nhu cầu chính đáng của cha mẹ học sinh và được các cơ quan chuyên môn tại địa phương cho phép. Ngoài ra, với các trường có bán trú, nội trú, nhất thiết phải xây dựng kế hoạch tổ chức được các hoạt động ngoài giờ học.

* Nhưng với những gì chúng tôi ghi nhận được thì ở một số trường phổ thông nội trú, học sinh phải sống trong môi trường “chỉ có kỷ luật” và quá cách biệt với bên ngoài xã hội. Ông suy nghĩ gì về cách làm này?

- Việc cho học sinh vào ở nội trú trước hết là trách nhiệm của nhà trường và cha mẹ học sinh trong việc thỏa thuận để tìm ra một hình thức giáo dục, chăm sóc hợp lý nhất. Việc tổ chức cho học sinh nội trú phải trên cơ sở tự nguyện, không vì lợi nhuận. Các sở giáo dục - đào tạo kiểm soát, phê duyệt kế hoạch giáo dục cụ thể do các trường trình lên. Với sự phân cấp trách nhiệm như hiện nay, các sở cũng phải có phương án kiểm tra, kiểm soát thường xuyên hoạt động của các trường nội trú, điều chỉnh hoặc ngừng ngay những hoạt động, cách làm phản giáo dục, có hại cho học sinh.

Bên cạnh đó cũng phải có khuyến cáo đến các bậc cha mẹ học sinh khi lựa chọn cho con môi trường sống và học tập. Bất luận vì lý do gì nhưng việc phó mặc hoàn toàn cho nhà trường, từ chối trách nhiệm của gia đình, cha mẹ trong việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái là việc khó chấp nhận.

* Trong tình huống chỉ có một con đường vào trường nội trú thì theo ông, các cơ sở giáo dục cần làm gì để học sinh có thể không bị lệch lạc về nhân cách và thiếu thốn về tình cảm?

- Nếu biết cách làm thì những trường có mô hình bán trú, nội trú sẽ có thể thực hiện rất tốt chủ trương xây dựng “trường học thân thiện”. Các hoạt động này phải mang ý nghĩa giáo dục, phong phú, gần gũi với lứa tuổi học sinh, giúp học sinh phát triển không lệch lạc khi phải sống bó hẹp trong môi trường học đường. Mục tiêu của “trường học thân thiện” là phát huy tính dân chủ, khuyến khích học sinh bộc lộ khả năng, suy nghĩ, mơ ước. Hướng sự hiểu biết, tình cảm của học sinh đến những giá trị văn hóa, lịch sử, những giá trị tinh thần mang tính truyền thống...

* Bà Hoàng Thị Minh Liên (hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nhân Văn):

Những thiệt thòi của học sinh nội trú

Những lần trường tổ chức dã ngoại, chúng tôi mới phát hiện nhiều học sinh không biết củ mì (sắn), không phân biệt được con trâu, con bò. Sẽ hết sức khiếm khuyết nếu những năm tháng học trò của các em tách rời những bài học, kinh nghiệm thực tế ngoài đời! Mỗi tuần chúng tôi tổ chức cho các em đi dã ngoại để vui chơi, học tập: trượt patin, xem phim, tham quan... Cuộc sống nội trú có thể biến các em thành những người an phận, đối phó với những quy định, hờ hững với những chuyện xung quanh vì tâm lý đó không phải việc của mình.

Tách rời cuộc sống gia đình, các em thiệt thòi rất nhiều: xa rời những mối dây tình cảm gia đình, không biết chăm sóc người thân, không biết làm việc nhà, thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng phó trong cuộc sống bên ngoài.

* Ông Chu Xuân Thành (nguyên trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, từng làm hiệu trưởng Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm):

Đừng quên vai trò giáo dục của gia đình

Có những phụ huynh gửi con học nội trú từ tiểu học, cả tháng, thậm chí cả học kỳ mới gặp con một lần. Những người quản nhiệm phải coi trẻ nhỏ như con mình nhưng điều này thật quá khó, không phải thầy cô nào cũng làm được, nhiều người quản trẻ bằng hình thức quát nạt, trẻ sợ... Nhiều trẻ học nội trú rất khó khăn trong vấn đề phát triển tình cảm.

Ở bậc THCS và THPT, các em cần được thông hiểu tâm lý tuổi mới lớn, hoàn cảnh gia đình (vì sao phải vào nội trú, vì sao hư, mê chơi game), ngoài chuyện học hành, các em có nhu cầu hoạt động vui chơi, giải trí thể thao... Nếu không thấu hiểu điều này, trường nội trú sẽ thành nơi nhốt trẻ, các em không thể thành người hoàn thiện được. Nhưng trong điều kiện hiện tại, nhiều trường chưa thể đáp ứng tất cả nhu cầu này.

Thực tế khi mang con gửi trường nội trú, hầu hết phụ huynh tin tưởng tuyệt đối: trăm sự nhờ thầy, đối với trẻ hư trường muốn làm gì thì làm, phụ huynh đóng tiền và... hết. Gửi con học nội trú, theo tôi, chỉ là chuyện bất đắc dĩ. Đây không phải là giải pháp tối ưu đối với tất cả trẻ con có nhu cầu. Nhưng thuyết phục phụ huynh hiểu điều này không phải dễ. Xin các bậc cha mẹ đừng quên vai trò giáo dục của gia đình đừng giao khoán hết trách nhiệm giáo dục con cái đang tuổi trưởng thành cho nhà trường. Phía các trường, nếu có thể nên tổ chức xe đưa đón để hằng ngày học sinh được về nhà thay vì ở nội trú.

* Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy:

Những hậu quả không ngờ

Nhìn nhận một cách khách quan thì mô hình trường nội trú thuận lợi cho những phụ huynh không có điều kiện chăm sóc con cái, nhưng con em họ vẫn có điều kiện rèn luyện, thi đua học tập. Các trường có lý của họ khi áp dụng những hình thức quản lý học sinh như “trại lính”. Nhưng xét về mặt tâm lý, học sinh ở lứa tuổi 15-18 vẫn chưa đủ sức lý giải về cách quản lý ấy, các em cũng chưa đủ bình tĩnh để nhận biết những điều không nên làm, việc “chăm sóc” quá nguyên tắc, quá cứng nhắc sẽ gây ra phản ứng ngấm ngầm ở học sinh và đến một lúc nào đó sẽ bộc phát dữ dội, gây ra những hậu quả không ngờ.

Nếu trường nội trú đừng bắt học sinh học hành quá căng thẳng khiến các em không còn cơ hội tiếp xúc với người khác trong trường, mà thành lập nhiều câu lạc bộ cho HS hợp tác, chia sẻ, làm bạn với nhau chắc chắn học sinh sẽ rất thích thú, bởi tuổi mới lớn luôn khao khát sáng tạo và thể hiện bản lĩnh cá nhân.

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên