13/05/2012 20:09 GMT+7

Phía sau chuyện hòn đá bị giam

BẢO TRUNG
BẢO TRUNG

TTO - Hơn tháng qua, vụ thu hồi hòn đá do dân phát hiện trong rẫy mang về làm đá cảnh tại Gia Lai vẫn lùm xùm. Hòn đá bị thu hồi đang được "nhốt" trong khung sắt tại sân trụ sở UBND huyện Chư Sê.

gxfO4ZmN.jpgPhóng to
Hòn đá tịch thu của bà Trần Thị Sắc đang được lưu giữ trong khung sắt tại UBND huyện Chư Sê, Gia Lai - Ảnh: Hoa Lư

Cuối năm 2009, tại triển lãm sinh vật cảnh Festival cồng chiêng quốc tế ở TP Pleiku đã có một sự kiện làm giới chơi đá cảnh ở Gia Lai sửng sốt: một hòn đá mã não được cho có nguồn gốc tại xã H’Bông, huyện Chư Sê đã được định giá hơn 2 tỉ đồng.

Sự kiện này thổi bùng phong trào săn lùng đá cảnh tại đây. Từ đó, giới chơi đá, kinh doanh đá nghệ thuật từ các nơi đổ về Chư Sê lùng mua.

Do đặc thù thổ nhưỡng, xã H’Bông như một vựa đá cảnh, đá phong thủy, thu hút giới chơi đá nghệ thuật sưu tầm, săn lùng nhiều năm nay.

Cũng giống như chơi cây cảnh, phong trào chơi đá cảnh lan dần ra, người dân địa phương cũng sưu tầm, tìm kiếm đá có hình thù kỳ thú, có màu sắc đẹp, đem về chế tác hoặc để nguyên thô, trưng bày trong sân vườn, trong nhà, khi có điều kiện có thể mua bán, đổi chác.

Sự việc gây khúc mắc, lùm xùm bắt đầu xảy ra ngày 28-3-2012, khi đoàn kiểm tra liên ngành huyện Chư Sê lập biên bản tạm giữ tảng đá thể tích khoảng 3,2 m3 của bà Trần Thị Sắc.

Tiếp đó ngày 29-3, đoàn kiểm tra tiếp tục lập biên bản tạm giữ tại nhà ông Lê Hùng Dũng (thôn Ia Sa, xã H’Bông) hai tảng đá có thể tích 1,72 m3, giao UBND xã H’Bông quản lý.

Sau đó, hai tảng đá bị tạm giữ tại nhà ông Lê Hùng Dũng biến mất, còn tảng đá của bà Trần Thị Sắc đã được đưa về trụ sở UBND huyện Chư Sê cất vào khung sắt bảo vệ.

L5K6jA72.jpgPhóng to
Hòn đá cảnh - Ảnh: Hoa Lư

“Thật ra nếu chỉ dừng lại ở mức độ người dân sưu tầm chơi đá cảnh, đá nghệ thuật mang tính tiêu dao thuần túy thì chả ai bắt hay lập biên bản thu giữ đá làm gì. Khổ nỗi chuyện săn lùng, vận chuyển, mua bán đá trên địa bàn rất phức tạp, là thực trạng nhức nhối và đây là vấn đề xã hội nên mới có chuyện lập biên bản thu giữ như vài trường hợp vừa qua” - Bí thư Huyện ủy Chư Sê Nguyễn Văn Lành trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 13-5.

Hiện mẫu đá đã được Sở Tài nguyên - môi trường Gia Lai gửi đi phân tích để xác định đây là đá quý hay bán quý.

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Gia Lai Phạm Duy Du khẳng định: “Theo Luật khoáng sản thì việc bắt như vừa rồi ở Chư Sê là đúng, nhất là bắt khi đang vận chuyển. Việc rất nhỏ rồi thành to chuyện. Quan điểm cá nhân tôi thì kiểm tra, thanh tra là việc làm của địa phương, tuy nhiên việc UBND huyện Chư Sê thành lập đoàn kiểm tra rồi tới nhà ông Lê Hùng Dũng bắt và lập biên bản là không đúng lắm”.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam

Chính quyền quá vội vã!

- Chưa xác định được hòn đá ấy có phải là khoáng sản theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Luật Khoáng sản năm 2010 (có hiệu lực từ 1-7-2011) hay không? Nếu có thì giá trị của nó thế nào? Xác định giá trị hòn đá phải do các cơ quan chuyên môn, có thẩm quyền xác định bằng một kết luận giám định.

- Nếu hòn đá đích thực là khoáng sản có giá trị, thuộc sở hữu của Nhà nước thì cần giải thích, động viên người phát hiện giao nộp cho Nhà nước. Nếu cưỡng chế thu hồi thì phải tuân thủ thủ tục pháp luật quy định như: Lập biên bản, ra quyết định cưỡng chế thu hồi, chứ không thể tự ý thu hồi rồi “giam hòn đá” như dư luận đã nêu.

- Hòn đá được phát hiện do tình cờ, chứ không phải là kết quả thăm dò, khai thác khoáng sản. Việc phát hiện ra hòn đá (nếu là khoáng sản có giá trị) thì người phát hiện có công, cần phải thưởng công xứng đáng cho họ.

BẢO TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên