TT - Cuối tuần qua, tất cả các trận đấu ở Anh đều dành một phút mặc niệm trước trận để tưởng nhớ đến cựu danh thủ người Xứ Wales Gary Speed.
Trên thế giới, việc Gary Speed qua đời ở tuổi 42 khi còn đương nhiệm ghế HLV đội tuyển quốc gia Xứ Wales chỉ dấy lên một vài ngày rồi cũng qua. Riêng ở Anh, nơi ông chơi bóng từ khi giải ngoại hạng còn có tên Division One cho đến khi giải nghệ năm ngoái, sự việc này được xem như là bề nổi của tảng băng phía bên kia bóng đá, một phía mà không phải ai cũng nhìn thấy.
Tôi còn nhớ câu chuyện về một người nọ lúc nào cũng buồn bã, u uất, có người thấy vậy mới nói: “Hay là anh ra phố chơi, ngoài đó có một anh hề rất giỏi biểu diễn mỗi đêm, ai xem cũng cười, thấy vui vẻ, phấn khởi. Anh ra đó sẽ vui lại ngay”. Anh kia càng buồn hơn rồi nói: “Tôi chính là anh hề đó”.
Lý do Speed tự treo cổ đến giờ không ai biết, mọi người đã kêu gọi các CĐV và báo chí tôn trọng gia đình ông, đừng tò mò tìm lý do gây xáo trộn đời sống của họ. Ngay cả các báo lá cải nhất như The Sun hoặc Daily Star cũng không vào cuộc săn lùng. Trên các phương tiện truyền thông chỉ đăng những bài của các đồng đội, học trò và bạn bè viết về ông mà thôi. Khi một người có sự nghiệp thăng hoa, tiền bạc đầy đủ, gia đình êm ấm, mặt mũi vui tươi, ta tự cho rằng người đó đương nhiên phải hạnh phúc và cuộc sống họ là một luống hoa hồng, không biết được những khó khăn tinh thần không chừa một ai.
Còn nhớ vào năm 1999, khi Stan Collymore, cựu cầu thủ Nottingham Forest, Liverpool và tuyển Anh, lúc đó đang thi đấu cho Aston Villa, thổ lộ mình bị trầm cảm, HLV Gregory đã nói: “Lương 20.000 bảng Anh một tuần thì trầm cảm nỗi gì?”. Đây là cách nhìn phổ biến: nhiều tiền thì phải vui, thêm nữa cầu thủ vốn được cho là “tứ chi phát triển”, vô tư, không phải người sống nội tâm hay thâm trầm, sâu sắc gì.
Những ngày này, nghĩ về phía bên kia bóng đá tôi lại nhớ tới bài hát Otherside (Phía bên kia) của ban nhạc Red Hot Chili Peppers. “Tôi đã nghe giọng của bạn qua một bức ảnh. Tôi nghĩ đến nó, nó mang quá khứ trở về. Một khi bạn biết được, bạn sẽ không bao giờ có thể trở lại. Tôi buộc phải về phía bên kia... Tôi sẽ còn trượt dài đến bao lâu, bao lâu nữa?...”, nội dung về một người quá trầm uất phải tìm cách tự ngưng đời mình.
Tôi không ủng hộ chuyện này, nhưng cái chết của Gary Speed cũng gợi nhiều suy nghĩ. Vài ngày sau khi ông qua đời, năm cầu thủ (dĩ nhiên tên được giấu kín, chỉ biết đó là những cầu thủ hàng đầu nổi tiếng) đã đến trung tâm “Cơ hội thể thao” để thổ lộ mình cũng bị trầm cảm cần được giúp đỡ. Tony Adams, cựu đội trưởng Arsenal và tuyển Anh, từng bị chứng nghiện rượu nặng, sau khi giải nghệ sáng lập trung tâm này để giúp đỡ những cầu thủ có vấn đề cá nhân.
Dĩ nhiên khi ai đó qua đời, những bài viết và lời chia buồn sẽ toàn những lời khen ngợi, nhưng quả thật ngay cả khi nhìn Gary Speed trên sân cỏ cũng như thấy ông khi thi đấu với vị trí tiền vệ cánh gần như không đốn người hay ăn vạ, đội tuyển ông huấn luyện chơi cũng đẹp hơn trước, bản thân ông là một người vui vẻ, hòa đồng và có ánh mắt rất hiền, vì vậy ai cũng tiếc nuối.
Nhưng ít ra sự kiện Gary Speed cũng giúp giới bóng đá mở lòng ra với nhau hơn, thừa nhận có một phía bên kia, một mặt trái mà nếu không tìm cách giải quyết sẽ dẫn đến chuyện đau lòng.
GIÁNG UYÊN (London)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận