24/05/2010 06:30 GMT+7

Phí sức vì... gắng sức

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Nhiệt tình quá mức với thể dục thể thao và tập không đúng phương pháp có thể làm hại sức khỏe người tập.

CVck5ce9.jpgPhóng to

Vì gắng sức quá lâu khi chơi quần vợt trong một thời gian dài, anh Nguyễn Thế Vinh (Hà Nội) buộc phải nhập viện điều trị - Ảnh: N.Hà

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phú - trưởng khoa y học thể thao Bệnh viện Thể thao VN, dù mới chớm hè nhưng bệnh nhân nhập viện do chấn thương từ tập luyện thể dục thể thao không đúng cách đã tăng lên đáng kể. Tuy là bệnh viện phục vụ chính cho các vận động viên chuyên nghiệp, nhưng hiện nay số bệnh nhân là những vận động viên nghiệp dư lại đang chiếm đến 70-80% tổng số bệnh nhân đang theo dõi điều trị tại viện.

“Nghệ thuật uống nước” trong thể thao

Với người chơi thể thao nói chung, chơi thể thao mùa hè nói riêng, vấn đề nước uống phải là ưu tiên hàng đầu. “Không bao giờ để cơ thể có cảm giác khát. Hãy bổ sung nước uống ngay khi... gần đến cơn khát. Nếu để ý bạn sẽ thấy các cầu thủ có những chai nước chuyên dùng, chỉ cần bóp mạnh là có ống hút phun ngược lên trên.

Đương nhiên, việc trang bị những dụng cụ hỗ trợ đắt tiền này với người chơi thể thao không chuyên phần lớn là không cần thiết. Song, bạn hoàn toàn có thể cải tiến bằng cách không tu cả chai nước mà bóp cho dòng nước từ từ phun lên, không cần uống, chỉ để nước tiếp xúc với miệng, cổ họng rồi nhổ ra ngay là được, không cần để nước xuống dạ dày. Cũng có thể gọi đó là “nghệ thuật uống nước trong thể thao”, không để dạ dày gánh sức nặng của lượng nước tiêu thụ mà chủ yếu để cơ thể có cảm giác được tiếp xúc với nước”, bác sĩ Phú chia sẻ.

Chấn thương... từ từ

Anh Nguyễn Thế Vinh (30 tuổi, Hà Nội) đã làm quen với quần vợt 7-8 năm, từng bị rách dây chằng, nhưng chấn thương lần này không còn dễ phục hồi như trước. Mỗi tuần anh dành đến năm buổi chơi, ngày nào cũng đánh liên tục 3-4 giờ không nghỉ. Anh Vinh duy trì chế độ tập luyện cao này mặc cho cơ thể thường xuyên có dấu hiệu mỏi nhừ, nổi gai ốc ngay khi đang chơi. Đến khi đầu gối sưng đau, khó đi lại, anh buộc phải nhập viện điều trị kết hợp luyện tập phục hồi chức năng.

Bác sĩ Phú cho biết ngoài những chấn thương do va chạm ở những môn thể thao đối kháng, những chấn thương nhìn thấy ngay, thì người luyện tập thể dục thể thao rất dễ bị chấn thương do tập luyện quá sức, không lượng được sức mình. Trong khi các vận động viên phải chấp nhận ranh giới mỏng manh một bên là chấn thương, một bên là thành tích thì người tập thể dục thể thao hằng ngày nên biết lấy sức khỏe làm tiêu chí hàng đầu.

Tại VN chưa có thống kê đầy đủ nhưng tại Mỹ, nghiên cứu từ những năm 2000 cho thấy chi phí điều trị chấn thương từ những vận động nhẹ tưởng vô hại như đi bộ cũng lên đến 200 triệu USD/năm.

Theo nguyên tắc, sau khi vận động cường độ trên trung bình trở lên (nhất là khi chơi các môn thể thao như quần vợt, bóng đá, cầu lông...), cơ thể cần được phục hồi trong thời gian bốn giờ sau đó. Song thực tế nhiều người vận động, tập luyện thể thao hằng ngày không để ý điều này, lại đẩy cơ thể vào tình trạng tiếp tục bị kích thích, khiến sự bình phục không thể nào thực hiện được, tạo gánh nặng cho hệ tuần hoàn và tiêu hóa, cơ thể sẽ bị nhiễm độc một cách từ từ.

Một thói quen dễ thấy ở nhiều người chơi thể thao nghiệp dư là sau trận đấu lại kéo nhau vào bàn nhậu để “tăng lực”. “Thật ra đó chính là cách đánh gục cơ thể nhanh nhất” - bác sĩ Phú khẳng định.

fxuRsaTM.jpgPhóng to

Bị rách sụn chân phải trong một trận đấu bóng đá cùng bạn bè, anh Phạm Quang Hưng (Hà Nội) phải phẫu thuật kết hợp vật lý trị liệu để phục hồi sức khỏe - Ảnh: N.Hà

Tự “đo” sức mình

Muốn tăng cường sức khỏe, người tập thể dục thể thao nên bắt đầu tập luyện với cường độ phù hợp, không được gắng sức ngay từ đầu. Đặc biệt trong 3-4 tuần cơ bản làm quen với chu trình tập luyện, cơ thể mỗi người chỉ nên dành 70-85% khả năng để luyện tập. Việc dồn hết sức để luyện tập từ đầu sẽ khiến cơ thể quá tải. Nhưng làm sao có thể tính được đích xác 70-85% khả năng sức lực của bản thân?

“Bình thường, mạch đập tối đa của cơ thể bằng 220 trừ số tuổi hiện có. Nếu bạn tự bắt mạch hoặc đếm nhịp tim mà thấy mạch đập nhanh hơn 85% số mạch đập tối đa thì có nghĩa là cơ thể đang gắng sức. Một cách ước lượng khác đơn giản hơn là phải giảm cường độ tập luyện ngay khi có dấu hiệu trống ngực đập dồn, chóng mặt, động tác có biểu hiện run, không còn chuẩn xác...” - bác sĩ Phú hướng dẫn.

Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng - chủ tịch Hội Đông y VN - cho hay phân tích theo thuyết âm dương của đông y, một người khi trẻ ít vận động thì về già cũng không nên hăng hái thay đổi thói quen. Chẳng hạn, người đã bước sang tuổi 60 không nên bắt đầu làm quen với một môn thể thao mới đòi hỏi sự vận động thể lực lớn như quần vợt, cầu lông... “Tốt nhất là vận động nhẹ nhàng, tập các bài tập phù hợp với lứa tuổi”.

Theo ông Hướng, thuyết âm dương về sức khỏe biểu hiện ở khí huyết. Đông y chỉ ra rằng từ 1-12 giờ mỗi ngày dương khí trong con người dần lên, cơ thể đáp ứng làm việc năng suất cao, từ 12-24 giờ dương tàn, âm thịnh, con người dần mệt mỏi hơn; đặc biệt, sau 18 giờ, đồng hồ sinh học của con người đòi hỏi cơ thể cần được nghỉ ngơi, tránh để tim phải hoạt động dồn dập trở lại. Do đó, việc tập luyện thể dục, thể thao vào buổi tối không nên trở thành một phong trào vì không có tác dụng tốt với sức khỏe.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên