Phóng to |
Ngoài kiểm tra việc xông formol, tiêu độc,công tác kiểm dịch trứng gần như chỉ còn là đếm trứng thu tiền |
Do giá kiểm dịch chưa hợp lý nên nhiều chủ trại gà đã tiêu thụ trứng không kiểm dịch, phân tán bằng nhiều đường vào TP. Thậm chí, có những chủ trại gà dù đã cẩn thận xông thuốc sát trùng, tiêu độc hoàn toàn cũng phải bán chui, trốn tránh kiểm tra thị trường.
Bà V. - chủ một trại gà tư nhân Hố Nai, Đồng Nai - cho biết: “Thật ra chi phí cho việc tiêu độc khử trùng, xông formol không đáng kể và chúng tôi cũng có thể làm được một cách kỹ lưỡng, nhân viên thú y đến làm cũng chẳng khác gì nhưng chúng tôi lại mất một số tiền quá lớn”.
Cũng vì thế, tính riêng ở Đồng Nai số trứng xuất ra khoảng hơn 1,5 triệu trứng/ngày, vậy mà lượng trứng đăng ký kiểm dịch mỗi ngày trung bình chỉ 30.000-50.000 trứng... Tại Bình Dương có khoảng 100.000 gà đẻ, bình quân mỗi ngày xuất hơn 60.000 trứng nhưng đến nay chỉ có Công ty An Đô là đăng ký kiểm dịch.
Ông Trương Văn Đức - chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương - cho biết: “Hiện nay, việc kiểm dịch trứng gia cầm phần lớn dựa vào sự tự giác. Người chăn nuôi đến chi cục thú y đăng ký kiểm dịch thì chúng tôi mới cử người xuống để tiến hành kiểm tra, xông thuốc, tiêu độc sát trùng. Và chúng tôi cũng không thể canh 24/24g tại các trại gà không đăng ký kiểm dịch để xem khi nào họ xuất trứng đi”...
Sáng 16-4, chúng tôi có mặt tại trại gà An Đô (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) để xem nhân viên thú y kiểm dịch. Nhân viên kiểm dịch chỉ kiểm tra việc xông formol, tiêu độc của trại, địa chỉ nơi đến, niêm phong từng lô hàng 10 vỉ (300 trứng), niêm phong cửa xe và cấp giấy chứng nhận đã kiểm dịch. Số tiền để xông formol hơn 30.000 trứng chưa đến 60.000 đồng nhưng trại phải đóng phí hơn 700.000 đồng.
Nhu cầu tiêu thụ trứng tại TP.HCM khoảng 2-3 triệu trứng/ngày; Đồng Nai khoảng 1 triệu; Bình Dương, Long An... cũng xấp xỉ. Điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng trứng rất lớn. Để việc kiểm dịch trứng được tiến hành triệt để hơn, nhiều chi cục thú y đã có văn bản kiến nghị thay đổi mức thu phí bất hợp lý trên trứng nhưng đến nay vẫn chưa có trả lời. Ông Hoàng Văn Hưởng - chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai - cho rằng: “Theo tôi, chỉ nên thu ở mức 2đ/trứng”.
Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng đàn gà đẻ “an toàn” (đã được kiểm dịch) sẽ cho ra trứng an toàn. Do đó nên chăng chỉ tăng cường thực hiện kiểm dịch từ gốc bằng kiểm tra sức khỏe định kỳ qua việc lấy huyết thanh trên đàn gà mái đẻ và trại nào có đàn gà khỏe mạnh sẽ được cấp giấy chứng nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận