![]() |
Xe và bãi tập kết phế liệu ở Diễn Tháp |
Tại cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), tôi thấy những chiếc xe tải qua biên giới khá dễ dàng. Các thủ tục được làm rất nhanh gọn.
Khi nhân viên hải quan yêu cầu một chủ xe mở cửa khoang sau, tôi nhìn thấy đủ thứ phế liệu xà bần trong khoang chứa hàng, sắt thép, ống hộp hoen gỉ, bình ăcqui, bao nilông...
Xóa đói giảm nghèo nhờ phế liệu
Từ Cầu Treo, tôi bám theo chiếc xe mang biển số 37H-59 xuôi quốc lộ 8 về tận xã Diễn Tháp. Đây là một trong hơn chục chiếc xe tải của người dân Diễn Tháp thường xuyên tham gia vận chuyển phế liệu từ Lào về.
Sau khi làm thủ tục ở cửa khẩu, xe ung dung chạy thẳng về một bãi tập kết phế liệu nằm bên quốc lộ 1 đoạn chạy qua xã Diễn Hồng.
Lân la lại gần đống phế liệu xe vừa đổ xuống, tôi nhìn thấy những dòng chữ Lào, chữ Thái Lan in trên các loại phế liệu ống, hộp nhựa, số phế liệu sắt thép khác thì bám đầy các tạp chất không rõ nguồn gốc.
Cuối cùng chủ xe dừng lại ở một ngôi nhà hai tầng bề thế nằm gần trụ sở xã Diễn Tháp. Vòng qua vòng lại ngôi nhà, tôi thấy nhiều nhân công đang nhanh nhẹn bốc xếp các loại đồ nhôm, nhựa gia dụng lên xe. Những đồ nhôm, nhựa còn mới đó sẽ được chiếc xe vận chuyển sang Lào đổi phế liệu.
Tại UBND xã Diễn Tháp, chủ tịch Chu Cao Nguyên báo cáo liền một mạch: “Xã tui có trên 2.000 lao động thì 500 người đi khắp mọi miền Tổ quốc, 500 người đi Lào, 1.000 người thường xuyên qua lại nước bạn vào những lúc nông nhàn. Tất cả họ đều có chung một nghề nghiệp giống nhau, đó là vừa nhặt nhạnh vừa thu mua các loại phế liệu. 98% hộ gia đình trong xã nhờ có lao động trong nhà đưa đồ mới sang Lào đổi đồ cũ mà xóa đói, giảm nghèo. Không ít bà con vươn lên trở thành tỉ phú phế liệu xuyên quốc gia”.
![]() |
Sơ chế phế liệu |
- Bề tui đi Lào theo nghề phế liệu chỉ cần sức khỏe, không cần vốn liếng nhiều. Các loại đồ gia dụng mới để đổi đồ cũ, tiền vốn để thu mua phế liệu đều có các chủ phế liệu xuyên quốc gia sẵn sàng ứng trước. Sang Lào, bà con cùng xã sống chung trong các dãy nhà trọ rẻ tiền, học lấy dăm câu tiếng Lào rồi rong ruổi xe đạp thồ khắp hang cùng ngõ hẻm, từ phố xá đến làng bản, thu gom đủ các loại rác thải, phế liệu bán lại cho đại lý của các chủ phế liệu. Họ sẽ trừ dần vào tiền nợ, hoặc nếu tự bỏ vốn thì thuê xe tải chở về bán ở VN. Công việc đơn giản nhưng thu nhập khá hơn làm ruộng rất nhiều. Trừ các loại chi phí, trung bình mỗi người thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng.
Tại quán nước đầu xã, tôi gặp chị Nguyễn Thị L. - chủ một đại lý thu mua phế liệu ở Vientiane. Chị xởi lởi cho biết:
- Đang mùa mưa nên chú không thấy được cảnh xe phế liệu ra vào tấp nập trong xã. Mùa này đi lại khó khăn nên bà con ta bên Lào chủ yếu tập kết phế liệu ở các đại lý. Đến mùa khô, xe hàng về nhiều nên sân bóng xã tui trở thành bãi tập kết đầy ắp phế liệu. Nói chung bên Lào có thứ gì đem về được là mua hết. Đại lý của tui bên đó có ngày mua vào cả chục tấn phế liệu. Dân mình đi thu mua về cũng có mà người Lào đến bán cũng có. Dân Lào dùng hàng Thái Lan nhiều, bề tui nhập về toàn rác Thái Lan không hà.
Lâu nay một khối lượng rác thải, phế liệu khổng lồ từ Lào vẫn được xuất khẩu sang nước ta. Nghệ An - tỉnh có chung đường biên giới với Lào, đã trở thành một “vựa phế liệu” lớn nhất các tỉnh phía Bắc. Huyện Diễn Châu thuộc địa bàn tỉnh này có hai xã Diễn Tháp và Diễn Hồng sống nhờ phế liệu; trong đó Diễn Tháp có “đội quân” hùng hậu trên 1.000 người chuyên làm nghề thu gom và nhập khẩu phế liệu từ Lào về. Còn người dân Diễn Hồng với hàng trăm vựa phế liệu lớn nhỏ trên địa bàn xã, lại chuyên nghề buôn bán phế liệu đi các tỉnh trong Nam ngoài Bắc. |
Ông Nguyễn Văn Ninh - chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cầu Treo - nói:
- Từ trước đến nay chúng tôi chưa phải xử lý bất cứ xe phế liệu nào. Vào mùa mưa, trung bình mỗi tháng có trên 10 xe phế liệu qua cửa khẩu Cầu Treo về VN; mùa khô xe về nhiều hơn, trọng tải thông thường của các xe là 15 -20 tấn.
Hà Nội, Thái Nguyên và Nam Định là ba địa danh được nhắc đến nhiều nhất khi chúng tôi dò hỏi chủ các đại lý phế liệu về nơi đến cuối cùng trong hành trình rác Lào nhập đất Việt.
Bà Chu Thị Xuyến - phó chủ tịch xã Diễn Tháp, gia đình bà từ nhiều năm nay làm đại lý phân phối đồ nhôm, nhựa cho bà con trong xã - khẳng định nơi tiêu thụ chủ yếu phế liệu sắt thép là Thái Nguyên, phế liệu nhôm là Nam Định và phế liệu nhựa là Hà Nội. Diễn Tháp có trên 100 đại lý cung cấp cho các công ty sản xuất đồ gia dụng ở Hà Nội.
Anh Chu Văn T., chủ một đại lý đồ gia dụng đồng thời cũng là tài xế chuyên đi Lào “đổi đồ mới lấy đồ cũ”, kể lại một hành trình đưa phế liệu Lào xuất ngoại của mình: “Tại Vientiane, tôi được một số bà con trong xã thuê chở phế liệu về Hà Nội. Mỗi người có một mặt hàng riêng, có người là sắt thép, có người là đồ nhựa. Họ thuê trọn gói, mọi thủ tục qua cửa khẩu đều do tui lo. Nhiều bà con tỏ ý muốn thuê xe chở các loại sừng trâu và lông vịt, nhưng tui không nhận vì mặt hàng đó rất khó làm thủ tục hải quan. Chở hàng đến Hà Nội, lại chất lên xe các loại đồ gia dụng mới chở sang Lào. Thời gian cho một chuyến hàng chỉ gói gọn trong một tuần lễ, với chi phí khoảng trên 10 triệu đồng”.
Tại UBND xã Diễn Tháp, tôi được tham dự cuộc họp của các cán bộ xã về việc tăng phí đối với những xe trọng tải lớn ra vào trên địa bàn xã.
Nhờ nghề phế liệu, dân Diễn Tháp rất giàu so với nhiều vùng nông thôn khác, nhưng xã thì chưa hẳn đã mạnh, trái lại phải thường xuyên trích nguồn ngân sách eo hẹp của xã để tu bổ đường sá.
Ông chủ tịch xã phàn nàn với tôi: “Dân Diễn Tháp đa số chỉ chuyên nghề nhập khẩu phế liệu nên xã không có nguồn thu từ họ, bà con chỉ đóng các loại phí ở cửa khẩu hoặc trên đất Lào mà thôi. Xã Diễn Hồng bên cạnh mới gọi là thu ngân sách được nhiều vì dân xã này lại chuyên nghề buôn bán phế liệu ngay trên địa bàn xã...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận