13/02/2014 20:49 GMT+7

Phát triển ứng dụng di động kiếm tiền tỉ, thấy mà ham!

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Trong kỷ nguyên của di động và Internet này, số lượng thiết bị và người dùng di động liên tục tăng tới chóng mặt. Không phải chỉ có xu thế thời đại mà còn là bởi tính thiết thực và những lợi ích mà thông tin di động đem lại cho cuộc sống con người.

Bqe5TwhF.jpgPhóng to
Nguồn minh họa: Internet

Khi điện thoại di động áp đảo dân số hành tinh

Theo số liệu ước tính của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) hồi tháng 2-2013, tổng số thuê bao di động trên toàn thế giới vào cuối năm 2012 lên tới 6,8 tỉ (so với 6 tỉ hồi năm 2011 và 5,4 tỉ năm 2010). Số lượng này tương đương 96% số dân toàn cầu (khoảng 7,1 tỉ người).

Cũng tính tới cuối năm 2012, số thuê bao di động ở thế giới đang phát triển lên tới 5,2 tỉ (chiếm 76,6% tổng số thuê bao toàn cầu). Khu vực có số thuê bao di động thấp nhất là châu Phi cũng đạt 63%. Hơn phân nửa số thuê bao di động của thế giới là ở châu Á - Thái Bình Dương. Riêng Việt Nam theo số liệu tháng 6-2013 đã có mặt trong top 14 nước có hơn 100 triệu thuê bao di động (xếp thứ 8 với 127,7 triệu thuê bao, bằng 143,8% số dân).

Theo dự báo của Mobile Factbook 2013, tổng số thuê bao di động toàn cầu sẽ đạt tới 7 tỉ người vào cuối năm 2013, 7,5 tỉ vào cuối năm 2014 và 8,5 tỉ vào cuối năm 2015. Riêng ở châu Á - Thái Bình Dương, số thuê bao di động chiếm 51,3% trong tổng số thuê bao toàn cầu trong năm 2012 sẽ tăng lên 52,3% vào năm 2013 và 54,3% vào năm 2016. Vào năm 2016, châu Phi và Trung Đông sẽ qua mặt châu Âu để trở thành khu vực có số thuê bao di động lớn thứ 2 trên thế giới.

Số điện thoại di động cũng tăng khủng khiếp trên toàn cầu. Theo Gartner (2-2013), có hơn 1,74 tỉ chiếc điện thoại di động các loại được bán ra trên khắp thế giới trong năm 2012. Nếu tính luôn số thiết bị cũ thì con số cực lớn (năm 2011 bán được hơn 1,77 tỉ chiếc). IDC (2-2013) cho biết trong năm 2012 có hơn 722 triệu chiếc smartphone và 128 triệu chiếc tablet được xuất xưởng trên toàn thế giới. Theo dự báo của Catalys (2-2013), vào năm 2016 thế giới sẽ xuất xưởng hơn 1,34 tỉ chiếc smartphone và 383 triệu chiếc tablet.

Trang mạng công nghệ Digital Trends từng dẫn tuyên bố của Liên mình ITU tại Đại hội thế giới di động (MWC) 2013 rằng số lượng điện thoại di động đang sử dụng còn nhiều hơn số dân trên hành tinh. Cụ thể hơn, Silicon India dự báo số lượng điện thoại di động đang được kích hoạt trên thế giới sẽ lên tới 7,3 tỉ chiếc vào năm 2014.

Bạc cắt bước qua bên

Trong bối cảnh người người di động và thiết bị di động chạy khắp hang cùng ngõ hẹp như vậy, nhu cầu phần mềm ứng dụng di động cũng thiệt là khổng lồ. Có cầu ắt có cung. Nghề phát triển phần mềm ứng dụng cho di động trở thành một nghề thời thượng, hốt bạc tỉ chớ không phải bạc cắc đâu. Minh chứng nhãn tiền nóng hổi là cái game di động Flappy Bird được nói là từng có thể đem về cho tác giả người Việt 29 tuổi Nguyễn Hà Đông mỗi ngày 50.000 USD (tương đương 1 tỉ đồng).

Tác giả Carter Thomas từng có một bài viết dài chia sẻ cho các bạn trẻ những kinh nghiệm về chuyện viết phần mềm ứng dụng di động.

Anh cho biết thị trường ứng dụng di động đã bùng nổ trong những năm gần đây. Chỉ trong vòng chưa tới 9 tháng, App Store cho các thiết bị iOS của Apple có hơn 1 tỉ lượt download ứng dụng, rồi sau đó con số đó tăng gấp đôi chỉ trong một nửa thời gian. Tình hình đó cũng diễn ra ở Google Play dành cho thiết bị Android, cũng như ở BlackBerry và mọi chợ ứng dụng di động khác.

Lý do duy nhất vẫn là khả năng sinh lợi nhuận dễ dàng và khủng khiếp mà các phần mềm ứng dụng có thể đem lại cho tác giả. Chẳng hạn như game di động Angry Birds đã kiếm được ít nhất 50 triệu USD (tôi cho rằng con số này đã quá lạc hậu). Kể từ năm 2009 tới nay, hàng trăm triệu lượt người đã download các phiên bản Angry Birds của Hãng Rovio (theo Hãng tin Reuters, vào tháng 3-2012, số lượng download đã là hơn 700 triệu). Độ “hot” của game này vẫn còn sùng sục tới mức ngày 12-2-2014, hãng này đã thông báo trên tài khoản Twitter của mình rằng sắp sửa tung ra phiên bản tiếp theo của Angry Birds series.

Dây chuyền công nghệ

Theo Thomas, có nhiều loại ứng dụng khác nhau mà người ta có thể phát triển. Như các ứng dụng dựa theo các bảng chức năng cơ bản của các chợ ứng dụng, các chức năng dựa trên cơ sở dữ liệu, nâng cao và hiệu chỉnh các firmeware thiết bị, truy xuất và chạy các dịch vụ online, các công cụ tiện ích cho phép người dùng nhập nội dung vào… game. Game là loại phần mềm ứng dụng được nhiều người ưa thích nhất và nó cũng thuộc loại phức tạp nhất.

Thomas cho biết: quy trình phát triển một ứng dụng có thể được chia thành 4 phần: ý tưởng, giao diện và kế hoạch (nói chung là kịch bản), thiết kế và phát hành.

Đầu tiên là ý tưởng, càng độc đáo càng có cơ may thành công. Cũng có khi đơn giản chỉ là ý tưởng để phát triển và nâng cấp những ứng dụng đang có cho nó hoàn chỉnh hơn. Bạn vẫn thường thấy và sử dụng những ứng dụng chỉ để truy xuất và chạy một dịch vụ nào đó đang có sẵn trên Internet. Các ứng dụng đơn giản thì ít tốn công sức, chẳng phải đầu tư nhiều tiền và dễ làm hơn. Thường thì ứng dụng càng tinh vi, càng tốn nhiều công sức và chi phí, nhưng cũng có nhiều cơ hội thu lợi nhuận hơn. Game thì phức tạp nhất nhưng cũng dễ dàng chinh phục nhiều người dùng nhất.

Sau đó, bạn bắt tay vào việc chuyển ý tưởng thành một kịch bản cụ thể, càng chi tiết càng tốt. Đây là phần đau đầu và tốn nhiều thời gian nhất. Thí dụ, với một công cụ tiện ích, bạn phải mô tả cách nó vận hành ra sao, những tình huống có thể xảy ra… Còn với game thì bạn làm công việc giống như một đạo diễn phân cảnh khi làm phim. Bạn càng nghĩ ra được nhiều tình huống, nhiều chiêu thức bao nhiêu thì game càng hấp dẫn hơn bấy nhiêu. Bạn lưu ý là mình phải dựng được một kịch bản chi tiết, ngay cả với một ứng dụng đơn giản nhất.

Bây giờ mới sang giai đoạn thiết kế bao gồm cả đồ họa lẫn lập trình dựa trên kịch bản mà bạn đã dàn dựng. Nó giống như công việc thi công một ngôi nhà dựa trên bản vẽ thiết kế. Không chỉ chuyển kịch bản thành hiện thực cụ thể, bạn cũng phải thực hiện những công việc phụ trợ, chẳng hạn như vẽ tựa ứng dụng, màn hình chạy, ngay cả cái icon của nó.

Ở đây, bạn phải trổ hết tài năng về óc thẩm mỹ, tay nghề vẽ vời và lập trình của mình. Thường thì bạn phải dùng bộ công cụ lập trình của từng nền tảng (Windows, iOS, Android…) để thực hiện. Nếu viết thành một bộ mã gốc, bạn còn phải chuyển đổi nó sang chuẩn ngôn ngữ lập trình của từng nền tảng. Tất nhiên ở phần này, bạn có thể hợp tác với những người chuyên nghiệp.

Và cuối cùng, sau khi ứng dụng hoàn tất và chạy thử thành công, bạn tiến hành phần phát hành ứng dụng này ra cộng đồng. Hiện nay có 3 chợ ứng dụng phổ biến nhất là App Store, Google Play và Windows Store. Bạn phải tham khảo từng dịch vụ để biết quy trình đưa ứng dụng của mình lên. Chẳng hạn với App Store, đầu tiên bạn phải thiết lập một tài khoản iTunes Connect (có tốn phí).

Sau khi được Apple phê chuẩn, bạn nhập tất cả thông tin cần thiết của ứng dụng (các icon, mô tả, giá…). Một khi ứng dụng của bạn đã được bày hàng trên App Store, bạn có thể giám sát tất cả thông tin về nó thông qua iTunes Connect, như số lượng download, số tiền bạn được chia… Tất nhiên bạn không thể ôm trọn số tiền thu được đâu. Apple sẽ thu phí thường niên đối với tài khoản iTunes Connect và thu 30% trên giá bán của mỗi ứng dụng bán được.

Cuối cùng, tôi xin nói nhỏ với bạn, bây giờ lỡ làng rồi, kiếp sau nếu có được làm người tiếp một nhiệm kỳ nữa, tôi sẽ trở thành một nhà phát triển phần mềm ứng dụng di động. Chắc chắn như đinh đóng cột!

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên “cha đẻ” Flappy BirdNở rộ các clip nhạc dành cho Flappy BirdFlappy Bird và sự quá đà của báo mạngGame chấn động Flappy Bird có thể bị tác giả kết liễu?Flappy Bird “hớp hồn” thế giới, tác giả thu tiền tỉChàng trai Việt làm thế giới phát sốt với game di động Flappy BirdVì sao game gây chấn động Flappy Bird bị tác giả gỡ bỏ?Bài học thực tế từ game Flappy Bird

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên