01/08/2009 13:02 GMT+7

Phát triển sông Mekong và hợp tác "an ninh phi truyền thống"

Theo NGUYỄN CHÍNH TÂMDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo NGUYỄN CHÍNH TÂMDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tuần qua đã diễn ra cuộc họp cấp bộ trưởng giữa Hoa Kỳ và bốn quốc gia vùng Hạ nguồn sông Mekong - Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan.

Có hai lý do khiến buổi gặp mặt được dư luận chú ý. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên xuất hiện một diễn đàn đối thoại giữa các nước hạ lưu sông Mekong và Hoa Kỳ. Theo thông cáo báo chí, việc tổ chức xuất phát từ sáng kiến của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton với sự đồng thuận của bốn nước thành viên. Năm bên gặp nhau để cùng thảo luận, tăng cường hợp tác đặc biệt trong một số lĩnh vực cùng quan tâm như môi trường, biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng.

Thứ hai, là sự kết nối những sự kiện gần đây lại với nhau. Việc Trung Quốc cho xây dựng hàng loạt đập trên thượng nguồn, mà mới đây nhất là đập Tiểu Loan công suất 4.200 MW, cao nhất thế giới (292m), làm dấy lên trong giới khoa học những lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước Mekong. Theo một tính toán của tạp chí Yale Global, hiện đã có 18 đập nước đã, đang và dự kiến xây dựng trên suốt chiều dài 4.350km của Mekong.

Phát biểu với báo giới, GS. Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết, các chương trình thủy điện lớn trên dòng chính, đã và đang xây dựng một nửa, trong đó có các đập lớn đã xong. Đối với số con đập còn lại, tuy chưa bắt tay xây dựng nhưng cũng đã thiết kế xong. Tổng lượng nước dự trữ trong các hồ nói trên vào khoảng 55 tỉ m3. Tổng công suất các nhà máy thủy điện vào khoảng 24GW (VNN, 21-6-2009).

Những ảnh hưởng từ thượng nguồn đến vùng hạ lưu sông Mekong

0z0Gjtc8.jpgPhóng to
Sông Mekong đoạn chảy qua Việt Nam trở thành nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá đối với cuộc sống của hàng chục triệu người dân ĐBSCL. Ảnh: Nhộn nhịp chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ - Ảnh: T.L.

Những con số thống kê không lời, nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa. Từ quá khứ đến hiện tại, thế giới đã chứng kiến nhiều xung đột, mà nguyên nhân bắt đầu từ mâu thuẫn nguồn nước. Đặc biệt ở khu vực mà các quốc gia chia sẻ cùng một dòng chảy. Mô thức xung đột xoay quanh sự khác nhau về lợi ích và cách sử dụng dòng sông giữa các quốc gia ở thượng nguồn và hạ nguồn.

Trong khi các nước ở thượng nguồn có lợi thế do tiếp cận gần với đầu nguồn, các quốc gia ở hạ nguồn phần nhiều trở nên thua thiệt. Một mặt, khi các đập thủy điện, hệ thống thủy lợi được đưa vào sử dụng, dòng chảy có khả năng bị thay đổi, dẫn đến những hệ quả khác nhau về môi trường. Mặt khác, với những dự án “công nghiệp hóa”, “kinh tế hóa” ở thượng nguồn, nguy cơ một lượng nước thải và chất ô nhiễm chảy xuống hạ lưu, với các tác động vượt ra khỏi góc nhìn môi sinh truyền thống.

Trên hết, đó là sự xáo trộn dân cư, chuyển đổi kết cấu làng xã ven bờ, những người đã muôn đời nương tựa dòng sông, nay vì những thay đổi của hạ nguồn, có thể không còn kế sinh nhai. Thử hình dung nếu 18 đập nước thủy điện, cùng các công trình phụ trợ dọc sông Mekong đồng thời khởi động, sẽ ảnh hưởng như thế nào với hai dòng chảy sông Tiền, sông Hậu đang giữ vai trò mạch nước trọng yếu của khu vực đồng bằng châu thổ Nam bộ?

Theo GS. Phạm Hồng Giang, dưới tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu và thay đổi dòng chảy Mekong, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước nguy cơ thiếu nước và trở thành vùng hoang mạc cằn cỗi. GS. Giang lập luận, hệ quả của biến đổi khí hậu là việc mực nước biển dâng lên, nước mặn thâm nhập sâu trên toàn vùng đồng bằng. Bên cạnh những thay đổi về dòng chảy, việc không tính toán được nguồn nước sử dụng ở thượng lưu có thể làm cho lũ và khô kiệt ở hạ du gay gắt thêm.

“Nếu các đập ở thượng nguồn xả cùng lúc với lũ tự nhiên thì lũ có tính nhân tạo sẽ cao hơn rất nhiều. Những ghềnh thác bị phá đi mà lưu lượng nước được duy trì thích đáng thì góp phần cải thiện giao thông đường thủy nhưng sẽ làm cho lũ thượng nguồn xả xuống về hạ du nhanh hơn và về mùa khô, nếu ít nước từ thượng nguồn thì sông cạn cũng nhanh hơn. Hơn nữa, nếu nước về hạ du có lẫn cả nước thải công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp khai khoáng (mà tỉnh Vân Nam Trung Quốc rất giàu khoáng sản) thì tổn thất ở hạ du không lường được” (VNN, 21-6-2009).

Chia sẻ cùng một ưu tư, TS. Tô Văn Trường nhấn mạnh thêm rằng, việc khai thác sử dụng tiềm năng thủy điện lưu vực sông Lan Thương chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến lượng nước, lượng điện, nông nghiệp, thủy sản, giao thông thủy và môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mekong, nhất là đối với các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và ĐBSCL.

“Các đập thủy điện ở Trung Quốc và các hồ chứa ở Thái Lan, Lào và Campuchia sẽ làm chậm tốc độ dòng chảy thiên nhiên của sông, làm bồi lắng một lượng phù sa lớn tại hồ, thay đổi động lực dòng chảy gây xói lở các đoạn sông hạ lưu, đập chắn đường đi cho chu trình sinh sản đồng thời cũng làm thay đổi chế độ phù du, dinh dưỡng sông ảnh hưởng đến chu trình sinh sản và sinh trưởng của các loài cá, tác động đến sinh kế của người dân ven sông.

Xin lưu ý riêng lượng phù sa từ thượng nguồn Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng lượng phù sa của sông Mekong. ĐBSCL hằng năm người dân vẫn mong lũ về (còn gọi là mùa nước nổi) để khai thác thủy sản, vệ sinh đồng ruộng, lấy phù sa. Chỉ riêng các tỉnh trong vùng ven biên giới Việt Nam - Campuchia, mùa nước nổi hàng năm cũng thu nhập khoảng 4.500 tỉ đồng” (VNN, 20-7-2009).

Hướng đến một cơ chế quản lý đa phương bắt nguồn từ nội lực

Rõ ràng, để đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên, một cơ chế đa phương quản lý sông Mekong đang là một nhu cầu bức thiết. Tuy vậy, khởi động được quá trình này là một việc không đơn giản. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, ý kiến giữa các quốc gia trong lĩnh vực này còn rất khác biệt, vì sự khác nhau về quan điểm chủ quyền lãnh thổ và trách nhiệm tài sản chung.

“Nguyên tắc tuyệt đối chủ quyền lãnh thổ” mà các nước thượng nguồn thường viện dẫn để lập luận, nhấn mạnh tính bất khả xâm phạm về quyền sử dụng nguồn nước của quốc gia mình. Trong khi đó, các quốc gia hạ nguồn đặt câu hỏi ngược, vì sao mỗi quốc gia có thể cắt rời từng mảnh để xem đó là của riêng nhà mình, trong khi dòng sông là tài sản chung? Dựa trên lập luận đó, theo họ, một trách nhiệm liên đới với cộng đồng các quốc gia thành viên lân cận phải được đặt lên thành điều kiện hành xử mang tính nguyên tắc.

Ngay cả trên nhiều diễn đàn, do các lý do khác nhau, phương thức và hành động không phải lúc nào cũng song hành như hình với bóng. Trên bình diện thế giới, mặc dù quy tắc “Helsinki-Rules” - quy định bình đẳng giữa các quốc gia trong việc tiếp cận tài nguyên nước, cũng như đảm bảo sự trao đổi thông tin giữa các bên về những dự án, kế hoạch của quốc gia mình trong việc khai thác dòng sông - được sự đồng thuận cao, nhưng nguyên tắc này chỉ dừng lại ở mức độ khuyến cáo, không bao hàm quy định pháp lý.

Trên bình diện khu vực, hoạt động của Ủy hội sông Mekong (MRC) do Liên Hiệp Quốc tổ chức từ năm 1970 với mục tiêu phát triển và khai thác sông Mekong bền vững, phần nào còn rất hạn chế. Lý do chính là Ủy ban này chỉ gồm các nước hạ du là Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, mà thiếu vắng hai nước chủ chốt ở thượng nguồn là Myanmar và Trung Quốc.

Trong khung cảnh đó, một cơ chế hợp tác giữa các nước hạ du và Hoa Kỳ về vấn đề sông Mekong có thể được xem như một bổ sung cần thiết. Trên hết, nó đáp ứng nhu cầu lợi ích của tất cả các bên. Về phía Hoa Kỳ là sự định hình chính sách ngoại giao mới của chính quyền Obama tập trung vào ba ưu tiên chuyển đổi chính: Thứ nhất là ưu tiên chuyển đổi địa dư, từ châu Âu sang châu Á, với sự trở lại của nước Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương.

Thứ hai: ưu tiên chuyển đổi phong cách lãnh đạo, đa phương hơn là đơn phương, hợp tác, thương lượng hơn là gây sức ép, cũng như giảm thiểu “sức mạnh cứng” (hard power), thay vào đó tăng cường ảnh hưởng thông qua “sức mạnh mềm” (soft power). Cuối cùng là ưu tiên chuyển đổi nội dung chính sách. Bớt tập trung vào các lĩnh vực an ninh truyền thống như quân sự, khủng bố… mà mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực “an ninh phi truyền thống”, mà trọng tâm là phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, phòng chống bệnh tật, biến đổi khí hậu…

Về phía bốn nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, sự tham gia hợp tác của Hoa Kỳ trong hồ sơ sông Mekong sẽ giúp ích rất nhiều trong bài toán phát triển khu vực. Trên căn bản, hợp tác sông Mekong không chỉ giới hạn vào việc quản lý nguồn nước hoặc tìm lời giải cho vấn đề biến đổi khí hậu, mà còn là vấn đề tăng trưởng kinh tế, mở rộng giáo dục, cải thiện y tế… của hơn 65 triệu người đang sinh sống ở các khu vực ven sông, những vấn đề mà Hoa Kỳ có tiềm lực mạnh sẵn có.

Ngoài ra, diễn đàn hợp tác đa phương này còn là một cơ hội để vận động thế giới chú ý nhiều hơn nữa về hồ sơ sông Mekong. Đặc biệt, trong lúc các đề tài như phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu đang trở thành tâm điểm của dư luận thế giới.

Sau cùng, đối với các nước hạ nguồn, một kết hợp giữa lý tưởng vào thực tế đang là bài toán cần tiếp tục đi tìm đáp số. Sự hiện diện của Hoa Kỳ hay bất kỳ quốc gia nào khác cũng chỉ đóng vài trò người hậu thuẫn, một điều kiện cần. Điều kiện đủ, nhìn từ góc độ nào đi chăng nữa, cũng phải bắt nguồn từ nội lực của mỗi quốc gia, nhất là khi đó là vấn đề lợi ích của dân tộc và đất nước.

Ngoại giao khéo léo, nhưng thái độ kiên quyết, rõ ràng: Mekong là tài sản chung, cần được bảo vệ hợp tác trên tinh thần tất cả đều thắng. Kêu gọi giải quyết vấn đề thông qua hợp tác đa phương, kiên thủ luật chơi chung và tìm kiếm sự ủng hộ của công luận quốc tế sẽ là ba trụ cột tiên quyết để xây dựng con đường hòa bình và phát triển cộng đồng sông Mekong trong tương lai phía trước.

------------------------------------

Ủy hội sông Mekong: Lập trang web nhận phản hồi về các dự án xây đập thủy điệnNước ngọt, sao không là nước mưa?Cận cảnh những cơn hấp hối bên dòng MekongCứu lấy sông MekongTrung Quốc ngừng xây hai đập trên sông Kim SaQuanh co như sông Mekong Sông Cửu Long sẽ khát nước... ngọt“Bức tử” sông Mekong với đập cao 292m Bàn thảo về an ninh nước cho sông MekongCampuchia sợ sông Mekong dâng cao bất thườngThu thập ý kiến về các dự án thủy điện trên sông MekongĐập nước hủy diệt các con sôngTrung Quốc cam kết tăng cường hợp tác với các nước hạ lưu sông Mekong

Theo NGUYỄN CHÍNH TÂMDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên