Phóng to |
Đường Bến Phú Định, Q.8, TP.HCM thường xuyên ngập nước do triều cường - Ảnh: Q.K. |
Phóng to |
Ông Hồ Long Phi - Ảnh: Q.Khải |
Đề xuất trên là của ông Hồ Long Phi, giám đốc dự án chống ngập nước khu vực TP.HCM (thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP). Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Phi về vấn đề này.
Theo ông Hoàng Văn Thắng - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (đơn vị đề xuất quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP.HCM), cách tiếp cận phát triển thích nghi với nước ngập tại các vùng trũng thấp là hướng phát triển hợp lý. Tuy nhiên quy hoạch thủy lợi chống ngập nước kéo dài đến Long An. Vì vậy khi dự án này được giảm bớt chỉ bảo vệ cho những khu vực của TP.HCM thì làm thêm tiểu dự án chống ngập riêng cho Long An nữa. Bộ cũng đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tính toán kỹ lại hai phương án này để cân nhắc lựa chọn phương án tối ưu trình Chính phủ xem xét phê duyệt. |
- Bài học ngập lụt ở Bangkok mới đây đã cho chúng ta một kinh nghiệm sâu sắc. Họ cũng làm công trình đê bao kiên cố, trạm bơm... nhưng mọi công trình đều có giới hạn của nó, đặc biệt trong thời kỳ biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Tác động của thiên nhiên có thể vượt qua giới hạn của công trình và khi đó gây ra những sự cố, thiệt hại rất khủng khiếp. Cụ thể như trận lụt ở Bangkok đã gây thiệt hại vật chất gần 50 tỉ USD, chưa kể những thiệt hại về tinh thần và gây tâm lý bất an trong người dân.
Nguyên nhân chủ yếu do người dân tin tưởng vào hệ thống đê bao nên đã đầu tư nhiều công trình nhà xưởng, hạ tầng..., đến khi sự cố xảy ra thì không cách nào xoay xở kịp. Riêng tại TP.HCM chúng ta đã có quy hoạch thủy lợi chống ngập úng, theo đó sẽ xây dựng hơn 170km đê bao, 40 cống kiểm soát triều bao quanh TP kéo dài qua Long An. Với tình trạng nước triều, lũ, mưa ngày càng cao và bất thường thì hệ thống đê bao đến một lúc nào đó sẽ bị khuất phục trước sức mạnh của thiên nhiên. Khi sự cố xảy ra thì thiệt hại của chúng ta không kém gì Bangkok vì nhiều khu vực trũng thấp đã tích tụ khối tài sản, con người khổng lồ.
Trên cơ sở tiếp cận kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là Hà Lan, thì cách tiếp cận trong quản lý rủi ro ngập cho TP theo hướng như trên là phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai.
* Trước đây ông từng đề xuất xây dựng nhiều hồ điều tiết chống ngập, chưa kể quy hoạch thủy lợi chống ngập cho TP đang triển khai. Vậy đề xuất phát triển đô thị thích nghi với nước ngập phủ định hoàn toàn các công trình và quy hoạch trên?
Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP.HCM phân TP ra làm ba vùng. Vùng 1 là khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè, vùng 2 là khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn, vùng 3 là khu vực bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp. Những vùng này sẽ được xây dựng 40 hệ thống cống lớn nhỏ tại các cửa sông và hệ thống đê bao khép kín dài hơn 170km kéo dài từ TP.HCM đến Long An nhằm kiểm soát triều từ xa. Dự án ban đầu có tổng kinh phí hơn 11.000 tỉ đồng nhưng hiện đã tăng hơn 60.000 tỉ đồng. |
Theo tính toán, nếu áp dụng phương án phát triển đô thị thích nghi với ngập nước thì quy hoạch thủy lợi ngập úng cho TP sẽ được điều chỉnh giảm bớt công trình chứ không phải bỏ hẳn. Cụ thể, chiều dài tuyến đê giảm từ hơn 170km xuống còn 128km, cống ngăn triều giảm từ 40 xuống còn 20, giảm bớt khối lượng bùn nạo vét ở sông rạch từ 197 triệu m3 xuống còn 122 triệu m3. Chưa kể tuyến đê này kết hợp với tuyến đường vành đai 3 (đi qua ba huyện và một quận của TP.HCM đã được Chính phủ phê duyệt - PV) nên chi phí đầu tư sẽ giảm.
Nếu quy hoạch được điều chỉnh theo hướng trên thì tuyến đê sẽ bảo vệ cho một số khu vực, những khu vực trũng thấp sẽ phát triển theo hướng thích nghi với nước. Hiện nay dự án quy hoạch thủy lợi đang trong quá trình triển khai nên hoàn toàn có thể điều chỉnh được. Việc điều chỉnh này Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đồng tình.
* Theo ông, trong điều kiện TP.HCM hiện nay việc lựa chọn xu hướng phát triển như trên liệu có khả thi, những mặt trái như vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước, sẽ được giải quyết như thế nào?
- Tôi cho việc triển khai theo xu hướng phát triển đô thị thích nghi với nước ngập là được. Xu hướng này cũng không phải chúng ta làm trong nay mai mà là cơ sở bước đầu để nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo tiền đề cho chiến lược phát triển đất đai, quy định về xây dựng cho phù hợp trong 20-30 năm tới. Khi nào chúng ta nhận thức được nước ngập không còn là mối đe dọa nữa mà có thể sống chung lợi dụng nó, khi đó các ngành, các cấp và cả người dân có thể có những sáng kiến sống chung với ngập. Những khu vực có thể phát triển theo kiểu thích nghi như khu vực phía tây, phía nam của TP. Còn về vấn đề ô nhiễm nguồn nước hiện nay chúng ta đã triển khai hàng loạt nhà máy xử lý nước thải nên trong thời gian tới nguồn nước thải đã được xử lý căn bản.
* Bao giờ chiến lược quản lý rủi ro ngập cho TP.HCM hoàn chỉnh để trình các cấp thẩm quyền ban hành?
- Sau hội thảo báo cáo cuối kỳ mới đây, chúng tôi đang hoàn chỉnh các ý kiến góp ý để báo cáo UBND TP.HCM. Sau đó sẽ tiếp tục báo cáo xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận