![]() |
Giáo hoàng John Paul II ngay sau khi bị bắn |
Đúng 17g19, ôtô chở giáo hoàng tiến về phía cổng Apostol thì mấy phát súng vang lên. Kẻ nã súng là người đứng ở một trong những hàng đầu những người hành hương, ngay sát hàng rào chắn mà ôtô giáo hoàng vừa chạy ngang.
May mắn
Đức giáo hoàng được đưa vào bệnh viện cách đó 6km. Người đã hôn mê và được gấp rút phẫu thuật. Những viên đạn 9 li bắn đi từ khẩu Browning gây những vết thương nghiêm trọng trong vùng bụng. Các bác sĩ phẫu thuật rất vất vả để cầm máu. Thật may mắn, tuy bị bắn từ một khoảng cách rất gần, các động mạch của đức giáo hoàng lại không bị ảnh hưởng, nếu không ngài có thể qua đời vì mất máu trên đường đến bệnh viện. Và điều kỳ diệu nữa, theo các bác sĩ, là đạn đã không trúng vào vùng cột sống và những dây thần kinh chính gần đó.
20g cùng ngày, thông tin đầu tiên về sức khỏe giáo hoàng được thông báo, tuy khá mơ hồ. Khoảng 1g sáng 14-5, thông cáo thứ hai được đưa ra loan tin về cuộc phẫu thuật thành công và tình trạng sức khỏe được đánh giá là tạm ổn. Trong suốt thời gian đó, trên quảng trường hàng ngàn tín đồ vẫn tụ tập, lo âu theo dõi từng tin tức và cầu nguyện cho mạng sống của đức giáo hoàng. Chỉ sau khi biết tin ngài đã qua khỏi hiểm nguy, họ mới dần giải tán.
Sau bốn ngày được săn sóc đặc biệt, ngày 17-5 các tín đồ tới quảng trường Thánh Peter được nghe giọng nói của giáo hoàng: “Tôi xin chia sẻ với hai người anh em đã bị thương cùng tôi. Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi, người tôi đã chân thành tha thứ”.
Ngày 18-5, Đức giáo hoàng John Paul II đề nghị được chuyển từ phòng săn sóc đặc biệt lên buồng bệnh ở tầng 10. Ngày 23-5, các bác sĩ điều trị thông báo với thế giới rằng đức cha đã nhanh chóng hồi phục và mạng sống ngài đã hết bị hiểm nguy.
Sau khi hồi phục, giáo hoàng đã viết thư định gửi kẻ bắn vào mình: “Tại sao anh lại bắn tôi khi mà cả hai chúng ta đều chung đức tin vào Chúa?”. Tuy nhiên, tờ báo Ba Lan Lời của giáo hoàng khi đó cho biết thay vì cho in bức thư ngỏ ấy, giáo hoàng đã quyết định tới gặp Agca. Năm 1983, giáo hoàng tới thăm Agca (ảnh) và tha thứ cho hắn. Sau đó ông khẩn cầu nhà cầm quyền Ý ân xá cho kẻ ám sát. Năm 2000 Agca được Ý trả tự do. Ngày 13-4-2005, khi đức giáo hoàng qua đời, anh trai của Agca đã nói với Reuters rằng em trai ông ta rất đau buồn trước cái chết của “người anh em tinh thần”, và cho biết hai năm rưỡi sau khi bị ám sát hụt, đức giáo hoàng thường xuyên tới thăm Agca và có khi cả hai còn trao đổi một số ghi chép. |
Kẻ ám sát bị bắt ngay tại hiện trường thủ ác. Đó là một người Thổ Nhĩ Kỳ tên Mehmet Ali Agca, từng có tiền án tiền sự ở quê nhà. Trong túi Agca người ta tìm thấy một mẩu giấy ghi: “Tôi giết đức cha để phản đối chủ nghĩa đế quốc của Liên Xô và Mỹ cũng như sự diệt chủng mà họ đã gây ra tại Salvador và Afghanistan”.
Agca sinh ngày 9-1-1958 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Hekimhan. Khi còn là một thiếu niên, Agca nổi tiếng ít nói và rất giàu trí tưởng tượng, có thể viết những áng văn tuyệt vời. Nhờ đó mà Agca được học bổng vào trường công. Agca đã bị ảnh hưởng chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ từ rất sớm - lần đầu tiên Agca bị đưa vào đồn cảnh sát là vì những bài thơ chống lại dân tộc Armenia. Thiếu niên nhiều triển vọng này rơi vào tầm ngắm của một trong những nhóm cực đoan và dần dần Agca được làm quen về một “cuộc chiến công bằng cho tên tuổi Thổ Nhĩ Kỳ vĩ đại”.
Năm 19 tuổi, Agca cùng một người khác thực hiện vụ ám sát đầu tiên, nạn nhân là một giáo viên triết học. Sau đó, hắn tham gia vào nhóm khủng bố “Sói bạc”.
Tháng 2-1979, tại Istanbul, Agca giết chết giám đốc tờ báo có khuynh hướng tự do Milliyet Abdi Ipechki. Tháng 6-1979, Agca bị bắt nhưng tẩu thoát vào tháng mười một rồi trốn sang Iran. Mùa xuân 1980 hắn bị Thổ Nhĩ Kỳ tuyên án tử hình. Cho tới khi ám sát giáo hoàng, Agca đã kịp đi một số nước châu Âu, trong đó có Bulgaria và Nam Tư.
Phiên tòa xử Agca bắt đầu từ ngày 20-7-1981. Agca khai hắn một mình hành động và từ chối bất cứ sự hợp tác nào với tòa án. Cuối cùng, tòa tuyên Agca án chung thân vào ngày 22-7. Agca khước từ nộp đơn kháng án.
Trong thước ngắm chiến tranh lạnh
Vụ ám sát giáo hoàng gây xôn xao toàn thế giới. Đầu thập niên 1980, “chiến tranh lạnh” giữa Liên Xô và Mỹ đạt tới đỉnh điểm. Mặc dù đức giáo hoàng cho rằng ông nằm ngoài cuộc chiến, nhưng muốn hay không ông cũng là một trong những nhân vật chủ chốt được coi là nằm trong thước ngắm. Matxcơva rất quan tâm chi tiết trên ngai thiêng là một người gốc Ba Lan.
Còn với người Ba Lan, sự kiện người lãnh đạo giáo dân Thiên Chúa thế giới là một đồng bào của họ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cựu hồng y Carol Wojtyla (tên Ba Lan của Đức giáo hoàng John Paul II) từng là người bảo trợ Phong trào Đoàn kết của Lech Walesa. Vì lý do này mà Matxcơva không thể có thêm thiện ý với đức giáo hoàng.
“Nhà thủ lĩnh cuộc thập tự chinh đó chống lại tôn giáo của tôi, và ông ta chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công của phương Tây đối với Hồi giáo”. (Trích lời khai của Agca về động cơ ám sát giáo hoàng) |
Tuy nhiên, giả thiết Matxcơva hạ thủ đức giáo hoàng không được đánh giá cao. Thứ nhất, bản thân Andropov là người rất thực tiễn và hiểu rất rõ rằng việc loại trừ đức giáo hoàng là một bước đi tiêu cực hơn là tích cực. Thứ hai, Liên Xô hiểu rằng bất cứ sự dính líu nào của Liên Xô vào việc ám sát giáo hoàng đều đe dọa Matxcơva không nhỏ. Hơn thế, danh tiếng của Liên Xô đã bị ảnh hưởng nhiều kể từ khi đưa quân vào Afghanistan năm 1979.
Sau này, trong một trả lời phỏng vấn tờ La Repubblica năm 2005, cựu giám đốc tình báo Đông Đức Marcus Wolf thẳng thừng nhận định: "Dĩ nhiên ông ấy (đức giáo hoàng) là một vấn đề, nhưng không đến nỗi cần phải bị thủ tiêu".
Kỳ tới: "Sói bạc" đã tự do
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận