01/10/2015 12:03 GMT+7

Phát huy sức hút của “thỏi nam châm”

VIỄN SỰ - MAI HOA thực hiện (viensu@tuoitre.com.vn)
VIỄN SỰ - MAI HOA thực hiện (viensu@tuoitre.com.vn)

TT - “Khi tôi đến TP.HCM lần đầu tiên cách đây hai năm, tôi rất ngạc nhiên vì sự ngăn nắp của TP.HCM so với các thành phố trên quê hương Ấn Độ của tôi. Tôi nghĩ TP.HCM đáng sống hơn các thành phố có cùng mức phát triển trong khu vực”.

Các chuyên gia góp ý trong buổi tọa đàm Nâng cao năng lực quản lý của bộ máy chính quyền TP.HCM sáng 24-9 - Ảnh: Quang Định
Các chuyên gia góp ý trong buổi tọa đàm Nâng cao năng lực quản lý của bộ máy chính quyền TP.HCM sáng 24-9 - Ảnh: Quang Định

Bà Madhu Raghunath - điều phối Chương trình phát triển đô thị và quản lý rủi ro thiên tai của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - đã bắt đầu như vậy tại buổi tọa đàm “Nâng cao năng lực quản lý của bộ máy chính quyền TP.HCM” do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Và, những lợi thế của TP.HCM đã được bàn luận, phân tích.

Đừng bỏ qua lợi thế tích tụ

Đánh giá đây là một lợi thế của TP.HCM, bà Madhu Raghunath đã cùng các đại biểu khác dành một phần thời gian không nhỏ của buổi tọa đàm để phân tích về lợi thế này.

Bà Madhu Raghunath: Tôi nói TP.HCM đáng sống hơn nhiều TP khác trong khu vực vì dù có mức độ phát triển công nghiệp tương đối tốt nhưng các khu công nghiệp năng động của TP phần lớn được tách khỏi đời sống khu dân cư.

Ở các TP lớn trên thế giới, nếu công nghiệp phát triển thì sẽ ô nhiễm mọi thứ, nhưng ở TP.HCM môi trường sống vẫn khá tốt.

Tôi cũng cho rằng TP.HCM đang có lợi thế tích tụ, bởi với một TP hơn 10 triệu dân, nhiều người đến ở, đến làm việc sẽ tạo ra năng suất lao động tốt hơn, hiệu quả của các công trình công cộng sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây của WB cho thấy TP.HCM ngày càng phình to ra nhưng mật độ dân số lại dàn trải ra. Có nghĩa là lợi thế tích tụ đang giảm đi, không tận dụng được hết hiệu quả của cơ sở hạ tầng.

Ông Huỳnh Thế Du – giám đốc chương trình đào tạo và giảng dạy kinh tế Fulbright phát biểu tại buổi tọa đàm  - Ảnh: Quang Định
Ông Huỳnh Thế Du – giám đốc chương trình đào tạo và giảng dạy kinh tế Fulbright phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: Quang Định

“Hiểu đơn giản về tinh thần “doanh nhân công cộng” là những người trong khu vực công mà có tinh thần sáng tạo, đổi mới, chấp nhận rủi ro. Muốn tạo ra đột phá cho TP.HCM thì chúng ta cần có cơ chế để tạo ra được những người “đủ đỏ, đủ sáng” như vậy

TS Huỳnh Thế Du (giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)

TS Huỳnh Thế Du, giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright: Tôi đồng ý với bà Madhu Raghunath, lợi thế tích tụ là một lợi thế lớn của không riêng gì TP.HCM mà của nhiều TP đông dân khác trên thế giới. Tuy nhiên, cần phải nói rõ là dường như TP.HCM đang dần đánh mất lợi thế này.

Vì sao? TP.HCM đang có chủ trương không nên tập trung vào khu vực trung tâm. Nhưng triết lý phát triển là khu trung tâm càng có mật độ dân số cao càng tốt, vì khi đó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ đồng bộ hơn, tận dụng được lợi thế tích tụ. Ví dụ như Hong Kong, có hơn 1.000km2 nhưng diện tích phát triển chỉ 176km2, gần 7 triệu người tập trung trong diện tích đó.

Điều này sẽ giúp phát huy tối đa công năng sử dụng của các công trình công cộng. Trong khi đó, TP.HCM có hơn 2.000km2 nhưng dân cư tập trung ở các quận nội thành và khu vực trung tâm các quận ven đã là 500km2 rồi. Nó tạo ra độ phân tán lớn, việc đầu tư các công trình công cộng phải dàn trải rất rộng, rất tốn kém, không sử dụng hết công năng.

Hiện đầu tư cho giao thông công cộng chiếm chi phí rất lớn của TP (tới 50 - 60% chi phí đầu tư công) nên lợi thế tích tụ là điều phải suy nghĩ. Theo tôi, chương trình đột phá thứ 7 trong dự thảo báo cáo chính trị của TP.HCM về chỉnh trang đô thị phải tư duy lại vấn đề này.

Bản thân TP là một "thỏi nam châm", một trọng lực cực kỳ lớn, hút tất cả mọi thứ, đặc biệt là người giàu, người giỏi và doanh nghiệp. Chúng ta cũng không ngại ngần trước thách thức của người nhập cư bị hút bởi “thỏi nam châm”.

Khi TP giàu lên, mức sống tăng lên thì sẽ có sự sàng lọc, chỉ những người thật sự có kỹ năng, đủ điều kiện đảm bảo cuộc sống ở TP họ mới có thể nhập cư vào.

Phải so sánh với Seoul, Tokyo...

Đồng ý với mục tiêu của dự thảo báo cáo chính trị khi hướng TP.HCM trở thành một trung tâm của khu vực Đông Nam Á, nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm cho rằng việc so sánh với quốc tế là cực kỳ quan trọng. Bởi câu chuyện của TP.HCM bây giờ không phải là TP phải cạnh tranh với các địa phương khác trong nước.

TS Huỳnh Thế Du: Theo nghiên cứu của chúng tôi, TP.HCM đang ở vị trí khá khiêm tốn so với 12 TP trong khu vực (gồm Đông Á và Đông Nam Á).

Quan điểm của chúng tôi là cũng cần tham khảo kinh nghiệm của Bangkok, Manila, Jakarta... nhưng cái đích là phải so sánh với Seoul, Tokyo, Hong Kong... Bởi vì các TP ở Đông Nam Á có nhiều tiến bộ nhưng cũng có rất nhiều trục trặc giống như TP.HCM.

Nếu học theo các TP này thì sau đó sẽ gặp trục trặc giống như họ đang phải xử lý như bây giờ. Quan điểm của chúng tôi là đã đi học, tìm hiểu kinh nghiệm thì tìm nơi tốt nhất mà học chứ không việc gì phải học nơi ở gần mình mà lại có những trục trặc như mình.

Ông Alvin Tay - tùy viên Lãnh sự quán Singapore:

Một lợi thế lớn của TP.HCM so với các TP trong khu vực và với Singapore trong giai đoạn đầu phát triển là TP.HCM đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới TP. Đó là cách để TP lắng nghe ý kiến, có được sự đóng góp từ nhiều nguồn.

Tôi đánh giá rằng trong quá trình phát triển hiện nay và sắp tới, không chỉ TP.HCM học tập Singapore mà Singapore cũng có thể học hỏi nhiều ở TP.HCM, ở Việt Nam.

Điều tôi ngưỡng mộ Việt Nam là có một nền văn hóa mà nền tảng, quan hệ trong gia đình rất tốt. Đó là một giá trị quý báu, là động lực để cải tổ.

Vực dậy “tinh thần doanh nhân công cộng”

Đó là khái niệm khá thú vị mà TS Huỳnh Thế Du và PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - trưởng khoa luật ĐH Kinh tế TP.HCM - đề cập tại buổi tọa đàm.

TS Huỳnh Thế Du nói ông nêu ra khái niệm này với một sự mong mỏi vì thực tế tinh thần “doanh nhân công cộng” ấy đã từng xuất hiện và đưa TP.HCM “xé rào” tạo ra những đột phá quan trọng trong quá trình phát triển.

Ông Du nói: Hiểu đơn giản về "tinh thần doanh nhân công cộng” là những người trong khu vực công mà có tinh thần sáng tạo, đổi mới, chấp nhận rủi ro.

Ở TP trong lịch sử từ năm 1975 tới giờ, chúng tôi thấy có ba người có tinh thần này mạnh mẽ là ông Nguyễn Văn Linh, ông Võ Văn Kiệt và ông Mai Chí Thọ.

Lúc đó (1975 - 1985), trong khuôn khổ một nền kinh tế tụt hậu, yếu kém nhưng những người đó làm tất cả những gì có thể để vận hành nền kinh tế, để nuôi một TP 5 triệu dân. Đó là một nỗ lực cực kỳ lớn trong điều kiện ngăn sông cấm chợ.

Tôi nghĩ những người đó có tinh thần dám nghĩ dám làm không sợ rủi ro vì thật ra họ lúc đó đã là “anh hùng quốc gia” rồi, họ sẵn sàng làm bất kỳ điều gì họ cho là có lợi cho TP mà không sợ điều tiếng. Và quan trọng là họ được sự ủng hộ của mọi người nên mới có được tinh thần như thế.

Còn bây giờ, muốn tạo ra đột phá cho TP.HCM thì chúng ta cần có cơ chế để tạo ra được những người “đủ đỏ, đủ sáng” như vậy.

Mục tiêu không dễ cho TP.HCM

Dự thảo báo cáo chính trị đưa mục tiêu giai đoạn 2015 - 2020, TP.HCM sẽ vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).

Năm 2014, TP.HCM xếp thứ 4 cả nước về PCI, thứ 3 về PAR -index, nhưng nhiều điểm trong chỉ số PAPI nằm ngoài top 20 cả nước. Vì sao TP là địa phương đi đầu cả nước về phát triển kinh tế nhưng các chỉ số về sự công khai minh bạch, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, trách nhiệm giải trình với người dân lại nằm ngoài top 20 của cả nước...?

Theo ông Trần Ngọc Liêm - phó giám đốc chi nhánh Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) tại TP.HCM, năm 2014 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 4 cả nước nhưng khoảng cách so với các tỉnh, TP xếp sau không cao nên dễ bị bắt kịp.

“Có vấn đề tôi e ngại là việc lắng nghe, tiếp nhận các sáng kiến ở cấp sở, ngành tại TP lại thấp hơn ở quận huyện.

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được tăng cường hơn nữa việc gặp gỡ lắng nghe từ lãnh đạo TP. Và quan trọng là cần thay đổi tư duy quản lý sang tư duy phục vụ” - ông Trần Ngọc Liêm nói.

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cũng cảnh báo PCI của TP.HCM được đánh giá tốt nhưng tính năng động của công chức trong bảng điểm PCI của TP đã sụt giảm liên tục từ năm 2007 đến nay.

VIỄN SỰ - MAI HOA thực hiện (viensu@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên