19/06/2019 10:30 GMT+7

Phát huy nguồn lực doanh nghiệp để phát triển hạ tầng

TUẤN DUY ghi
TUẤN DUY ghi

Hạ tầng là 'xương sống' để phát triển kinh tế-xã hội, nhưng trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, nguồn lực nào để phát triển hạ tầng là câu hỏi thu hút sự trăn trở của nhiều chuyên gia, nhà quản lý.

Phát huy nguồn lực doanh nghiệp để phát triển hạ tầng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hùng "hiến kế" trước lãnh đạo Chính phủ tại hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Ảnh: T.D

Tại hội nghị phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam do Chính phủ tổ chức mới đây, ông NGUYỄN VĂN HÙNG - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương, Chủ tịch Tổng công ty Becamex IDC - cho rằng cần có những giải pháp để huy động mạnh mẽ hơn nữa sự đóng góp của doanh nghiệp trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là những dự án có tính chất kết nối vùng, dự án tạo "đòn bẩy" cho phát triển.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hùng cho biết:

- Từ khi hình thành, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã tạo động lực lớn cho các tỉnh thành thành viên, trong đó có Bình Dương. Đây là vùng kinh tế đầu tàu của cả nước, đóng góp tới 45% GDP và 42% ngân sách quốc gia. Về định hướng, vùng luôn được chỉ đạo đúng đắn, có các quy hoạch chuẩn như sân bay, cảng quốc tế, cảng tập trung, cảng sâu...

Tuy nhiên, từ chỗ có quy hoạch đúng tới bước thực hiện, biến quy hoạch thành hiện thực cần một sự nỗ lực rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh làn sóng cách mạng công nghiệp, khoa học công nghệ đang bùng nổ khắp nơi trên thế giới.

Theo tôi, quy hoạch của vùng cần vừa đúng, vừa phải có tính khả thi và quan trọng là cần được tạo cơ chế để thúc đẩy, có giải pháp cụ thể để đưa quy hoạch thành hiện thực một cách kịp thời và hiệu quả. Từ những kết quả đã đạt được, trong tương lai, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần hướng đến tạo ra một giá trị gia tăng mới, cao hơn. Cần tập trung đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, bổ sung các chương trình dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng, mà trước hết là logistics...

Cơ sở hạ tầng của vùng cũng cần phải đẩy mạnh hơn. Trước mắt cần đẩy nhanh kết nối các vành đai, tuyến đường huyết mạch, cảng biển, sân bay quốc tế...từ đó lan tỏa ra không những trong vùng mà cả khu vực xung quanh.

Trong chiến lược phát triển, chúng tôi đặt con người là trọng tâm, lấy hợp tác kết nối làm phương châm, quyết liệt đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực tri thức, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, khởi nghiệp, kết nối hạ tầng đô thị, công nghiệp, logistics, ICT băng thông rộng, cơ sở dữ liệu đồng bộ... Qua đó, tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, với nền tảng là mô hình “ba nhà” học tập từ thành phố Eindhoven (Hà Lan), hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường, viện nghiên cứu

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương, Chủ tịch Tổng công ty Becamex IDC


* Từng được đánh giá là tỉnh năng động, chủ động trong phát triển hạ tầng tốt để phát triển kinh tế, Bình Dương có chiến lược như thế nào để chủ động kết nối vùng trong thời gian tới?

- Sự hình thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng của các địa phương trong vùng. Tích cực phát huy thế mạnh là một thành viên của vùng, suốt 20 năm Bình Dương liên tục có những bước ngoặt.

Mở đầu từ năm 1996, chúng tôi khởi đầu phát triển những khu công nghiệp đầu tiên. Đến những năm 2006, Bình Dương tiến sang thời kì phát triển đồng bộ công nghiệp - dịch vụ - đô thị, phát triển giao thông nối liền cảng biển - sân bay và các tỉnh, gắn với qui hoạch chung toàn vùng.

Tới nay, sau hơn 20 năm phát triển, Bình Dương lại tiếp tục bứt phá bước sang thời kì phát triển thành phố thông minh (từ năm 2015).

Mục tiêu của đề án này là nhằm nâng cao giá trị gia tăng của nền kinh tế, dịch chuyển sang sản xuất công nghệ, dịch vụ chất lượng, hướng đến kinh tế tri thức - kinh tế số.

Bình Dương cũng đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng xã hội, làm đòn bẩy để đột phá kinh tế, với chương trình cải tạo môi trường xanh, xây dựng nhà ở xã hội cho 300.000 người, giúp người lao động an cư lạc nghiệp... Khuyến khích hoạt động cộng đồng, phát triển y tế, giáo dục; từng bước tạo ra môi trường sống tốt, tiêu chuẩn quốc tế, hòa quyện trong và ngoài nước...

Năm 2018, Bình Dương liên tục tổ chức hai sự kiện tầm vóc thế giới, tập hợp được hàng ngàn lãnh đạo từ các thành phố, tập đoàn đa quốc gia, viện trường trên 60 quốc gia đến thảo luận về xu thế thế giới, chiến lược phát triển của Bình Dương và vùng kinh tế. Những nỗ lực trên của Bình Dương đã đạt được những thành công bước đầu, được ICF đánh giá là 1 trong 21 khu vực có chiến lược xây dựng thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới năm 2019, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

* Thưa ông, câu chuyện "kết nối vùng" đã được đặt ra nhiều năm nay, ai cũng thấy nó cần thiết nhưng việc thực hiện chưa được như mong muốn. Từ kinh nghiệm phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ khá thành công, theo ông cần có những giải pháp đột phá nào để phát triển cho cả Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam?

- Những mục tiêu, định hướng lớn, qui hoạch tương lai của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã rất rõ nét, những cơ hội và thách thức cũng đã tỏ tường, nhưng tại sao nhiều dự án của vùng vẫn chưa thể triển khai hiệu quả? Tại sao những điểm cốt lõi và vô cùng bức thiết như cảng biển, sân bay, tuyến đường kết nối... vẫn chưa thể tiến hành nhanh chóng? Đây cũng là điều mà chúng tôi luôn trăn trở và thấy một phần trách nhiệm của mình trong đó.

Dưới góc độ doanh nghiệp, tôi kiến nghị ba giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế vùng gồm: Một là cần có cơ chế để phát huy mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực doanh nghiệp để phát triển hạ tầng. Hai là cần có cơ chế điều phối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - trong đó cần phải có sự phân cấp, phân quyền mạnh hơn, cụ thể và thực chất hơn. Đại diện lãnh đạo Chính phủ với tầm nhìn quốc gia, vai trò khách quan cần hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh, thúc đẩy đưa ra những quyết định quyết liệt, những "quả đấm thép" thì mới có thể tạo bứt phá. Ba là cần thực hiện dự án logistics đường sắt để giải bài toán vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu từ các nhà máy, khu công nghiệp tới các sân bay, bến cảng...

Đối với riêng tỉnh Bình Dương, sau quá trình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và phát triển công nghiệp khá thành công. Tới giai đoạn hiện nay, chúng tôi xây dựng dự án khu công nghiệp khoa học công nghệ (KHCN), là một trong những dự án cụ thể của đề án "thành phố thông minh". Trong tương lai sẽ từng bước hình thành hệ sinh thái sản xuất công nghệ cao, mở ra trung tâm tri thức cho toàn vùng, điểm sáng năng động của cả nước.

Về cơ chế, trước hết cần ưu tiên tiên quyết cho hệ thống giao thông logistics gắn với phát triển công nghiệp, đô thị. Các dự án lớn của vùng cần sự phối hợp, tạo ra sức mạnh tổng hợp, đột phá.

Chính phủ với vai trò lãnh đạo có thể tập hợp những tập đoàn lớn, sắp xếp vào công việc, giao nhiệm vụ, tạo điều kiện, cho cơ chế... Những doanh nghiệp chủ lực năng động này, khi được sự hỗ trợ của chính phủ và địa phương, sẽ trở thành động lực để thu hút nguồn lực quốc tế và trong nước, mở ra tiềm năng to lớn.

Đây là một phương thức được các nước xung quanh chúng ta áp dụng rất hiệu quả khi triển khai các dự án hạ tầng lớn: chính quyền huy động và phân phối cho từng tập đoàn lo về tài chính, xây dựng, vận hành, giao thông... Một ví dụ cụ thể sắp tới là dự án sân bay quốc tế Long Thành và các dự án kết nối với sân bay. Đây là công trình then chốt, vô cùng bức thiết, nên nếu Chính phủ chủ trương kêu gọi nguồn lực doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ tạo được sức hút lớn, thúc đẩy dự án nhanh chóng và hiệu quả.

Phát huy nguồn lực doanh nghiệp để phát triển hạ tầng - Ảnh 3.

Đường vào một khu công nghiệp tại Bình Dương được xây dựng khang trang - Ảnh: T.D

Dự án khu công nghiệp KHCN của Bình Dương có gì?

Đây là một trong những dự án trọng điểm của đề án Thành phố Thông minh Bình Dương, hợp tác chặt chẽ giữa Bình Dương/Becamex và Hiệp hội đô thị khoa học công nghệ thế giới (WTA), học tập mô hình từ thành phố Daejeon Hàn Quốc, Eindhoven Hà Lan, Singapore và nhiều thành phố khoa học khác trên thế giới.

Khu công nghiệp KHCN tại Bình Dương được định hướng tập trung triển khai một khu vực nhằm thu hút các tập đoàn, và đặc biệt cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành sản xuất mũi nhọn có giá trị gia tăng cao phù hợp với giai đoạn hiện nay, đồng thời qui hoạch khu vực nghiên cứu và phát triển, thực nghiệm KHCN, kết nối viện trường - doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế.

Khu công nghiệp KHCN hướng đến trở thành một trung tâm đào tạo thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật cao, nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Bên cạnh môi trường làm việc, khu công nghiệp KHCN cũng xây dựng một khu vực đô thị, là môi trường sinh sống lý tưởng cho các chuyên gia, kỹ sư, nhà khoa học, với cộng đồng khoa học năng động, sáng tạo.

TUẤN DUY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên