09/07/2020 15:11 GMT+7

Phát hiện sập đá cổ nằm sâu dưới mặt ruộng tại Ninh Bình

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Quá trình khai quật đã làm xuất lộ toàn bộ di vật cổ là sập đá được tạo tác liên khối hình hộp chữ nhật, nằm sâu dưới mặt đất ruộng canh tác.

Phát hiện sập đá cổ nằm sâu dưới mặt ruộng tại Ninh Bình - Ảnh 1.

Sập đá hiện được bảo quản, nghiên cứu tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình. Ảnh: TTXVN

Ngày 8-7, ông Nguyễn Xuân Khang, giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, cho biết di vật cổ là sập đá vừa được khai quật ở xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, đang được Bảo tàng Ninh Bình quản lý, bảo vệ, tiếp tục nghiên cứu và phục vụ nhu cầu học tập, tham quan.

Trước đó, sau khi nhận được tin báo người dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan phát hiện một sập đá nghi là di vật cổ, Sở Văn hóa và thể thao cùng Bảo tàng tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thành lập đoàn công tác đến làm việc và khảo sát tại thực địa. Quá trình khai quật đã làm xuất lộ toàn bộ di vật cổ là sập đá được tạo tác liên khối hình hộp chữ nhật, nằm sâu dưới mặt đất ruộng canh tác hoa màu của nhân dân địa phương.

Sập được tạo tác từ đá xanh nguyên khối, kích thước dài 165cm, rộng 128cm, cao 53cm. Sập được làm kiểu 'chân quỳ dạ cả', mặt trên được làm nhẵn, xung quanh sập chạm khắc trang trí nhiều họa tiết hoa văn như: rồng chầu, hoa thị, hoa cúc cách điệu... Họa tiết rồng chầu không giống nhau mà được thể hiện đa dạng như: rồng chầu lá đề, rồng chầu hoa lá cách điệu...; hình ảnh rồng được thể hiện một cách khỏe khoắn, thân mập, đuôi thẳng, lưng yên ngựa mang phong cách đậm nét mỹ thuật thời Hậu Lê. Ở góc của bốn chân sập được trang trí hình mặt linh thú cách điệu (có nhiều giả thiết đây là mặt hổ phù). Ba chân của sập liền với thân, một chân được tạo tách rời, sau đó gá lắp vào thân.

Ông Nguyễn Xuân Khang, giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, nhận định đây là sập đá rất có giá trị phục vụ việc tế lễ. Sập có niên đại thời Lê Trung Hưng (1533-1789). Phong cách tạo tác tổng thể cũng như trang trí các đồ án hoa văn rất giống các sập đá ở đền thờ vua Đinh, vua Lê (thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư).



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên