Trước đó, đã có đơn tố cáo ông Lập lợi dụng vai trò lãnh đạo của mình, thông đồng với các đối tác đại diện để nâng giá chuyển nhượng các cầu thủ ngoại ở đội bóng Kiên Giang (thời kỳ còn công ty TNHH MTV bóng đá Kiên Long Bank) nhằm hưởng chênh lệch. Người tố cáo khẳng định cầu thủ Oseni có giá chuyển nhượng là 55.000 USD nhưng được kê lên thành 70.000 USD, cầu thủ Tuluwase có giá chuyển nhượng 45.000USD được kê lên thành 55.000 USD. Ngoài ra, ông Lập còn đòi ba cầu thủ gồm Friday, Oseni và Tuluwase, mỗi người phải trả cho ông 3.000 USD/năm tiền hoa hồng chuyển nhượng.
Về việc này, Uỷ ban kiểm tra kết luận ông Lập với tư cách là lãnh đạo phụ trách lĩnh vực thể thao, là trưởng đoàn, trưởng ban chuyển đổi công ty bóng đá Kiên Long Bank thành công ty cổ phần bóng đá Kiên Giang đã thiếu sự quan tâm, để công ty đến nay không bàn giao hồ sơ, sổ sách, chứng từ thu chi tài chính.
Việc quản lý chứng từ diễn ra không chặt chẽ, không đầy đủ theo quy định, một số chứng từ chi đã vi phạm quy định, không có chứng từ hợp lệ làm căn cứ chi tiền chuyển nhượng cho 04 cầu thủ nước ngoài là: Friday, Oseni, Tuluwase và Hendrich với tổng số tiền sai phạm là trên 4,5 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Lập còn dính một loạt sai phạm tài chính khác. Cụ thể, trong quản lý điều hành kinh phí sự nghiệp thể thao đã chưa thực hiện đúng quy định để xảy ra sai phạm tổng số tiền phải xử lý trên 1,56 tỉ đồng, trong đó ông Lập trực tiếp duyệt chi sai quy định trên 1,43 tỉ đồng. Thiếu kiểm tra, giám sát để trường nghiệp vụ thể dục thể thao chi sai số tiền trên 486,4 triệu đồng, trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao chi sai trên 414,8 triệu đồng, thu tiền cho thuê sân bóng để ngoài sổ sách 6,2 triệu đồng.
Chưa hết, về đạo đức lối sống, ông Lập được kết luận là giao tiếp ứng xử nóng nảy, phát ngôn thiếu tế nhị với cấp dưới, không lắng nghe ý kiến góp ý của đồng nghiệp. Ông Lập còn ép các đơn vị trực thuộc phải mua trang bị, dụng cụ TDTT tại cửa hàng do vợ mình làm chủ từ năm 2010 đến giữa năm 2014 với tổng số tiền gần 1,7 tỉ đồng, gây dư luận không tốt.
Uỷ ban kiểm tra cũng kết luận hàng loạt sai phạm liên quan tới nhiều cán bộ khác của Sở VH-TT&DL Kiên Giang. Các ông Trần Huy Đạm, Trương Thanh Toàn, Nguyễn Tuấn Anh – đều là hiệu trưởng và Hồ Thanh Thảo, kế toán trường nghiệp vụ TDTT phải chịu trách nhiệm duyệt chi sai trên 486,46 triệu đồng.
Các ông Trần Trương Hiển – giám đốc, Nguyễn Quốc Vinh – phó giám đốc và bà Nguyễn Phạm Đài Trang – kế toán trung tâm huấn luyện thi đấu TDTT chịu trách nhiệm duyệt chi sai trên 414,8 triệu đồng. Đồng thời những người này còn phải chịu trách nhiệm về số tiền không thu được trên 966,98 triệu đồng từ hợp đồng cho thuê đất và cơ sở hồ bơi sai quy định.
Các ông Trần Quốc Thái – nguyên chủ tịch công ty, bà Huỳnh Thị Lam Hương và ông Nguyễn Thái Sơn – nguyên kế toán công ty TNHH MTV bóng đá Kiên Long Bank Kiên Giang phải chịu trách nhiệm chi sai số tiền trên 4,5 tỉ đồng.
Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang đề nghị kiểm điểm theo quy trình và kiểm điểm rút kinh nghiệm với các cá nhân sai phạm. Riêng nội dung tố cáo nhận hối lộ và số tiền sai phạm trên 4,5 tỉ đồng khi chuyển nhượng cầu thủ ngoại của ông Lập và một số cá nhân liên quan thì chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo pháp luật.
[box]
Chưa thể giải tán công ty CP bóng đá Kiên Giang vì còn mắc nợ
Ông Trương Thanh Hồng - giám đốc công ty Cổ phần Bóng đá Kiên Giang cho biết, mặc dù đã giải tán đội bóng từ cuối năm 2013, nhưng đến nay công ty vẫn chưa giải thể được vì còn nợ lương cầu thủ, nợ lương 8 nhân viên công ty và nợ cả tiền lương của ban huấn luyện.
Theo ông Hồng, thời điểm đội bóng Kiên Long Bank Kiên Giang "chẳng may"… trụ hạng V-League vào đầu năm 2013, ông đã phải mang cả căn nhà đang ở đi thế chấp ngân hàng để có tiền trang trải chi phí ăn uống cho đội.
[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận