02/01/2012 07:45 GMT+7

Phát hiện đường dây làm thẻ ATM giả

GIA MINH
GIA MINH

TT - Sau khi bắt giữ Cổ Kim Thạch (39 tuổi, ngụ Q.5), ngày 30-12 Công an Q.11 và Công an TP.HCM tiếp tục bắt giữ thêm ba nghi can người nước ngoài khác, đồng thời bước đầu làm rõ một đường dây làm giả thẻ ATM để trộm tiền xuyên quốc gia.

Read this on Tuoitrenews.vn

5YtvUSFR.jpgPhóng to
Buồng ATM của Ngân hàng ACB đường Bình Thới, P.9, Q.11, TP.HCM - nơi các đối tượng dùng thẻ ATM giả để rút tiền - Ảnh: THUẬN THẮNG

Ngày 1-1, nguồn tin từ Công an TP.HCM cho biết Công an Q.11 đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tang vật và bốn đối tượng liên quan tới vụ dùng thẻ ATM giả rút tiền hàng loạt ngân hàng cho Phòng an ninh điều tra Công an TP để tiếp tục điều tra mở rộng, truy tìm các đối tượng có liên quan.

Rút tiền không bình thường

Nguồn tin cho biết những ngày cuối tháng 12-2011, nhiều ngân hàng thương mại và cả một số ngân hàng quốc tế có chi nhánh tại TP.HCM phát hiện một hiện tượng lạ: tài khoản của một số khách hàng có biến động, số tiền trong tài khoản bị rút tại nhiều trụ máy ATM nhưng thực tế các khách hàng này không hề có hoạt động giao dịch. Các giao dịch không bình thường này thường được thực hiện tại Q.11, thời điểm giao dịch khoảng 4g30-6g30 sáng.

Sau khi được báo, Công an Q.11 kiểm tra toàn bộ địa điểm tình nghi có người dùng thẻ giả để rút tiền nhưng hầu như không thu thập được những thông tin cần thiết. Camera tại các trụ máy ATM bị rút tiền bằng thẻ giả không ghi nhận rõ khuôn mặt của đối tượng tình nghi.

Dù không nhận dạng được khuôn mặt nhưng dáng người, thời gian và một số địa điểm đối tượng thường rút tiền được Công an Q.11 xác định và theo dõi. Khoảng 5g45 ngày 30-12, Cổ Kim Thạch đi xe gắn máy Honda Dylan dừng lại trước cửa Ngân hàng Á Châu trên đường Bình Thới (P.9, Q.11) rồi bước vào trụ máy ATM của ngân hàng này để rút tiền.

Cũng giống như những lần trước, Thạch ung dung dùng thẻ giả rút tiền hết lần này tới lần khác, nhưng vừa bước chân ra khỏi cửa trụ máy thì bị lực lượng mật phục của Công an Q.11 bắt giữ. Kiểm tra trong người Thạch, Công an Q.11 thu giữ hơn 40 triệu đồng, 23 chiếc thẻ ATM chưa in thương hiệu, logo của ngân hàng và thông tin chủ thẻ.

Công an Q.11 còn thu giữ 28 hóa đơn rút tiền từ trụ máy ATM của các ngân hàng như Techcombank, Sacombank, Á Châu...

Trong ví của Thạch còn có hơn 7 triệu đồng, ba thẻ ATM do các ngân hàng HSBC, USAA và Tower Federal phát hành. Tiếp tục kiểm tra trong xe gắn máy của Thạch, công an thu giữ thêm roi điện, một bịch ma túy tổng hợp và dụng cụ để sử dụng ma túy.

Thạch khai nhận trước đó khoảng một tháng, Thạch gặp và kết bạn với một người đàn ông nước ngoài tên Cheng. Ngày 28-12, Cheng đưa cho Thạch một số thẻ ATM, “nhờ” Thạch rút tiền tại các trụ máy ATM, được trả công 0,1% tổng số tiền rút được. Ngay ngày 28-12, Thạch dùng các thẻ rút được 18 triệu đồng, Cheng cho 800.000 đồng tiền công. Sáng sớm 30-12, Thạch tiếp tục đi rút tiền, khi rút được khoảng 40 triệu đồng thì bị bắt.

Qua lời khai của Thạch, Công an Q.11 bí mật xác minh khách sạn Cheng đang ở và nhận thấy người này sử dụng hộ chiếu của Singapore, tên là Luis Khoo Boo (29 tuổi).

GTXLuAv4.jpgPhóng to

Tội phạm xuyên quốc gia

Sau khi cho Thạch nhận diện bí mật, Công an Q.11 bắt khẩn cấp Boo, thu giữ thêm 13 thẻ tín dụng các loại. Trong khi bắt Boo có hai người đàn ông khác đang ở cùng với Boo là Yeap Poh Boon và Looi Haw Yang (cả hai là công dân Malaysia) cũng được Công an Q.11 đưa về làm việc.

Tại các phòng trọ, khách sạn - nơi ba đối tượng này thuê ở, Công an Q.11 thu giữ tổng cộng hơn 40 thẻ ATM, thẻ tín dụng các loại, máy tính xách tay, máy in chuyên dùng để in lên thẻ ATM, máy tính bảng, thiết bị đọc thẻ ATM, phiếu chuyển tiền và nhiều vật dụng làm thẻ giả. Công an Q.11 xác định hộ chiếu mang tên Luis Khoo Boo là giả, tên thật của người này là Loi Haw Shyan (22 tuổi, quốc tịch Malaysia).

Các đối tượng này khai mang theo một số thẻ ATM, thẻ tín dụng giả do một ông trùm ở Malaysia cung cấp, yêu cầu vào Việt Nam với lời dặn: “Cứ vào Việt Nam sẽ có người đón và hướng dẫn thực hiện các bước tiếp theo”. Khoảng cuối tháng 11-2011, khi nhập cảnh Việt Nam, các đối tượng được người đón, sắp xếp chỗ ở, cung cấp các vật dụng cần thiết và yêu cầu chờ chỉ thị tiếp theo.

Những lần có chỉ thị nhận phôi thẻ ATM hoặc thẻ tín dụng, các đối tượng đều được hẹn tới khách sạn hoặc nhà hàng sang trọng để lấy. Thông tin về số thẻ, ngân hàng phát hành, thông tin chủ thẻ, mã bí mật đều được thông báo qua điện thoại.

Khi có đủ các thông tin cần thiết, các đối tượng sử dụng các dụng cụ được cung cấp trước đó, lần lượt thực hiện các bước in số thẻ, tên chủ thẻ, thương hiệu, logo của ngân hàng lên những phôi thẻ trắng giống như thật. Cuối cùng, nhóm này tìm những người như Thạch để giao thẻ, mã bí mật yêu cầu đi rút tiền.

Những vụ dùng thẻ tín dụng giả gần đây

Chiều 9-12-2011, ba người đàn ông nước ngoài tới một cửa hàng điện máy trên đường Pasteur (Q.1, TP.HCM) mua gần 60 triệu đồng sản phẩm, dùng thẻ tín dụng thanh toán. Cả hai thẻ do vị khách đưa ra đều không thể thanh toán, nhân viên thu ngân nghi ngờ, kiểm tra qua hệ thống ngân hàng phát hiện là giả. Người đàn ông mua hàng thấy nhân viên gọi điện, biết bị lộ liền vứt đồ bỏ chạy, lực lượng bảo vệ bắt được một người.

Ngày 5-12-2011, nhân viên Viettin Bank bắt được Shang Yuan Sheng (công dân một nước châu Á) đang gắn các thiết bị lạ vào trụ máy ATM. Sau đó qua kiểm tra, công an thu giữ nhiều thiết bị như camera, vi mạch điện tử... dùng để ăn cắp thông tin của chủ thẻ khi sử dụng tại các trụ máy này.

Ngày 11-7-2011, Lim Soon Ling (53 tuổi, công dân một nước châu Á khác) đi cùng một phụ nữ Việt Nam bị bắt giữ tại Q.1 khi dùng hộ chiếu và thẻ tín dụng giả để rút 10.000 USD. Trước đó, Lim Soon Ling đã rút thành công hơn 40 triệu đồng và 3.000 USD tại chính ngân hàng này. Theo lời khai, Lim Soon Ling làm giả hộ chiếu cùng 16 thẻ tín dụng để mang vào Việt Nam sử dụng.

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên