Bộ Tế Điên hòa thượng ấn bản đặc biệt vừa hoàn thành tại Thư viện Huệ Quang - Ảnh: L.ĐIỀN
Nhân vật Tế Điên vốn quen thuộc với công chúng Việt Nam, nhất là từ khi bộ phim Tế Công do Hãng TVB thực hiện chiếu trên truyền hình Việt Nam từ những năm 1990.
Bộ sách Tế Điên hòa thượng cũng từng được dịch sang tiếng Việt trong nhiều thời kỳ. Nhưng bản do hòa thượng Thích Minh Cảnh (với bút danh Đồ Khùng) dịch toàn văn và đăng dài kỳ trên báo Giác Ngộ, sau đó xuất bản thành sách, là bản dịch đầy đủ nhất tính đến hiện nay.
Nay, khởi đi từ lễ giỗ tiểu tường của cố hòa thượng Minh Cảnh, Thư viện Huệ Quang bắt tay thực hiện ấn bản đặc biệt.
Ấn bản đặc biệt lần này có 2 phiên bản:
1. 15 bộ ruột in giấy pho kem, bìa làm thủ công bọc gấm, quét nhũ vàng 3 cạnh;
2. 50 bộ ruột in giấy pho kem, bìa làm thủ công bọc gấm, nhuộm thủy ấn họa 3 cạnh.
Điểm độc đáo của ấn bản lần này là phiên bản nhuộm thủy ấn họa 3 cạnh sách. Phong cách này bắt nguồn từ phương Tây, việc nhuộm 3 cạnh sách (trừ gáy) một phần để tránh mối mọt, bảo quản sách lâu hơn, một phần cũng mang tính thẩm mỹ.
Kỹ thuật nhuộm thủy ấn họa cho 3 cạnh sách - Ảnh: L.ĐIỀN
Theo thầy Không Hạnh - phụ trách Thư viện Huệ Quang - việc chọn bộ Tế Điên hòa thượng để làm ấn bản đặc biệt có ý nghĩa tưởng nhớ ân sư bằng một ấn phẩm mà sinh thời bản thân dịch giả cũng rất tâm đắc.
Hơn nữa, hành trạng của ông sư Tế Điên cũng là hiện tượng độc đáo trong đời sống tâm thức của người dân. Việc một ông tăng lại uống rượu ăn thịt nhưng có năng lực trừ tà hộ chánh, khuyến thiện trừng ác và tiếp giúp người đời trong nhiều trường hợp thắt ngặt... được hiểu là một cách nhập thế của người tu mà không phải ai cũng làm được nếu không có tâm lượng và hạnh nguyện của Bồ Tát.
Trong bản dịch của mình, hòa thượng Thích Minh Cảnh có lưu ý trường hợp nhân vật Tế Điên được xây dựng từ một tăng sĩ có thật, là ngài Đạo Tế (1150-1209) - một thiền sư Trung Quốc thuộc phái Dương Kỳ, tông Lâm Tế, sống vào đời Tống, họ Lý, tên Tâm Viễn, tự Hồ Ẩn, hiệu Phương Viên Tẩu, người Lâm Hải (Chiết Giang).
Truyện "Tế Điên hòa thượng" hay "Tế Công hoạt Phật" vốn được xây dựng từ những tác giả dân gian, các văn sĩ nhiều đời chép lại, lưu truyền rộng khắp như một tác phẩm dân gian. Cũng theo hòa thượng Minh Cảnh, bởi lẽ truyện được xây dựng từ dân gian nên có chỗ quan niệm chưa đúng về tinh thần từ bi của Phật giáo.
"Đây là quần chúng viết để quần chúng đọc, và vì người viết không thông hiểu Phật lý, cho nên ta không thể bắt buộc tác phẩm phải thể hiện đúng theo tinh thần Phật giáo thuần túy. Quan niệm "giết người ác là một việc làm tốt" không phải xuất phát từ lòng từ bi.
Đạo Phật chỉ có hóa giải, chứ không có đối nghịch. Nhưng nhìn chung, tác phẩm cũng đem lại lợi ích "tránh ác, làm lành" một cách sâu xa trong lòng dân chúng, được coi như là một thành tựu đáng khích lệ" - dịch giả hòa thượng Minh Cảnh chia sẻ như vậy khi công bố bản dịch.
Ấn bản đặc biệt bìa thủ công bọc gấm này chỉ có 15 bộ - Ảnh: L.ĐIỀN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận