Vào giờ tan học, dễ dàng nhận thấy những học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe điện. Ảnh: hanoitv.vn
Ngày 10/1, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức phát động cuộc thi "Giao thông học đường" lần thứ IV năm học 2018-2019.
Đây là hoạt động được tổ chức thường niên, góp phần giáo dục kiến thức, kỹ năng, văn hóa ứng xử cho học sinh khi tham gia giao thông, giúp các em tiếp cận với các kiến thức về an toàn giao thông một cách gần gũi, tự nhiên bằng hình thức tuyên truyền mới, nhẹ nhàng và hấp dẫn, đồng thời, tạo điều kiện để học sinh tiếp cận bộ đề thi lý thuyết giấy phép lái xe môtô hạng A1.
Cuộc thi được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 7/1 đến tháng 5/2019 với 3 vòng thi: cấp trường (từ 7/1-29/3); cấp tỉnh (từ 15/4-24/4) và vòng chung kết toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 5/2019. "Giao thông học đường" được tổ chức dưới hình thức thi trắc nghiệm trên internet, đối tượng dự thi là học sinh khối Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trên toàn quốc.
Đề thi được chia theo từng cấp học với hình thức thể hiện phong phú. Trong đó, có hơn 1.000 câu hỏi về luật giao thông đường bộ, 600 loại câu hỏi về văn hóa giao thông và gần 200 câu hỏi tình huống dạng video 3D… Bộ câu hỏi được thẩm định nghiêm ngặt bởi Vụ Pháp chế, Tổng cục đường bộ Việt Nam. Nội dung phù hợp với pháp luật hiện hành và bám sát bộ đề thi lý thuyết giấy phép lái xe hạng A1.
Để tạo hứng thú cho học sinh, cuộc thi năm nay có sự đổi mới trong hình thức và cách thức thi. Cụ thể, thí sinh tham gia trả lời 30 câu hỏi (thay vì 35 câu như các năm trước), tổng thời gian trả lời câu hỏi tối đa là 15 phút, thí sinh tùy ý chọn thứ tự câu hỏi để trả lời. Sau 4 tuần thi, mỗi trường sẽ chọn 1 thí sinh có điểm thi cao nhất để tham gia vòng thi cấp tỉnh, thành phố. Trong trường hợp thí sinh có điểm thi bằng nhau sẽ xét tiêu chí thời gian hoàn thành phần thi. Thí sinh nào có thời gian hoàn thành phần thi nhanh hơn sẽ được xếp thứ hạng cao hơn. Kết quả sẽ được công bố trên website: http://giaothonghocduong.com.vn. Kết thúc vòng thi cấp tỉnh, mỗi tỉnh sẽ chọn 1 em giải Nhất mỗi cấp để tham gia vòng thi chung kết toàn quốc. Riêng 5 tỉnh, thành phố có số lượng thí sinh tham gia đông nhất sẽ chọn 2 thí sinh đạt giải cao nhất mỗi cấp tham gia vòng thi toàn quốc.
Về cơ cấu giải thưởng, vòng thi cấp trường, mỗi tuần thi, Ban tổ chức sẽ trao 3 giải/khối/toàn quốc, mỗi giải trị giá 300.000 đồng. Vòng thi cấp tỉnh, thành phố, ở mỗi bậc học, Ban tổ chức sẽ trao 1 giải Nhất, trị giá 1 triệu đồng; 1 giải Nhì, mỗi giải trị giá 500.000 đồng; 1 giải Ba, mỗi giải trị giá 300.000 đồng. Vòng thi toàn quốc, Ban tổ chức sẽ trao 1 giải Đặc biệt, trị giá 10 triệu đồng; 2 giải Nhất, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 3 giải Nhì, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng và 5 giải Ba, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng. Ban tổ chức cũng trao 20 giải tập thể đồng hạng cho các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố có kết quả triển khai cuộc thi hiệu quả, mỗi giải trị giá 1 triệu đồng.
Cuộc thi "Giao thông học đường" được tổ chức qua 3 mùa giải từ năm 2014. Số lượng thí sinh tham dự cuộc thi đã tăng dần qua từng năm. Nếu lần thứ nhất, cuộc thi thu hút hơn 200 nghìn thí sinh Trung học phổ thông trên toàn quốc tham gia, đến lần thứ II, đã có hơn 600 nghìn thí sinh là học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông; thì lần thứ III, cuộc thi thu hút tới hơn 1 triệu thí sinh, tăng gấp 5 lần so với mùa đầu ra mắt. Đây là một trong số ít cuộc thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép triển khai trong hệ thống nhà trường hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận