Cổng chùa Bối Khê xây mới trái phép - Ảnh: THU TRANG
Chuyện cũ đến mức ngay những người yêu quý di sản và gắn mình với trọng trách bảo vệ các di sản của đất nước dường như cũng cảm thấy bế tắc và chán nản nhiều phen, đến "vô cảm" với những tin tức mới trên báo chí về các di sản bị xâm phạm.
Phạt 20 triệu đồng
Di tích quốc gia chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) là cái tên mới nhất vừa được "nhập hội" cùng danh sách dài các di tích bị "bức hại" với danh nghĩa "trùng tu". Tin tức về Bối Khê ở Hà Nội ập đến ngay khi chuyện xây mới bờ kè Kinh thành Huế vẫn còn nóng bỏng trên truyền thông.
Trụ trì chùa Bối Khê đã cho đập hai cổng ngách hai bên gác chuông của chùa để xây dựng mới hai cổng hoành tráng, "uy hiếp" cả công trình chính là gác chuông. Việc xây dựng này hoàn toàn bất tuân pháp luật. Trụ sở chính quyền xã nằm đối diện với chùa, nhưng không xử lý theo đúng chức trách.
Chính Ban quản lý dự án của huyện Thanh Oai còn thực hiện lát gạch (không phép) cho nền sân đất của chùa, di chuyển cây xanh trong sân chùa và dựng lên những cột đèn "như trong công viên".
Như thường lệ, những công văn chỉ đạo, những buổi làm việc với địa phương tới tấp diễn ra sau "tin xấu".
Lệnh xử phạt bước đầu đã được Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra và vẫn còn những bước tiếp theo phải thực hiện. Nhưng nhìn lại, chỉ thấy một vòng tròn lặp lại những việc làm ứng phó của cơ quan chức năng khi chuyện đã rồi.
Duy có một chuyện mới với Bối Khê được chính phó chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phạm Xuân Phúc reo lên tự hào: lần đầu tiên họ đã lập biên bản xử phạt hành chính một nhà sư 20 triệu đồng về hành vi xây dựng trái phép, xâm phạm một di tích quốc gia.
Sư cô Thích Đàm Phượng bị xử phạt hành chính 20 triệu đồng. Sư cô là người duy nhất chịu phạt, dù lãnh đạo huyện, xã cũng nhất loạt nhận lỗi.
Vẫn là những câu chuyện cũ đó thôi, chuyện người dân không muốn đồng hành với Nhà nước trong các ứng xử với di tích và lựa chọn hành xử tùy tiện theo ý mình. Còn cán bộ cơ sở thì không sâu sát, thiếu trách nhiệm.
KTS Lê Thành Vinh (nguyên viện trưởng Viện Bảo tồn di tích)
"Làm gì hơn được nữa"
Cũng tại Hà Nội, mới hôm nào ngôi đình gỗ Lương Xá 300 tuổi từ thời Lê mà các nhà chuyên môn đánh giá "xứng đáng là di tích quốc gia" bị bức tử. Bối Khê rồi sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng trong cơn bão truyền thông, khi mà còn nhiều di tích bị biến dạng, "thoi thóp" ở các mức độ khác nhau nơi nẻo quê, góc phố nào đó...
Với chuyện ở Bối Khê, không thể nói những vi phạm của sư trụ trì và cán bộ địa phương là do chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật. Hằng năm vẫn có bao lớp tập huấn cho cán bộ văn hóa của địa phương để họ làm nhiệm vụ tuyên truyền cho nhân dân về các quy định liên quan tới bảo vệ di sản cũng như thực hiện chức trách quản lý di sản cho tốt.
Ở đây có thể hiểu là họ biết sai nhưng vẫn làm - điều cũng đã xảy ra ở nhiều di tích khác.
"Làm gì hơn được nữa. Thay đổi gì được nữa. Pháp luật đã rất đầy đủ, rõ ràng rồi. Đây là chuyện trách nhiệm, ý thức của cán bộ địa phương thôi. Luật pháp về di sản văn hóa có thêm bao nhiêu quy định đi chăng nữa thì vẫn có những người vi phạm. Tăng mức phạt cũng không đảm bảo sẽ không còn vi phạm" - ông Phạm Xuân Phúc thành thực bày tỏ sự bế tắc.
Khi các nhà quản lý "tặc lưỡi" chấp nhận những chuyện như Bối Khê, Lương Xá sẽ không thể tránh (tuyệt đối) được; còn các nhà bảo tồn di sản ngao ngán bởi chuyện cũ mãi lặp lại; dân chúng lại đối xử với di sản như của riêng làng mình, thì những chuyện như Bối Khê sẽ tiếp tục tái diễn mà thôi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận