03/03/2008 17:00 GMT+7

Phập phồng - "Kiểng tặc"

VŨ BÌNH
VŨ BÌNH

TTC - Dịp Tết nhất, đầu năm, bất kể giàu, nghèo, sang, hèn, gia đình nào cũng “tậu” cho mình một vài cây mai, chậu kiểng đón xuân về.

0A5RuQdO.jpgPhóng to

Càng giàu có, càng “đại gia” thì cây kiểng càng sang trọng, quý phái, đắt tiền để chứng tỏ “đẳng cấp” của mình đang được xem là thời thượng. Nhiều người đọ nhau sự phú quý, hơn thua nhau ở những chậu kiểng bề thế trong vườn nhà vào những dịp Tết nhất. Vậy là những năm gần đây, dân đạo tặc lại có thêm một “nghề” mới rất “hot”, hoạt động khá ư là tất bật trong những ngày đầu năm này: “nghề”... kiểng tặc.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Trộm từ vườn đổ ra… biệt thự

Những ngày cận Tết Nguyên đán, ông T.M.H., một “đại gia” kinh doanh bất động sản ở Quận 11 (TP.HCM) bỏ công cả tuần đi săn lùng các vườn mai Thủ Đức để rinh về cho được một chậu mai ghép thuộc loại hàng “độc” ở Sài Gòn với giá hơn 80 triệu đồng. Ông H. rất tự hào về “chậu lộc” đầu năm của mình hơn hẳn “nhà bọn khác”. Chậu mai bạc triệu được gia đình ông này trang trọng để ngay cửa ra vào chính của căn biệt thự to đùng, 2 - 3 hàng rào, cửa trong, cửa ngoài bảo vệ để kịp “trăm hoa đua nở”, “đưa lộc vào nhà” mừng xuân mới. Ai dè, chỉ sau một đêm Giao thừa ngủ say với bao nhiêu mộng đẹp ngày xuân, sáng mở mắt ra thì “chậu lộc” đã không cánh mà bay đi mất.

Bất kể bao nhiêu lớp cửa “phòng thủ” và đàn chó bẹc-giê “cảnh giới”, chậu mai vẫn “đi về nơi xa lắm”. Mất mai, mất lộc, thủ phạm bặt vô âm tín, ông H. chỉ còn biết tiếc của, than Trời! Đây chỉ là một trong những chuyến “ra quân”, “xuất hành” đầu xuân, mở đầu cho mùa làm ăn của bọn “kiểng tặc” kéo dài đến tận hết tháng giêng, lai rai cho đến hết mùa khô. Nhà biệt thự, cao tầng kín cổng cao tường cỡ nào cho đến nhà vườn, nhà chung cư, liên kế gì tất tần tật, chỉ cần có những chậu kiểng giá trị là… “kiểng tặc” viếng thăm.

Lợi dụng tâm lý, hầu hết các gia đình chơi kiểng, chơi mai ngày Tết thường chưng chậu kiểng trong vườn, trước nhà… Đoàn quân “kiểng tặc” đổ quân đi dò la, thám thính ban ngày rồi đợi màn đêm buông phủ bắt đầu ra tay, có những nhóm kiểng tặc thuê cả xe cẩu rất ư là chuyên nghiệp để đi cẩu trộm, rinh mai… của người khác. Thông thường thì sau những ngày chuẩn bị Tết nhất, vào những ngày đầu năm, các “gia chủ” có vẻ lơ là, mất cảnh giác trong việc trông nom nhà cửa, tất bật với việc khởi hành đầu xuân, đi chúc Tết nhau và tổ chức những chuyến đi chơi xa vào dịp “tháng giêng là tháng ăn chơi”.

Sau khi điều nghiên, hội ý, các nhóm kiểng tặc sẽ mò đến những gia đình nào mải mê với những chuyến du xuân, cửa đóng, then gài nhưng lại có những chậu mai, chậu kiểng trị giá bạc triệu mà chưa kịp đem gửi, bảo dưỡng thì sẽ tổ chức “thăm viếng”. Những chậu kiểng này được dân đạo tặc “chở giúp” gia chủ đến các vườn kiểng và bán lại với giá hời, kiếm một khoảng “kha khá” về… ăn Tết muộn. Ngay cả dân nhà vườn, chủ các vườn kiểng vùng ven cũng phập phồng, lo lắng “kiểng tặc” ghé thăm, “lấy… lộc” của vườn nhà mình. Ông N.V.T., chủ một vườn mai ghép có tiếng ở Quận 12 (TP.HCM) mặt mày méo xệch dù mới tháng giêng còn đang phơi phới lộc xuân vì “kiểng tặc” ghé thăm vườn mai của ông đúng vào dịp rằm tháng giêng.

Cả gia đình ông này bận đi hành hương nên “vườn không, nhà trống”, biếu không cho bọn đạo tặc hơn chục cây mai trị giá gần trăm triệu đồng của các gia chủ vừa gửi bảo dưỡng sau những ngày Tết.

“Bông hoa này là… của chung”

Nếu như vài năm trước, nạn kiểng tặc đầu năm còn mang tính tự phát, lẻ tẻ thì kiểng tặc dạo này mang tính chuyên nghiệp, qui mô hơn nhiều. Bọn kiểng tặc không chỉ dùng xe gắn máy, xe ba gác mà thuê cả… xe ôtô, xe cẩu để mà chở kiểng… của người khác và liên lạc với nhau bằng điện thoại di động, máy bộ đàm như là một “công nghệ khép kín”. Phóng sinh sự. Lợi dụng tâm lý, sau khi mất kiểng, ít có gia đình nào đi báo với công an địa phương vì “bông hoa này là… của chung”, phần lớn chậu kiểng nào cũng giống nhau, biết đâu là của mình nên dân “kiểng tặc” ngày càng lộng hành hơn.

Trong những ngày đầu năm Tết Nguyên đán 2007 vừa qua, “đội quân” kiểng tặc sau khi đi dạo một vòng các biệt thự vùng ven ở Bình Tân, Quận 12 rinh một lúc gần… 3 xe tải các chậu kiểng của các chủ vườn và các gia đình. Có vẻ còn chưa vừa lòng, bọn “kiểng tặc” tiếp tục vòng qua các công ty, nhà máy có chưng kiểng bonsai đắt tiền trong mấy ngày Tết để “kiếm thêm”, bất chấp lực lượng bảo vệ dày đặc vẫn bị qua mặt. Trên đường chở đi tiêu thụ thì bị lực lượng công an phát hiện, tóm gọn. Một tên trộm kiểng còn cố thanh minh, thanh nga: “Kiểng chưng xong ba ngày Tết để… không làm gì, tụi tôi dọn dẹp giùm, nhân tiện “cải thiện”… chút đỉnh đời sống”.

Quả thiệt, nhóm kiểng tặc này rất “nhiệt tình” dọn dẹp kiểng sau Tết cho các thân chủ, nhưng cái khoản kiếm thêm để “cải thiện” thì không… “chút đỉnh” tí nào! Mỗi chậu kiểng mà bọn này lấy trộm đều trị giá ít nhất từ 5 - 6 triệu đồng trở lên. Chưa biết những ngày đầu năm sắp tới, kiểng tặc sẽ tiếp tục lộng hành cỡ nào? Nhưng xem ra với tình hình chơi kiểng mắc tiền đang tiếp tục là mốt thời thượng của nhiều gia đình trong dịp Tết năm nay thì bọn đạo tặc còn “địa bàn” màu mỡ để hoạt động. Bây giờ, ngoài nỗi lo Tết nhất, xuất hành đầu năm thì nhiều gia đình còn có thêm một nỗi lo mới: Nỗi lo… kiểng tặc. Nỗi lo này sẽ còn tiếp tục ám ảnh nhiều gia đình, nhà vườn trong những ngày sắp tới nếu các ngành chức năng không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.

bDLIRGt6.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 351 (ra ngày 1-03-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

VŨ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên