Hoạt động của bộ phận pháp chế trong doanh nghiệp xưa nay gần như không được mọi người biết đến, có thì tốt, không có cũng chẳng sao. Bình thường các lãnh đạo chẳng bao giờ dùng đến pháp chế, người nào quan tâm lắm cũng chỉ ở mức cho pháp chế có ý kiến một số vấn đề và chỉ để tham khảo. Nhiều khi pháp chế tham mưu là “đừng”, nhưng lãnh đạo muốn làm vẫn cứ làm. Còn các nhân viên trong công ty cũng chẳng biết pháp chế làm gì, thậm chí còn cho rằng công ty cũng chả có gì mà phải cần đến pháp chế.
Thật ra, doanh nghiệp khi hoạt động sẽ chịu sự điều chỉnh của rất nhiều bộ luật trong khi nhận thức pháp luật của các lãnh đạo phần đông có giới hạn, cộng thêm tâm lý ngại va chạm, sợ rườm rà. Yêu cầu của bộ phận pháp chế là phải đảm bảo tính pháp lý, hạn chế rủi ro trong khi các lãnh đạo thường cho đó là sự rắc rối, phức tạp hóa vấn đề... Vì thế đôi khi doanh nghiệp làm ẩu, làm đại cho qua chuyện nhưng không tính đến hậu quả. Đến khi có sự cố, có tranh chấp xảy ra thì pháp chế phải đi “dọn dẹp hiện trường” mà đôi khi đã quá trễ, thiệt hại quá lớn.
Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ pháp chế trong hoạt động của doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành nghị định số 122/2004/NĐ-CP về tổ chức pháp chế, trong đó có pháp chế của doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên nghị định lại chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp khác thì không bắt buộc. Hơn nữa sau sáu năm ra đời, quy định này cũng chỉ ở tính hình thức, chưa được nhận thức và thực hiện đúng như mục đích ra đời của nó.
Xem ra bộ phận pháp chế trong doanh nghiệp vẫn chưa có “đất dụng võ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận