20/11/2003 06:01 GMT+7

Phan Thiết: Những di tích đình cổ bị lãng quên

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT (Bình Thuận) - “Bây giờ đình làng chúng tôi vẫn không có cổng, không có lối vào, không có bảng hiệu. Xuân thu nhị kỳ, dân làng cúng tế phải đi vô đình bằng ngõ sau nhà bếp” - ông Nguyễn Văn Giác, 87 tuổi, than thở như thế về tình trạng của đình cổ Tú Luông, một di tích kiến trúc nghệ thuật đã được Bộ VH-TT công nhận năm 2001.

iaSQGyWf.jpgPhóng to

Nóc nhà võ ca đình Lạc Đạo bị thủng toang hoác

Quên từ khi công nhận

"Kể từ khi ông đại diện Sở VH-TT đọc bài phát biểu trong buổi lễ đón nhận bằng di tích kiến trúc nghệ thuật tại đình Tú Luông, không có cán bộ cấp thành phố nào quay lại đình lần nữa” - ông Lê Văn Bảy ngậm ngùi nói về sự lãng quên của chính quyền đối với ngôi đình.

Theo hồ sơ khoa học do Bảo tàng Bình Thuận lập, đình Tú Luông được đại tu hoàn chỉnh vào năm Tự Đức thứ 24 (1871). Từ bấy đến nay đình này được tu bổ năm lần, lần sau cùng là vào năm 1989.

R9IaksL7.jpgPhóng to
Dãy trường học (trái) lấn mất mặt tiền đình Tú Luông (phải)
Trong đình còn giữ được tất cả 10 đạo sắc thần do các vua nhà Nguyễn phong tặng, các bức hoành phi, câu đối, bao lam, khám thờ, hương án... đều được đánh giá là có giá trị nghệ thuật cao. Một ngôi đình có tuổi ngót 150 năm như vậy nhưng hiện đang trong tình trạng xuống cấp và bị chèn ép rất đáng thương.

Năm 1988, chính quyền địa phương đã cho tháo dỡ cổng tam quan, vòng thành, bức bình phong và cột cờ của đình Tú Luông để xây dựng trường học tại đây. Hiện nay đình bị lọt thỏm đằng sau ngôi trường đồ sộ, không có lối vào.

Phần đất của đình ở phía sau còn bị một số hộ dân lấn vào, thậm chí nghiêm trọng hơn, các hộ này đang xây lầu cao sát cạnh đình, và như vậy không gian kiến trúc của đình bị phá vỡ và khuất mất trong khu dân cư ồn ào đông đúc.

Ban tế tự của đình rất bức xúc khi có một số hộ dân trước đây mượn đất của đình che nhà ở tạm, nhưng không hiểu sao bây giờ họ lại có sổ đỏ, có quyền sở hữu trên phần đất của đình. Đã nhiều năm nay bảng hiệu tên đình bị cất trong nhà khách bởi không có cổng để treo!

Công nhận di tích rồi...để đó

xZOqtS87.jpgPhóng to
Chiếc mõ cổ tại đình Đức Thắng
Có một ngôi đình mang kiểu dáng kiến trúc độc đáo và là một địa danh đặc biệt - đình Đức Nghĩa. Sự sáp nhập giữa làng Thành Đức và vạn Nam Nghĩa để hình thành ngôi đình Đức Nghĩa có từ năm Tự Đức thứ 17 (1864).

Ngôi đình dựa lưng trên đồi Thiềng Đức, nhìn ra ao sen phía trước, quang cảnh thanh thoát. Nghệ thuật chạm trổ khắc chữ theo hình tượng chim thú trong đình được đánh giá là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của cha ông ngày xưa. Ngôi đình được bảo toàn qua chiến tranh, hiện còn giữ nguyên phần hoành phi câu đối và 13 đạo sắc thần do các vua nhà Nguyễn phong cho.

Đầu thế kỷ 20, khi thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh đã nhiều lần dẫn học trò lên động làng Thiềng này dạo chơi ngắm cảnh và truyền đạt nhiều tư tưởng yêu nước cho đám môn sinh. Với nhiều giá trị như thế, đình Đức Nghĩa là một trong số ít những ngôi đình ở miền Trung được Bộ VH-TT công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật từ năm 1991.

Một di tích nổi tiếng, một công trình kiến trúc nghệ thuật hiếm hoi còn sót lại, một địa chỉ gắn liền với thời Bác Hồ dừng chân tại Phan Thiết vậy mà hiện đang trong tình trạng tồn tại khép kín. Theo bác Năm thủ từ, nơi này mỗi năm chỉ hai lần cúng tế xuân thu mới có người đến, còn thì chẳng ai có ý định vô đình.Ông chủ tịch phường Đức Nghĩa còn cẩn thận dặn bác Năm là không cho bất cứ ai vào chính điện nếu... không có giấy giới thiệu của phường!

3iHz9bbR.jpgPhóng to
Văn phòng đội thuế của ủy ban phường nằm lấn trong khuôn viên đình cổ Đức Thắng
Một điều tréo ngoe nữa đang diễn ra ở đình làng Đức Thắng. Đây cũng là ngôi đình có giá trị, được Bộ VH-TT công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật từ năm 1991. Nhưng một ủy ban phường đã “tạm thời” được dựng trong khuôn viên sân đình.

Rồi từ bấy đến nay, Ủy ban phường Đức Thắng và đình làng Đức Thắng vẫn “chung sống hòa bình” với nhau, chỉ tiếc là không gian kiến trúc bị phá vỡ bởi những dãy nhà mới xây dùng làm hội trường ủy ban, văn phòng đội thuế... chẳng ăn nhập gì với một ngôi đình cổ kính được xây dựng từ năm 1841 - 1847.

Và một di tích kiến trúc nghệ thuật trong tình trạng hư hại nghiêm trọng là đình làng Lạc Đạo. Đình này được Bộ VH-TT công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2001, nhưng theo lời bác Ba thủ từ, từ khi được công nhận đến giờ chưa lần nào sửa sang lại.

Hư hại nặng hơn cả là nhà võ ca bị thủng mái từng mảng, các vỉ kèo mục, đòn tay cũng rệu rã. “Không ai dám vào nữa, không biết nó sẽ sập khi nào” - bác Ba vừa nói vừa chỉ lên nóc nhà, có nhiều mảng ngói bị tróc lở, nắng trưa rọi vào hắt từng mảng sáng lên tường.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên