28/08/2024 11:00 GMT+7

Phân bón Cà Mau vững bước vươn ra biển lớn

T.D.V
và 1 tác giả khác

Hơn một thập kỷ không ngừng nỗ lực vươn mình, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HOSE: DCM) đã "phủ sóng" trên toàn quốc và vững bước chinh phục thị trường thế giới.

Phân bón Cà Mau vững bước  vươn ra biển lớn - Ảnh 2.

Sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế - Ảnh: PVCFC

Đầu năm 2024, các sản phẩm của công ty chính thức vào một số thị trường khó tính hàng đầu thế giới như Australia và New Zealand, nâng tổng số thị trường quốc tế của công ty lên 18 quốc gia.

Khởi đầu từ vùng đất tận cùng Tổ quốc

Từ vùng đất mũi Cà Mau, nơi thiên nhiên hoang sơ và đầy thách thức cho sự phát triển, Phân bón Cà Mau đã mạnh mẽ vươn mình, đạt nhiều thành tựu trong sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Là một trong những công trình trọng điểm thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), PVCFC được thành lập ngày 9-3-2011 nhằm phục vụ người nông dân bằng những dòng phân bón dinh dưỡng cao, phù hợp với nhiều loại cây trồng và vùng đất.

Tiếp nối thành công đó là sự ra đời của Nhà máy NPK Cà Mau năm 2021 và việc sát nhập Nhà máy NPK Hàn - Việt từ Tập đoàn Taekwang-Huchems năm 2023. Đây là bước tiến dài trong chiến lược hoàn chỉnh giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng của công ty nhằm góp phần đa dạng hóa nguồn cung phân bón chất lượng cao.

Tính đến năm 2024, PVCFC sở hữu 3 nhà máy bao gồm Nhà máy Đạm Cà Mau - chính thức cán mốc sản lượng 10 triệu tấn urê, vận hành tối ưu với công suất từ 110 - 115% so với công suất thiết kế; Nhà máy NPK Cà Mau (công suất 300.000 tấn/năm) và Nhà máy NPK Hàn - Việt (công suất 360.000 tấn/năm).

Từ nền tảng sẵn có cùng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và chiến lược kinh doanh phù hợp, PVCFC nhanh chóng ghi tên mình vào hàng ngũ "ông lớn" ngành phân bón Việt Nam. Đặc biệt năm 2022, công ty ghi nhận mức doanh thu kỷ lục hơn 16.412 tỉ đồng.

Hành trình vạn dặm của Phân bón Cà Mau đã bắt đầu từ vùng đất tận cùng Tổ quốc mang theo những nỗ lực không ngừng và khát vọng vươn xa của doanh nghiệp Việt Nam.

Tìm thấy cơ hội từ thách thức

Theo thông tin từ Hiệp hội phân bón Việt Nam, các nhà sản xuất phân bón lớn trong nước mỗi năm cung cấp khoảng 3 triệu tấn urê trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng 1,6 - 1,8 triệu tấn/năm. 

Bên cạnh đó, do phân bón không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào, làm tăng giá thành phẩm khiến các doanh nghiệp phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Sự mất cân bằng cán cân cung cầu và không có lợi thế cạnh tranh về giá đã đặt các doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam vào nhiều khó khăn, thách thức.

Mặc dù vậy, Phân bón Cà Mau đã tìm thấy được cơ hội trong thách thức, đó là xuất khẩu. Ban lãnh đạo công ty xác định chiến lược không chỉ dừng ở thị trường nội địa mà còn hướng tới thị trường khu vực và quốc tế. 

Công ty đã triển khai nhiều giải pháp kinh doanh hiệu quả, tối ưu quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ vào hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại đến từ Tây Ban Nha, Nhật Bản, công ty đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Từ những nỗ lực đó, công ty đã thành công đưa phân bón đến 18 quốc gia với tổng lượng xuất khẩu lên đến 1,844 triệu tấn, trị giá 782 triệu USD. Tình riêng năm 2023, công ty xuất khẩu 344 nghìn tấn phân bón chiếm hơn 40% sản lượng sản xuất. Giá trị xuất khẩu đóng góp quan trọng vào doanh thu và lợi nhuận của công ty, giúp duy trì hoạt động ổn định, mở rộng thị trường và nâng cao uy tín thương hiệu trên trường quốc tế.

Chất lượng quốc tế và uy tín thương hiệu

Phân bón Cà Mau vững bước  vươn ra biển lớn - Ảnh 3.

Sản phẩm có mặt trên 18 quốc gia - Ảnh: PVCFC

Chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển của công ty. Ngoài các dòng sản phẩm chủ lực như urê hạt đục phân giải chậm (giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng hiệu quả; hạt phân to đồng đều, cứng cáp giảm thiểu bụi và mạt); NPK chất lượng cao với công nghệ polyphosphate, 3 chất dinh dưỡng N-P-K trong một hạt phân (giúp cây hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng)…, công ty còn không ngừng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), hoàn thiện bộ giải pháp cung cấp chất dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng với dòng sản phẩm khoáng sinh học & vi sinh (N.Humate + TE,Ure Bio), phân bón hữu cơ cao cấp (OM), phân đơn, phân phức hợp…

Phân bón Cà Mau đã đạt nhiều giải thưởng trong đó có Thương hiệu Quốc gia, chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao, đặc biệt sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt như ISO 9001.

Với chiến lược phát triển bền vững, công ty đã lập Ủy ban ESG (môi trường, xã hội và quản trị), có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính như dự án thu hồi CO2, dự án CO2 thực phẩm, Nhà máy Đạm Cà Mau thuộc Top 10% các nhà máy tiêu hao năng lượng thấp nhất toàn cầu từ Haldor Topsoe.

Từ việc tận dụng cơ hội trong thách thức, đầu tư vào chất lượng sản phẩm, xây dựng uy tín thương hiệu đến chinh phục các thị trường khó tính, thương hiệu đã tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế, vững bước trên hành trình vươn ra biển lớn. Thành công này không chỉ là niềm tự hào của công ty mà còn khẳng định khả năng cạnh tranh của ngành phân bón Việt Nam..

Bên cạnh xây dựng thương hiệu thông qua các hoạt động sản xuất - kinh doanh, Phân bón Cà Mau còn xây dựng uy tín thương hiệu thông qua các hoạt động trách nhiệm xã hội. Công ty đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân, cung cấp kiến thức và kỹ thuật canh tác tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả nông nghiệp.

Ngoài ra, công ty dành sự quan tâm đặc biệt cho an sinh xã hội với tổng ngân sách gần 500 tỉ đồng dành cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, chăm sóc người nghèo, người có công, các chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên