10/01/2010 13:50 GMT+7

Phạm Quỳnh Anh: "Đôi khi tôi nhớ..."

PHẠM QUỲNH ANH
PHẠM QUỲNH ANH

TTCT - Gương mặt sáng trên sân khấu, giọng nói ấm với âm vực vừa đủ tạo cho người khác độ tin cậy nhất định. Cách cô xuất hiện có thể khiến những ai quan tâm tới các nghệ sĩ thắc mắc: “Nghệ sĩ mà thế à? Trông không giống...”.

Phạm Quỳnh Anh và “màu châu báu”

wLTdxZ2Q.jpgPhóng to
Phạm Quỳnh Anh trên đường phố TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Trang phục của cô ca sĩ gốc Việt 23 tuổi, sinh ra và lớn lên ở châu Âu, thường mặc chủ yếu khi về Việt Nam là màu tối và trung tính. Ngoài đôi mắt rất đen, thứ duy nhất màu sắc là đôi hoa tai màu xanh bằng đá. Cũng là màu mộc.

Không phải người mẫu

Phạm Quỳnh Anh, cái tên gắn liền với Bonjour Vietnam (Chào Việt Nam) - bài hát tâm điểm của năm 2006, vừa chính thức ra mắt khán giả quê nhà trên sân khấu vào ngày cuối cùng năm 2009.

Trích nhật ký Phạm Quỳnh Anh ngày 3-11-2008: “Cảm giác hiện tại: vô cùng sung sướng... Không thể tin được đây chính là sự thật... Lần này, tôi sẽ hát Bonjour Việt Nam tại Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên về phương Đông... Lần đặt chân đầu tiên tới quê cha đất tổ... Lần đầu tiên... Cuộc sống của tôi mới chỉ bắt đầu và tôi có thể cảm thấy một sự thay đổi đang đến... Cuộc đời thật đẹp...”.

Đó là ngày cô chuẩn bị đặt chân đến Việt Nam theo lời mời biểu diễn cho một nhóm khách đặc biệt. Chuyến đi đó cô vội vã về rồi lại vội vã đi, đủ để khiến người ta tiếc nuối.

31-12-2009 mới là lần chính thức cô ra mắt.

Giọng ca Quỳnh Anh được phát hiện 10 năm trước trong cuộc thi hát trên truyền hình Bỉ. Khi đó cô để tóc ngắn, khuôn mặt bầu bĩnh và vẻ dạn dĩ tự tin, mặc chiếc áo dài màu đỏ và gây ngạc nhiên lớn với ban giám khảo và những người tham dự. Cô hát lại bản tình ca The reason, vốn gắn liền với giọng ca của tài năng thế giới Celine Dion. Giọng hát khỏe, cao và rất tình cảm, tự nhiên và ngẫu hứng. Ít người nghe nghĩ đó là giọng của một cô bé 12 tuổi. Cô chiến thắng và tự nhận là “rất ngạc nhiên”.

“Tôi rất thích biểu diễn trên sân khấu, chia sẻ cảm xúc của mình với khán giả. Đó là thứ duy nhất quan trọng với tôi. Đúng là tôi cố gắng ăn mặc đẹp để tôn trọng mọi người, nhưng tôi không phải là người mẫu nên không mặc 10 bộ váy trong một chương trình biểu diễn. Đó không phải là thứ tôi chú ý khi trình diễn”

Sau thành công ở cuộc thi và những khen ngợi không tiếc lời của ban giám khảo, rất nhiều lời mời cô hợp tác ca hát chính thức. Cuối cùng, cô cũng phải có nhà quản lý của riêng mình và lời mời song ca và lưu diễn với danh ca người Pháp Marc Lavoine.

”Đó là lần đầu tiên tôi thật sự hát trên sân khấu như một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Marc Lavoine mời tôi từ Bỉ sang Paris để thu âm sáng tác mới của anh mang tên J'espère (Tôi hi vọng)’’ - cô kể lại.

Sau đó Marc Lavoine mời cô cùng đi lưu diễn vòng quanh Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ. Marc Lavoine với tài năng và kinh nghiệm sân khấu hơn 20 năm.

Còn cô, mới 18 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp III, mong manh và ngây thơ trên sân khấu. Đó có lẽ là hình ảnh đáng nhớ nhất, bên cạnh sự hòa quyện của hai giọng ca ngọt ngào, êm ái luôn khiến khán giả đứng dậy vỗ tay mỗi khi xuất hiện và rời sân khấu.

Không thể phủ nhận vai trò của Marc Lavoine trong thời gian đầu của sự nghiệp ca hát mà Phạm Quỳnh Anh đang theo đuổi. Người nghệ sĩ đa tài 47 tuổi này đã có những bài hát xuất sắc rất phù hợp dành riêng cho giọng ca thanh khiết và tâm trạng của cô.

Đến nay, cả ba bài mà Marc Lavoine đặt lời đều gắn liền với cô: Bonjour Vietnam là những cảm xúc thương nhớ về Việt Nam, với quê hương nguồn cội mà cô chưa có dịp ghé thăm; J’espère (trong album L'Heure d'été của Marc) là niềm hi vọng không nên từ bỏ của con người, và I say gold là bài hát đầy hình ảnh về châu Á, về sự khẳng định giá trị của các dân tộc đều như nhau, không phân biệt màu da.

Giữa hai nền văn hóa

“Tôi cảm thấy có một sự thiếu thốn khi không thăm quê hương nguồn cội của mình. Để trở thành một người toàn diện, tôi nghĩ mình cần trở về thăm quê hương vào một ngày nào đó để bù đắp sự thiếu thốn đó”. Đó là suy nghĩ khi cô chưa đặt chân đến Việt Nam. Có lẽ chính cảm giác chống chếnh đó đã tạo ra tính phiêu linh trong Bonjour Vietnam. Một nỗi hoài hương không rõ rệt.

V4NJqRVh.jpgPhóng to
Nhà quản lý Bernard Carbonez - Ảnh: Minh Đức
“Hiếm gặp được một tính cách như thế”

Đó là nhận xét của Bernard Carbonez, ông bầu của ca sĩ Quỳnh Anh. Từng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đĩa hát một thời gian dài, ông Carbonez quyết định chọn hướng đi độc lập kể từ khi phát hiện Quỳnh Anh năm 14 tuổi tại một cuộc thi ca nhạc trên Đài truyền hình Bỉ. Hiện ông còn quản lý hai ca sĩ trẻ khác, nhưng Quỳnh Anh vẫn là “tài năng hiếm và có tính cách vì cô thể hiện sự pha trộn của hai nền văn hóa và giữ được gốc gác của mình”.

Dù tài năng được phát hiện sớm, Quỳnh Anh vẫn kiên trì con đường học vấn trước khi nghĩ đến việc đầu tư cho sự nghiệp ca hát.

Trích nhật ký Phạm Quỳnh Anh ngày 13-11-2008: “Ngày thứ hai ở Sài Gòn. Quá nhiều thứ để ngửi, để nhìn, để sờ, để nếm... quá nhiều thứ để làm! Chợ Lớn và những mùi hương, những con hẻm nhỏ. Tôi nhớ lại bộ phim Người tình. Người con gái đã đem lòng yêu người đàn ông Trung Hoa. Khi chúng tôi đi qua con sông, tôi gần như thấy hình ảnh con phà trong bộ phim đó đang trôi trên dòng nước... Tôi đã sợ mình sẽ cảm thấy là một người xa lạ ở Việt Nam. Nhưng hóa ra không phải vậy. Tôi cảm thấy rất thích thú. Cứ như tôi luôn là một phần của nơi này. Bỉ là gia đình tôi, nhưng Việt Nam cũng vậy. Thật là may mắn...”.

Ngày 30-11-2008: “Chỉ mới vài ngày trước... Vậy mà đã nhớ Việt Nam yêu thương rồi... Thay vì học bài, tôi nhìn ra khung cửa sổ hẹp của thư viện... Tôi không quan tâm tới mưa và giá lạnh bên ngoài...Không thể dứt suy nghĩ về Việt Nam... Việt Nam... như một người bạn cũ... Cứ như chúng tôi có thật nhiều điều để kể cho nhau nghe sau bao tháng ngày xa cách...Việt Nam... Chuyến thăm đầu tiên này đã bắt đầu sự thay đổi trong tôi... Tôi không thể thấy điều gì đã xảy ra với mình nhưng tôi biết... Việt Nam... đã tạo ra sự thay đổi trong tôi...’’.

Những xáo trộn trong cảm xúc của Phạm Quỳnh Anh sau chuyến thăm lần đầu tiên đã phần nào bình tĩnh trở lại trong chuyến thăm lần thứ hai này. Cô thấy mình đi trên đường phố “cứ tự nhiên như quen thuộc tự thuở nào”.

Trong gia đình, như cô tâm sự, cha mẹ cô vẫn giữ nền nếp truyền thống. Cô thường được tiếp xúc với nghệ thuật dân tộc, vẫn thích ăn món ăn Việt Nam, nấu được vài món đơn giản. Nhưng có lẽ không đủ. Cô muốn tìm hiểu thêm nhiều hơn nữa về nơi là nguồn gốc, là quá khứ của cha mẹ mình “và cả quá khứ của tôi nữa”. Cả việc chưa viết và nói được tiếng Việt tốt như mong muốn cũng làm cô băn khoăn. “Từ khi sinh ra tôi đã nghe tiếng Việt, nghe và hiểu rất tốt. Nhưng không hiểu sao tôi không nói được thành thạo. Thật là kỳ lạ. Đáng lý tiếng Việt phải là một phần của tôi rồi mới phải”.

Quỳnh Anh nói khi trở về Bỉ, đôi khi cô nhớ không khí ồn ào đông đúc của phố phường Sài Gòn. “Chị biết không, ở Bỉ, tầm 6 giờ tối mọi người đã trở về nhà, con phố vắng tanh không có người đi lại. Rất yên tĩnh và đôi khi hơi buồn. Vì vậy đôi khi tôi nhớ sự náo nhiệt ở VN...”.

Cô sinh viên năm 3 chuyên ngành văn học Pháp và Tây Ban Nha trở về Bỉ sẽ tiếp tục các kỳ thi và hoàn thiện album đầu tay. Album sẽ định vị con người của cô, con người thuộc hai nền văn hóa. Cô muốn tạo dựng hình ảnh của một nghệ sĩ châu Á ở châu Âu. Hình ảnh đó không phải là những khuôn mẫu mà người châu Âu vẫn hay nhìn nhận.

PHẠM QUỲNH ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên