Một người dân ngồi trên quan tài phản ứng đoàn cưỡng chế thu hồi nhà sáng 16-6 tại Q.1, TP.HCM - Ảnh: A.X. |
Thời gian gần đây, khi xảy ra các vụ án, cưỡng chế thu hồi nhà đất..., cơ quan chức năng đã phải đối diện tình huống người dân mang quan tài diễu phố hoặc trước cửa nhà, trong đất của mình để phản ứng.
Bên cạnh đó, trong nhiều tranh chấp dân sự, đòi nợ, mâu thuẫn... cũng có người mang quan tài ra để giải quyết, gây áp lực cho người khác.
Vì sao người ta lại chọn cách hành xử này? Hành vi ấy vi phạm pháp luật ra sao?.
Một hành vi lệch lạc…
Theo tiến sĩ Đinh Phương Duy - chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM, khi nói đến quan tài thường là nói đến sự linh thiêng. Khi người ta chết thì quan tài là linh vật cuối cùng, giống như một vật bất khả xâm phạm.
Theo tâm linh, ai đụng đến quan tài theo nghĩa phá hoại sẽ là những người rất ác độc, sẽ bị quả báo. Quan tài là một “biểu tượng” làm người ta ngán ngại bởi thấy quan tài thường phải bái lạy, phải tôn trọng, nghĩa tử là nghĩa tận.
Cho nên về mặt tâm lý người ta sử dụng quan tài để phản ứng là nhằm mục đích khiến đối phương phải “nhát tay”.
Trong trường hợp mang quan tài (tặng quan tài) đến một nơi nào đó nhằm gây sức ép thì tâm lý ngược lại.
Lúc này nghĩa của quan tài là sự chết chóc, khi quan tài được mang tặng đến nhà thì hàm nghĩa “trù ẻo” người kia. Mở cửa ra đã thấy quan tài tức là “xui tận mạng”. Về tâm lý, người nhận quan tài không muốn tiếp tục cảnh xui xẻo nữa nên phải tìm cách giải quyết.
Có thể nói, quan tài là vật linh thiêng mà sử dụng sai mục đích thì rõ ràng đã xúc phạm niềm tin của chính mình, làm giảm đi những giá trị truyền thống. Nó ngầm hiểu là “liều mạng”, không còn minh mẫn để hóa giải câu chuyện mâu thuẫn.
"Đó là một cách giải quyết “hạ đẳng”, làm cho cái lý lẽ mà mình muốn bảo vệ, nếu đúng cũng không được số đông ủng hộ", tiến sĩ Đinh Phương Duy nói.
Tiến sĩ Trương Văn Vỹ - giảng viên xã hội học tội phạm Đại học quốc gia TP.HCM - cho biết thời gian qua, việc mang quan tài phản ứng xuất hiện khắp nơi, với nhiều hình thức khác nhau.
Quan tài mang biểu tượng của người chết nên khi mang ra phản ứng tiêu cực như vậy mang tính “sống còn”.
Khi người dân phản ứng như vậy có thể về mặt pháp lý đúng hay chưa đúng nhưng có thể hiểu rằng người dân cảm thấy oan ức, hoặc họ chưa hiểu nên chọn cách đối đầu tiêu cực như vậy.
Đây là một phản ứng tiêu cực, là hành vi lệch lạc. Về mặt xã hội nó rất ấn tượng bởi như một thông điệp: "tôi quyết sống còn với anh".
Ở đây không riêng gì quan tài (tượng trưng cho tinh thần) mà người dân còn có thể sử dụng về vật chất khác như dao, mác, xăng… nhằm đe dọa nhau nên phải giải quyết thấu tình đạt lý trong từng vụ việc.
Ông Trương Ngọc Tường - nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ - cho rằng có nhiều nguyên nhân và hình ảnh “đả lôi đài” mang theo quan tài sinh tử ngày xưa, có thể xem là hình ảnh gần nhất liên tưởng đến chuyện mang quan tài phản ứng.
Khi mang quan tài phản ứng, nghĩa là “trù ẻo” cho người ta chết nhưng đúng hơn đó là thông điệp “một là ta chết hay là nhà người phải chết”. Nó giống như “nai dạt móng, chó cũng le lưỡi”.
Đây không gọi là bức xúc cuối cùng mà là một dạng hành xử du côn, lệch lạc văn hóa, đạo lý suy đồi, ông bà ta xưa đã khuyên không nên làm…
Có thể xử lý hình sự
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - cho biết hành động mang quan tài phản ứng tuy khá phổ biến, có thể nhận định đó là một hành vi vi phạm nhưng luật không quy định cụ thể sẽ phải xử lý ra sao.
Tuy nhiên có thể vận dụng nghị định 167/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội để xử lý.
Theo đó, hành vi mang quan tài phản ứng, kèm theo diễn biến xung quanh mà có nhiều mức xử phạt hành chính về vi phạm quy định trật tự công cộng.
Cụ thể, có thể vận dụng phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.
Phạt từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng hành vi “tụ tập nhiều người nơi công cộng gây mất trật tự công cộng”.
Phạt từ 2-3 triệu đồng một trong những hành vi “lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng”, “gây rối trật tự tại nơi tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế”, “gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức”.
Ngoài ra, tùy theo tính chất mức độ liên quan mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Vũ Quang Đức - Đoàn luật sư TP HCM - cho biết tùy mục đích, diễn biến hành vi mà người mang quan tài có thể bị xử lý hình sự về một hoặc nhiều tội danh. Nếu hành vi của người vi phạm pháp luật chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể xem xét xử lý hành chính.
Cụ thể, nếu trường hợp người dân phản đối cưỡng chế, kê biên, thu giữ tài sản... mà mang quan tài đặt tại nhà, đất của mình hoặc mang tới cơ quan công quyền để quyết liệt ngăn cản, gây rối lực lượng cơ quan chức năng thì có thể phạm tội chống người thi hành công vụ.
Trường hợp người dân đặt quan tài trong khuôn viên đất nhà mình chỉ để phản ứng, bày tỏ thái độ việc gì đó mà nhiều người khác tò mò đến xem thì chỉ xem xét xử phạt hành chính, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp người dân mang quan tài diễu phố, mang đến nơi công cộng, trụ sở cơ quan, tổ chức để phản đối việc gì đó mà khiến tò mò cho người khác, tập trung đông người gây ùn tắc, gây rối thì có thể bị xử lý về tội danh gây rối trât tự công cộng hoặc tội cản trở giao thông đường bộ.
Trong trường hợp chủ nợ hoặc người đòi nợ “tặng” quan tài cho con nợ hoặc mâu thuẫn, đe dọa nhau rồi “tặng” quan tài cho nhau thì có thể bị xử lý hình sự về hình vi đe dọa giết người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận