13/09/2006 06:53 GMT+7

Phạm Hoàng Thành: Niềm đam mê xuyên đại dương

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Quê cha ở Quảng Nam, mẹ người Huế, sinh ra ở Hà Nội, lớn lên vào Sài Gòn và trưởng thành bên... Canada! Ngay từ nhỏ, Phạm Hoàng Thành (PHT) đã mê vẽ như điếu đổ. Bất cứ ở đâu, lúc nào: vách tường, tờ giấy cũ, nền đất... khi nghỉ ngơi và ngay cả lúc học bài... PHT cũng có thể hí hoáy “sáng tác”.

0L5lu3KS.jpgPhóng to
TT - Quê cha ở Quảng Nam, mẹ người Huế, sinh ra ở Hà Nội, lớn lên vào Sài Gòn và trưởng thành bên... Canada! Ngay từ nhỏ, Phạm Hoàng Thành (PHT) đã mê vẽ như điếu đổ. Bất cứ ở đâu, lúc nào: vách tường, tờ giấy cũ, nền đất... khi nghỉ ngơi và ngay cả lúc học bài... PHT cũng có thể hí hoáy “sáng tác”.

Vẽ ở Canada, về Việt Nam triển lãm

Năm 10 tuổi, thấy con trai quá đam mê, cha PHT dẫn cậu bé đến học một người là họa sĩ mỹ thuật của báo Hà Nội Mới. 11 tuổi, PHT đã có bức tranh cổ động phong trào thanh niên Hà thành xung phong vào giải phóng miền Nam đăng trên báo Hà Nội Mới.

17 tuổi, một mình PHT xách vali lên máy bay sang tận Canada. Gần năm trời, cứ phục vụ trong khách sạn từ 23g đêm đến 7g sáng hôm sau mới về nhà; 8g30 lật đật chạy đi học tới tận 16g! Có một ngày, vào lớp được năm phút, anh gục xuống. Khi thức dậy, căn phòng học vắng tanh không còn ai! Cảm giác bơ vơ và nỗi tủi thân của người xa quê dâng lên, nghẹn cứng...

PHT quyết định nghỉ học! Cuộc mưu sinh đầy bộn bề lo toan đã khiến anh nghi ngờ con đường trước mặt. “Nhiều khi tôi hoang mang không biết đâu là hướng đi cho mình nơi đất khách quê người”. PHT rẽ sang con đường khác.

Nhưng: “Cảm giác nghệ thuật như một bóng ma lúc nào cũng ám ảnh mình. Nó cứ mờ mờ ảo ảo, chạy thì nó đuổi mà quay lại thì nó biến mất. Đã nhiều lần tôi đấu tranh tư tưởng dữ lắm: mình có đủ bản lĩnh, có đủ tự tin để bước vào thế giới đó hay không?”.

Đam mê, chính sự đam mê đã mở cánh cửa để PHT tự tin bước vào thế giới hấp dẫn mà cũng đầy khắc nghiệt của nghệ thuật. Căn phòng thuê chật chội càng nhỏ hơn bởi 100 bức tranh và ngày càng nhiều.

Đó là những “đứa con” mà anh phải đổi bằng mồ hôi nóng hổi giữa tuyết rơi, những ngày thức trắng đêm. Trong thời gian đó, PHT tranh thủ học lấy khóa tu nghiệp mỹ thuật ĐH UQAM (University of Quebec in Montreal, Canada).

Anh thức đêm nhiều hơn để mày mò bổ sung kiến thức về mỹ thuật trên sách báo, Internet... Và nhiều khi nguồn cảm hứng ùa đến hay nảy ra một ý tưởng mới, đang nửa đêm PHT giật mình nhảy khỏi nệm, cầm cọ... vẽ!

Đằng đẵng những năm tháng xa xứ, Thành cứ gặm nhấm nỗi đau đáu một ngày trở về. Hơnhai năm, từ tháng 6-2004 đến 7-2006, PHT hoàn thành bộ sưu tập “Quê hương và chân dung tôi” để chuẩn bị cho lần trở về. Chi phí cho cuộc triển lãm “ngốn” mất 1/3 tổng thu nhập cả năm nhưng “sướng vô biên, niềm vui và hạnh phúc đó chẳng gì đánh đổi được đâu cô ạ” - đôi mắt PHT chợt long lanh đến lạ.

cgEPDqbW.jpgPhóng to
Tranh: Phạm Hoàng Thành
“VN trong trái tim tôi”

Mỗi bức tranh trong cuộc triển lãm “Quê hương và chân dung tôi” (diễn ra tại TP.HCM cuối tháng tám sang đầu tháng 9-2006) là một lát cắt trong thế giới nội tâm của “tôi” ở từng khoảnh khắc của cuộc sống.

Quê hương, trong trái tim “tôi”, thật giản đơn và gần gũi, là chiếc nón lá duyên dáng trên tay những nữ sinh Đồng Khánh (Huế), là tiếng sáo vi vút đến nao lòng của mục đồng cưỡi trâu khi chiều về... Chưa từng một lần đặt chân đến vịnh Hạ Long, chỉ tham khảo qua sách báo, Internet, anh đã tạo ra một vịnh Hạ Long cho riêng mình.

“Người nước ngoài khi nhắc đến “Ha Long bay” là nghĩ ngay đến VN. Tôi muốn tiếp cận vẻ đẹp của quê hương ở cách nhìn của người nước ngoài, dùng góc nhìn của họ để làm biểu tượng cho VN” - PHT lý giải cho những hình ảnh về vịnh Hạ Long...

Riêng bức tranh Ha Long Niagara rất lạ! 1/2 bức tranh ở phía trên là vịnh Hạ Long, còn 1/2 bên dưới vẽ những người chèo đò VN trên dòng thác... Niagara, thắng cảnh nổi tiếng của Canada! “Đó là hai quê hương của tôi, một vịnh Hạ Long trong tưởng tượng và một Niagara trong cùng bức tranh là sự giao lưu giữa hai nền văn hóa Đông - Tây” - PHT lý giải.

“Hầu hết các bức tranh của anh đều có gam màu nâu đỏ!”, anh cười: “Đó là màu đặc trưng của người dân đất Việt. Những tà áo bà ba, những vạt áo của người nông dân một nắng hai sương lam lũ tảo tần, cần cù và nghĩa tình đã thấm nhuần vào máu của tôi mất rồi”.

Đó là một VN trong tâm tưởng. Còn VN trong ký ức? Sinh ra ở khu phố Khâm Thiên (Q.Đống Đa), nơi bị bom Mỹ oanh tạc dữ dội nhất Hà Nội thời kháng chiến nên những hố bom, những đàn máy bay gầm rú rạch nát bầu trời bình yên, những người dân quân hiền lành, gần gũi nhưng rất kiên cường... cứ ám ảnh cả một tuổi thơ không bình yên.

Điều đó lý giải vì sao tranh của PHT luôn có sắc hình chinh chiến. Nhưng chiến tranh trong cái nhìn của PHT lại là xác trực thăng, xác máy bay tối tân rơi trên vịnh Hạ Long - cái dữ dội, đáng sợ bị khuất phục trước cái đẹp thơ mộng, hùng vĩ của đất nước VN! Hình ảnh người con gái VN, những nữ dân quân Hà Nội năm xưa, dưới góc nhìn của PHT, hiên ngang cầm súng giữa đất trời, uy nghi đạp trên xác máy bay, đẹp kiêu hùng như một thiên thần, một vệ nữ.

“Tôi vẽ những bức tranh này dâng tặng những con người đã nằm xuống để hai chữ Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới. Chưa một lần cầm súng bảo vệ Tổ quốc nên thấy mình còn nặng nợ quá...” - PHT bùi ngùi tâm sự trước khi chia tay trở về Canada.

Năm 1994, sau khi tốt nghiệp, Phạm Hoàng Thành bắt đầu tham gia nhiều cuộc triển lãm cá nhân và tập thể ở Canada và Mỹ. Hạnh phúc của anh không phải tranh bán nhiều hơn mà chính là sự đón nhận của công chúng nước ngoài. Năm 2000, anh nhận được sự bảo trợ của Chính phủ Canada dành cho nghệ sĩ chuyên nghiệp và tham gia Hội đồng nghệ thuật Canada...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên