24/11/2013 10:26 GMT+7

Phải thể chế hóa trách nhiệm người đứng đầu đơn vị công

MAI HƯƠNG ghi
MAI HƯƠNG ghi

TTO - Làm sao để có đội ngũ công chức hết lòng hết sức "phụng sự nhân dân" là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở. Giải pháp nào loại bỏ cán bộ công chức không làm được việc?

Bao nhiêu công chức “ngồi chơi”?Thất vọng về trả lời của bộ trưởng

Đại biểu Quốc hội Lê Trọng Sang, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM: Cái gốc của tham nhũng là từ cán bộ và công tác cán bộ

6kWiyVKD.jpg
Đại biểu Quốc hội Lê Trọng Sang - Ảnh: Mai Hương

Tôi cho rằng hiện nay rất nhiều nơi trong bộ máy của chúng ta thừa những cán bộ tuy không thiếu bằng cấp, học vị nhưng lại không điều hành, chỉ đạo và thực hiện được chức trách, công việc của mình. “Đây là vấn đề nhạy cảm, tế nhị” như Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đã giải thích với các đại biểu Quốc hội. Nhưng nếu không đối diện với nó thì khó có một nền hành chính công vụ có năng lực, minh bạch. Đây là vấn đề nóng, bởi tiêu cực, tham nhũng xuất phát từ cái gốc chính là cán bộ và công tác cán bộ.

Tôi nghĩ nguyên tắc “có vào có ra” hiện nay phải được xem xét nghiêm túc. Có ý kiến cho rằng công chức, viên chức vào khó nhưng ra khỏi đó còn khó hơn. Ý kiến này có lý khi cách tuyển dụng chỉ chú trọng bằng cấp, chưa đặt nặng vào yêu cầu công việc, kinh nghiệm. Trình tự thủ tục để kiểm điểm, xử lý kỷ luật cho thôi việc lại phải qua nhiều bước.

Về giải pháp, phải tập trung rà soát nội dung, quy trình trong đánh giá và tự đánh giá, tránh đánh giá theo định kỳ mà phải làm thường xuyên theo công việc. Muốn vậy, ở từng vị trí công viêc phải được mô tả kỹ để việc tuyển dụng, lập tiêu chí đánh giá chính xác hơn.

Bên cạnh đó, phải tăng cường quản lý cán bộ công chức viên chức bằng bảng phân công, giao việc cụ thể. Người đứng đầu cơ quan đơn vị có sự theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công việc của cán bộ công chức theo từng thời gian. Cuối cùng, cán bộ lãnh đạo quản lý và công chức, viên chức phải biết tự rèn luyện, biết đặt lợi ích chung của đơn vị, tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Nói cách khác, cán bộ công chức không nên chỉ ỷ lại vào sự quản lý giám sát của tổ chức mà phải xây dựng ý thức tự rèn mình để đáp ứng yêu cầu công việc.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai): Nên sớm có bộ tiêu chí đánh giá công việc cho từng vị trí

jHwcerHk.jpg
Đại biểu Trương Văn Vở - Ảnh: Mai Hương

Khâu nhận xét đánh giá cán bộ hằng năm là rất quan trọng,phải có tiêu chí cụ thể và công khai tiêu chí đó cho tập thể biết để cùng giám sát. Hiện nay tôi thấy "dĩ hòa vi quý" nhiều quá. Nhận xét thường không dựa trên tinh thần phê và tự phê bình nghiêm túc, không đấu tranh để xây dựng, chỉ muốn "dĩ hòa vi quý", được người được ta.

Theo tôi, Bộ Nội vụ nên sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá cụ thể phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực. Ở đơn vị hành chính như thế nào, đơn vị sự nghiệp thế nào phải rõ ra. Làm sao từ giờ đến sang năm 2014 phải ra được các bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc cụ thể.

Một điều quan trọng nữa là phải xuất phát từ yêu cầu vì công việc mà bố trí con người. Mà muốn bố trí đúng người thì phải có chuẩn. Vừa qua cái chuẩn này nhiều khi còn du di quá. Thêm vào đó hãy thể chế hóa trách nhiệm của người đứng đầu. Có như vậy mới đảm bảo được kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội): Đừng để người đi đầu tinh giản biên chế phải “hi sinh”

K9Q4Klov.jpg
Đại biểu Bùi Thị An - Ảnh: Mai Hương

Ở các nước, tính kế hoạch, tính mục tiêu trong tuyển dụng thể hiện rất rõ. Họ có việc mới tuyển người, còn mình có người mới sắp xếp việc.

Về mặt điều hành vĩ mô, tôi cho rằng nên có đợt tổng rà soát để đánh giá lại và kiên quyết cắt bỏ những ai không làm được việc. Muốn vậy phải xem lại từ khâu tuyển dụng. Vì hiện rất nhiều người vào làm nhà nước do có quan hệ quen thân với lãnh đạo, vào chủ yếu để giữ chỗ để hưởng chế độ.

Các tiêu chí đánh giá cán bộ rất nhiều: giờ giấc làm việc, năng suất, hiệu quả, chất lượng làm việc. Thậm chí đến mức phải quản chất lượng công việc theo kiểu: anh ra cái văn bản có sai không, ra cái nghị định thông tư có bị dân phản ứng không… Có rất nhiều kênh, rất nhiều yếu tố để đánh giá người lao động, vấn đề là anh có thực muốn đánh giá không.

Tôi cho rằng chuyện thanh lọc bộ máy muốn làm phải có sự đồng lòng của cả hệ thống, để cho những người làm không bị phản ứng. Bởi việc này động tới miếng cơm manh áo, quyền lợi, việc làm của người ta, thậm chí có cả con em, người thân của quan chức, chắc chắn người ta sẽ phản ứng. Phải tạo hành lang pháp lý, tạo dư luận xã hội ủng hộ những người đi đầu trong việc tinh giản biên chế.

Chủ trương tinh giản biên chế phải được ủng hộ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Nếu không, những người tích cực đi đầu rất dễ bị cô lập, bị phản ứng, thậm chí “hi sinh”. Mà người đi đầu đã bị “đánh” thì những người đi sau rất dễ nản lòng. Hoặc là đang làm (việc tinh giản biên chế - PV) thì lại có cuộc gọi của cấp trên nhắc nhở “sao cậu làm căng thế?” thì không được.

MAI HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên