13/09/2015 15:05 GMT+7

​Phái đẹp chia sẻ chuyện viết văn

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Hai nhà văn Võ Diệu Thanh và Nguyễn Thị Kim Hòa vừa gặp gỡ bạn đọc TP.HCM trong chương trình book talk “Khi phái đẹp viết văn” tại Nhã Nam thư quán sáng 13-9 với nhiều tâm sự trong nghề.

Bạn đọc chia sẻ suy nghĩ về công việc viết văn của giới nữ - Ảnh: L.Điền
Bạn đọc chia sẻ suy nghĩ về công việc viết văn của giới nữ - Ảnh: L.Điền

Võ Diệu Thanh đến từ An Giang, được biết đến với nhiều sáng tác văn chương từ thời còn đi học, đặc biệt sau giải nhì cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20, bạn đọc cả nước dần quen thuộc với cái tên Võ Diệu Thanh như một nhà văn nữ ở miền tây Nam bộ.

Nguyễn Thị Kim Hòa xuất thân chuyên ngành kinh tế đối ngoại nhưng tham gia viết văn và được biết đến nhiều sau khi đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 2013-2014 với ba truyện ngắn Đỉnh khói, Hương thôn dã, Thôi mùa cỏ cháy.

Nhà văn Võ Diệu Thanh cho biết cô đến với việc viết văn như một sự yêu thích và nỗ lực hết mình cho niềm yêu thích ấy. Thậm chí để đến được với công việc tưởng chừng rất cá nhân như vậy, cô phải vượt qua những cản ngăn từ gia đình, những quan niệm không đúng đắn từ bà con dòng họ…

“Ở nông thôn, không ai quan tâm đến văn chương. Tôi thấy xung quanh mình không ai cần văn cả, kể cả học trò, bà con cô bác của tôi cũng không ai cần văn chương… vậy mà tôi lại đi viết văn”, những tâm sự rất thiệt tình của Võ Diệu Thanh gây cuốn hút cho cử tọa.

Viết như thế nào

Với Võ Diệu Thanh, nghề viết lẽ ra là của đàn ông, bởi đàn ông có thể lăn xả vào nhiều ngóc ngách cuộc đời, có thể đi đến nhiều nơi, va chạm và sống.

“Chẳng hạn tôi muốn đến một vùng đó, ngủ lại đó một vài đêm để tìm hiểu chuyện này chuyện kia, nhưng khó được, vì mình là nữ”. Khán giá bật cười khi nghe Võ Diệu Thanh nói quan niệm “khi người nữ viết văn thì trong cô ta đã có một nửa là đàn ông rồi”.

Trong khi Kim Hòa dụng công trong việc viết là dồn tất cả những buồn chán, mệt mỏi, quẫn bách vào văn chương, khác hẳn với vẻ vui tươi hồn nhiên của tác giả ngoài đời, thì Võ Diệu Thanh cho biết cô luôn cố gắng cảm nhận “đến mức sâu nhất niềm vui, nỗi buồn, sự đau khổ" của những người xung quanh rồi mới viết.

“Mỗi trang như một hang động bí ẩn và có cả sắc màu để dẫn mình đi, là nơi để mình tu dưỡng chính bản thân mình”, Võ Diệu Thanh chia sẻ.

Cả hai nhà văn nữ đều đồng ý ở một điểm: khi người nữ viết văn thì hạnh phúc đối với họ là cái gì đó xa xỉ lắm, vì họ nhạy cảm quá, cho nên khó có ai đồng cảm và chia sẻ được.

Với gia đình cũng vậy, Võ Diệu Thanh cho rằng “nếu đòi đấu tranh cho công bằng thì không lẽ mình đấu tranh với ông trời vì đã sinh mình là nữ hay sao”, còn Kim Hòa thì cho biết khi người đàn ông không đồng cảm được thì thu xếp bằng cách: anh cứ đi ra ngoài, còn tôi ngồi ở nhà viết văn.

Và kinh nghiệm thu xếp của Võ Diệu Thanh cũng thật đáng kể. Đó là, “mình phải dang đôi tay ốm mà rộng của mình ra với người thân ở nhà, để trước hết, người nhà mình phải được chia sẻ, mình trở thành trụ cột tinh thần cho cả nhà. Thế rồi mọi người hiểu được rằng hóa ra trong nhà có một nhà văn cũng không tệ”.

Nhà văn Võ Diệu Thanh (giữa) và Kim Hòa (bên phải) giao lưu cùng bạn đọc - Ảnh: L.Điền
Nhà văn Võ Diệu Thanh (giữa) và Kim Hòa (bên phải) giao lưu cùng bạn đọc - Ảnh: L.Điền

Đề tài từ đâu

Nhà văn Võ Diệu Thanh quan niệm đề tài có ở khắp xung quanh mình. Có khi bắt gặp một cái liếc nhìn của ai đó, cô về nhà cũng xây dựng được thành một truyện ngắn.

Nhưng cũng có khi cô đi tìm gặp những nhân vật thật đặc biệt, thuộc loại “không đụng hàng” trong cuộc sống hàng ngày để xây dựng thành truyện.

Có khi vì cuộc sống mà trải qua những biến động, khó khăn, kẻ cả đối diện với nỗi sợ và lo lắng… Sau đó cô cũng xây dựng nên thành tác phẩm, truyện “17 cây số đường ma” ra đời sau những trải nghiệm như vậy.

Cũng viết về những người xung quanh, nhưng Kim Hòa tự nhận thấy thời gian qua cô viết nhiều về phụ nữ, về những mảnh đời nghèo, bất hạnh, những người lam lũ sống trong xóm nghèo ven sông, “chưa một lần biết thành phố là gì”.

Với Kim Hòa, có nhiều truyện lấy nhân vật từ nguyên mẫu ngoài đời. Một trong số đó là truyện Tay chị tay em, thật bất ngờ lại là một truyện mà Võ Diệu Thanh rất thích với cách viết tự thuật của một người khuyết tật nhưng tự tin và rất hồn nhiên đáng quý.

Võ Diệu Thanh thì cho biết truyền thống phương Đông có những cản ngại khi người nữ viết văn, chẳng hạn lúc bạn của chồng đến nhà thì mình chỉ làm cơm mời khách rồi rút vào nhà sau, “nhưng tôi thì không, tôi tham gia cùng bữa cơm với bạn của chồng để hy vọng được nghe những câu chuyện sinh động nào đó”.

Và mặc dù mọi người đều nhìn thấy người nữ thường phải gắn với chức phận làm mẹ và ràng buộc với gia đình nhiều hơn là đàn ông, nhưng Kim Hòa cho rằng nếu người nữ muốn viết văn thì phải vượt qua khỏi những giới hạn thiệt thòi đó, với cô, có khi viết là để giải tỏa những chất chứa trong lòng, đó cũng là một cách huy động và xử lý đề tài.

Võ Diệu Thanh cho rằng cô sẵn sàng viết về tất cả những gì nắm bắt được và cảm được, không có đề tài nào cản ngại người viết chỉ vì giới tính họ là nữ.

Vâng, nói như một bạn đọc, viết văn là làm đẹp cho đời, thế thì không lý gì phái đẹp lại không nhận đó là việc của mình. Cuộc trò chuyện này cũng là một gợi ý cho những bạn nữ trẻ đang theo đuổi con đường cầm bút viết văn hứa hẹn nhiều thú vị về sau…

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên