28/03/2017 11:03 GMT+7

Phải bỏ những quy định gây hại cho khoa học

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Trong khi Bộ GD- ĐT “nâng lên, đặt xuống” từng tiêu chuẩn, quy trình trong quy định chung về công nhận chức danh giáo sư (GS), nhiều chuyên gia lại cho rằng việc ban hành quy định “cứng” như ta đang làm là quá khác biệt và... kỳ lạ so với thế giới.

*** Error ***
Một PGS cầm trên tay chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước -  Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Lý do là ở nhiều nước tiên tiến, việc công nhận, bổ nhiệm chức danh GS chỉ là việc của các trường ĐH.

Đừng lấy số lượng át chất lượng

Tuy nhiên, khi trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TSKH Lê Tuấn Hoa - viện trưởng Viện Toán học - lại cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc đặt ra một tiêu chuẩn chung để công nhận chức danh GS trong nước là cần thiết.

“Hiện tại, trình độ khoa học giữa các cơ sở giáo dục ĐH chưa đồng đều, nên để đảm bảo chất lượng của các chức danh khoa học cần có quy định chung, không thể giao phó hoàn toàn cho các trường ngay được” - ông Hoa bày tỏ quan điểm.

Theo GS Hoa, những lần cải tổ các tiêu chuẩn học hàm gần đây cho thấy xu hướng ngày càng nâng cao yêu cầu với người được công nhận GS, PGS. Việc chuyển từ khuyến khích sang thành tiêu chuẩn bắt buộc - ứng viên của chức danh GS phải có bài báo quốc tế là một quyết định mạnh dạn.

Tuy nhiên, trên cơ sở đã phân chia nhóm ngành khác nhau thì cần đặt ra các tiêu chuẩn riêng rẽ, phù hợp cho từng nhóm ngành. Việc dùng một bộ tiêu chuẩn chung cho mọi ngành dễ làm cho một số yêu cầu rất quan trọng đối với ngành này lại là rào cản, thậm chí gây hại cho sự phát triển của ngành khoa học khác.

Bên cạnh tinh thần đổi mới với mong muốn nâng cao chất lượng chức danh GS, PGS, vẫn còn “không ít điểm của dự thảo coi trọng số lượng hơn chất lượng”. GS Hoa dẫn chứng: dự thảo yêu cầu ứng viên thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ là tác giả chính hoặc chủ biên ít nhất 1 cuốn sách phục vụ đào tạo là hoàn toàn không phù hợp.

“Với lĩnh vực khoa học tự nhiên, sách là thứ yếu, công trình khoa học mới là cốt lõi” - GS Hoa nhận định. Vì vậy, chỉ nên khuyến khích ứng viên viết sách bằng cách cộng điểm, chứ không nên đưa ra thành yêu cầu bắt buộc. Hậu quả của sự ép uổng này là dễ “đẻ” ra sách non, sách kém chất lượng.

“Tiêu chuẩn về sách là tiêu chuẩn ứng viên dễ dàng vượt qua. Thực tế, chỉ có một số ít người không vượt qua tiêu chuẩn này thì lại không phải vì năng lực kém, mà có khi chỉ vì đó là nhà khoa học “ngang ngạnh” - không muốn chỉ vì có bằng được chức danh mà cố thực hiện cho được một vài đầu sách.

Tại Hội đồng chức danh giáo sư (HĐCDGS) cơ sở Viện Toán học trong vòng 5-6 năm qua, chỉ duy nhất một ứng viên GS trượt tại hội đồng cơ sở, do không đạt tiêu chuẩn sách, lại là một chuyên gia toán học rất giỏi. Còn ở HĐCDGS ngành toán, trong vòng 5-6 năm qua, chưa có ứng viên nào bị trượt vì tiêu chuẩn này cả” - ông Hoa dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo GS Trần Văn Nhung - tổng thư ký HĐCDGS nhà nước, ngược lại với khoa học tự nhiên, trong các ngành khoa học xã hội - nhân văn, sách chuyên khảo được xem trọng hơn bài báo khoa học.

PGS.TS Phạm Văn Khoái - khoa văn học Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG Hà Nội - cũng khẳng định ở góc nhìn của chính các nhà khoa học nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, quan niệm về tiêu chuẩn phải là tác giả sách sẽ “gây hại cho khoa học” là hoàn toàn không đúng.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Kim Đỉnh - khoa lịch sử Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG Hà Nội - cho rằng: “Để được công nhận GS, PGS, dứt khoát phải có sách giáo trình, chuyên luận. Sách là nơi nhà khoa học thể hiện đầy đủ bản lĩnh và phương pháp nghiên cứu của mình”.

Đòi hỏi hướng dẫn nghiên cứu sinh, dễ phát sinh “lò tiến sĩ”?

Lo ngại này xuất phát từ dự thảo vẫn giữ quy định muốn được công nhận GS, ứng viên phải hướng dẫn chính nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Theo nhiều chuyên gia, các nước tiên tiến cũng không hề lấy tiêu chuẩn này để phong GS. GS.TSKH Hoàng Xuân Phú (Viện Toán học), người đã được bầu là viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học các nước thế giới thứ ba (TWAS) năm 2014, cho rằng cách làm của Việt Nam như vậy là khá ngược đời.

Ví dụ ở Đức, thường chỉ GS và PGS (được gọi chung là professor) mới đứng tên hướng dẫn nghiên cứu sinh, mặc dù trên thực tế nghiên cứu sinh có thể do một tiến sĩ trong nhóm tuyển chọn và trực tiếp hướng dẫn. Thông lệ ấy không chỉ để đảm bảo chất lượng đào tạo, mà còn nhằm bảo vệ quyền lợi của người học. Nếu GS, PGS không hướng dẫn trực tiếp thì phải chính thức đứng ra đảm bảo về chất lượng đào tạo và chịu trách nhiệm trước nhà trường và người học.

Việc đòi hỏi ứng viên GS, PGS phải hướng dẫn xong mấy tiến sĩ, thạc sĩ trước khi đăng ký chức danh khiến người học không đơn thuần là đối tượng để các GS, PGS đào tạo, mà còn trở thành... phương tiện để giúp các nhà giáo được phong GS, PGS!

“Quy định lạ đời ấy vừa thiếu tôn trọng người học, vừa góp phần hạ thấp chất lượng đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ (vốn dĩ đã quá thấp) ở VN.

Đơn giản, vì một số thầy cô muốn nhanh chóng đạt được tiêu chuẩn về hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học, để sớm được phong GS hay PGS, nên có thể diễn ra cảnh "vơ bèo vạt tép" để có học trò; nhận hướng dẫn cả loại quá kém, rồi viết luận án, luận văn và các bài báo khoa học thay cho học trò, hoặc mặc dù kết quả chưa đạt yêu cầu nhưng cũng coi như xong và cho bảo vệ.

Để phù hợp với thông lệ quốc tế, tôn trọng người học và hạn chế hiệu ứng tiêu cực nêu trên, cần phải loại bỏ đòi hỏi vô lý nói trên” - GS Phú nhấn mạnh.

Còn GS Ngô Việt Trung (nguyên viện trưởng Viện Toán học) cho rằng quy định này những năm qua đã tạo ra hàng loạt tiến sĩ có trình độ kém, gây phản cảm với dư luận. “Hiện đã có hiện tượng người vừa có bằng tiến sĩ đã lo đi đào tạo tiến sĩ để chuẩn bị trước cho việc đăng ký chức danh GS sau này” - GS Trung cảnh báo.

Tuy nhiên, không ít nhà giáo cho rằng đã là GS, PGS phải thể hiện trách nhiệm của mình với công tác đào tạo, tức là vẫn phải đặt ra hạn định hướng dẫn nghiên cứu sinh, đào tạo thạc sĩ…

Nhiều sách và giáo trình chất lượng kém

GS Ngô Việt Trung - Ảnh: NVCC

 

Trong những năm qua, yêu cầu viết sách trong tiêu chuẩn GS, PGS đã tạo ra hàng loạt sách và giáo trình chất lượng rất kém.

Người đọc không những không nâng cao được kiến thức mà còn có thể hiểu sai kiến thức nữa. Chưa kể, vì có quá nhiều sách nên những sách tốt lại không được dùng. Điều này rất có hại cho công tác giảng dạy và truyền bá kiến thức.

Tiêu chuẩn viết sách nhiều chỉ gây ra tình trạng viết ẩu mang tính đối phó, trong lúc việc viết một cuốn sách nghiêm chỉnh cần nhiều năm trải nghiệm giảng dạy và nghiên cứu.

GS Ngô Việt Trung

“Không thể coi là bình thường...”

Chỉ ra những bất cập của những tiêu chuẩn công nhận chức danh GS hiện hành, một nhà khoa học nêu một bằng chứng sống đầy nghịch lý:

GS Ngô Bảo Châu không đạt tới được bất cứ tiêu chuẩn nào trong số các tiêu chuẩn cứng để công nhận chức danh GS ở VN lâu nay: số điểm công trình, số tiến sĩ đã đào tạo, sách chuyên khảo, số giờ đứng lớp hằng năm và thâm niên đào tạo liên tục...

Trong khi đó, lại có những người được công nhận GS vì đạt tất cả các tiêu chuẩn cứng đó, nhưng lại không chủ biên được một bài báo chuẩn quốc tế nghiêm túc nào.

GS Hoàng Xuân Phú - Viện Toán học - khẳng định: “Không thể coi là bình thường, là lành mạnh, nếu những người đã được hoặc có thể được bổ nhiệm GS tại các trường ĐH hàng đầu thế giới lại không thỏa mãn tiêu chuẩn GS của VN, và nếu có được bổ nhiệm GS tại VN thì cũng phải mang danh đặc cách hay ngoại lệ”.


 

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên