Phóng to |
Ông Yukio Nakano giới thiệu nội dung trong “Giấc mơ của bóng đá Nhật” - một vật bất ly thân của các nhà quản lý bóng đá nước này - Ảnh: T.Phúc |
1. Giấc mơ vô địch World Cup 2050
Ông Nakano bảo rằng mình cũng có nghe về câu chuyện những người làm bóng đá Nhật Bản trong thập niên 1960 đã từng ví bóng đá Nhật chỉ là một chếc giày nhỏ so với bóng đá VN (chuyện này báo chí VN từng nhắc nhiều qua lời kể của cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang). Và ông không giấu vẻ tự hào khi sau nửa thế kỷ thì mọi chuyện đã khác hẳn. Ông nói: “Cần phải biết ước mơ và dám thực hiện ước mơ của mình.
Trước năm 1980, bóng đá Nhật Bản rất yếu và chính quyển truyện tranh Tsubasa đã khích lệ tình yêu bóng đá trong giới thanh thiếu niên Nhật Bản, nuôi dưỡng trong họ ước mơ vô địch thế giới”. Nói đến đấy, ông dừng lại và lấy từ trong túi áo của mình ra một mảnh giấy nhỏ như tờ lịch bỏ túi được gấp đôi. Trên đó có ghi “Dream 2050” và nội dung về mục tiêu của bóng đá Nhật đến năm 2050, khi ấy Nhật sẽ tổ chức World Cup lần thứ hai và... vô địch.
Chúng tôi hỏi có tự tin quá không về mục tiêu này thì ông Nakano cười bảo: “Dĩ nhiên là khó, nhưng tất cả những ai đang làm bóng đá ở Nhật đều phải nghĩ đến điều đó, phải nỗ lực vì điều đó. Mười năm trước có ai nghĩ bóng đá nữ Nhật Bản vô địch thế giới đâu? Hay ở thập niên 1980 mà bảo rằng 30 năm sau bóng đá Nhật đứng đầu châu Á, xếp hạng 24 thế giới thì hẳn cũng bị cho là viển vông. Chẳng ai cấm chúng ta ước mơ, nhưng phải thể hiện được nỗ lực để thực hiện ước mơ, chứ không phải đặt ra mục tiêu rồi khoanh tay ngồi ngắm. Chính vì vậy, trong túi của tất cả người làm bóng đá ở Nhật đều luôn có mảnh giấy này để nhắc nhở mọi người.
2. Sao ai cũng hỏi bằng cấp?
Chúng tôi hỏi ông Nakano rằng ông từng học trường nào để có thể trở thành một nhà quản lý bóng đá giỏi, ông đã cười lớn...
Hay tháp tùng cùng ông Nakano trong chuyến đi cùng đội Fukuoka đến Bình Dương thi đấu có ba thành viên của Công ty Data Stadium - một đối tác của bóng đá Nhật, chuyên làm nhiệm vụ thống kê tất tần tật các số liệu nhằm phục vụ công tác tư liệu của Liên đoàn Bóng đá Nhật, dữ liệu cho các huấn luyện viên trong công tác huấn luyện, và cả bán cho báo chí nhằm làm cơ sở để bình luận... Ông Ryotaro Hiyama, giám đốc Data Stadium, cũng đã cười lớn khi nghe chúng tôi hỏi rằng những người làm việc này là học từ trường nào ra, đại học thể thao hay chuyên ngành công nghệ thông tin?
Cả ông Nakano lẫn ông Hiyama đều tỏ ra ngạc nhiên khi hỏi lại: Sao người Việt Nam nào cũng hỏi chúng tôi rằng làm việc này thì học trường nào, bằng cấp gì. Chúng tôi không quan tâm đến chuyện đó. Chúng tôi chỉ cần lòng đam mê và năng lực làm việc, và khi tuyển người làm việc thì chúng tôi chỉ phỏng vấn để tìm hiểu xem những ai đáp ứng được hai yếu tố đó, sau đó họ sẽ được chỉ bảo và tự học hỏi để làm tốt công việc của mình.
Ông Nakano kể: “Nhiều người VN khi trò chuyện với tôi cũng hỏi rằng tôi có học gì về bóng đá không. Tôi bảo rằng mình chỉ có trái tim yêu bóng đá và cái đầu điều hành bộ máy. Giúp việc cho tôi có bốn phó tổng giám đốc phụ trách bốn mảng chuyên môn về bóng đá, tài chính, đào tạo trẻ, tiếp thị”.
3. Không ai làm thay được chúng ta
Liên đoàn Bóng đá VN cũng như Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) đã chọn Nhật làm đối tác để học hỏi, xây dựng theo mô hình bóng đá nước này. VPF và J-League đã ký hợp đồng hợp tác, trao đổi. Và được biết đã có đề nghị từ phía VN về việc J-League hỗ trợ chuyên gia về quản lý, điều hành bóng đá.
Phát biểu về điều này, ông Nakano nói: “Việc cử một người giỏi về điều hành bóng đá sang giúp VN là điều chúng tôi sẵn sàng. Nhưng tôi khuyên các bạn VN rằng không cần phải làm như vậy. Bóng đá tuy chỉ là một trò chơi, nhưng thực tế rất phức tạp vì liên quan nhiều đến vấn đề văn hóa, tính cách một dân tộc, kinh tế, xã hội...
Vì vậy, cách hay nhất vẫn là bản thân mình phải tự tìm lấy một con đường đi phù hợp. Bản thân bóng đá Nhật cũng thế, chúng tôi đi học ở Anh, Đức, Brazil, Tây Ban Nha... nhưng chẳng thể rập khuôn theo ai cả, mà phải tìm lấy những cái hay để đúc kết, tạo nên mô hình phù hợp cho bóng đá Nhật. Chẳng ai làm thay được chúng ta cả...”.
Nội dung trong Giấc mơ bóng đá mà các thành viên Liên đoàn Bóng đá Nhật (JFA) luôn mang bên mình. Phương châm của JFA Hình thành một nền văn hóa thể thao hưng thịnh thông qua bóng đá. Góp phần tạo nên một xã hội lành mạnh bởi người người có tinh thần, sức khỏe lành mạnh. Mục tiêu của JFA Phổ cập bóng đá, làm cho môn thể thao này đi vào lòng người, tạo dựng một môi trường yêu thương, hạnh phúc bởi bóng đá - vì bóng đá. Đội tuyển bóng đá Nhật Bản tham gia các giải đấu quốc tế là để giúp con người có dũng khí, có hi vọng vào cuộc sống. Đội tuyển phải mang tinh thần, phong cách fair-play để tạo nên tình yêu với người hâm mộ trong nước và cả sự ngưỡng mộ của thế giới. Đến năm 2015 Hai mục tiêu của JFA đến năm 2015: 1- Hội những người yêu bóng đá Nhật đạt 5 triệu người. 2- Tuyển Nhật vào tốp 10 thế giới. Đến năm 2050 Hãy chia sẻ niềm hạnh phúc, cùng nhau hướng đến hai mục tiêu: 1- Hội những người yêu bóng đá đạt 10 triệu người 2- Nhật Bản lần thứ hai tổ chức VCK World Cup và đoạt cúp vô địch. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận