Vợ chồng Phạm Thành Long và Vũ Thị Diệp - Ảnh: PC45 cung cấp
Ngày 7-1, đội hình sự đặc nhiệm (đội 3) Phòng cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP.HCM, cho biết đã phối hợp lực lượng Công an huyện Củ Chi, phá đường dây tàng trữ, mua bán trái phép các loại công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ quy mô lớn.
Đường dây này do vợ chồng Phạm Thành Long (34 tuổi) và Vũ Thị Diệp (28 tuổi, cùng ngụ TP Hải Phòng) giữ vai trò cầm đầu.
Hơn 7.000 vũ khí các loại
Theo đội 3- PC45, thời gian qua trên mạng xã hội xuất hiện việc mua bán công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ khác nên các trinh sát lần theo và phát hiện một đường dây buôn bán "khủng". Lãnh đạo PC45 nhận định phải phá án sớm để hạn chế thấp nhất nguồn hàng tuồn ra bên ngoài gây nguy hiểm cho xã hội.
Sau một thời gian cử trinh sát đeo bám thu thập hồ sơ, lúc 23h ngày 5-1, trinh sát đội 3-PC45 phối hợp lực lượng Công an huyện Củ Chi, tiến hành kiểm tra hành chính căn nhà số 5A đường số 23, ấp Tân Định (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) do Diệp đứng tên thuê nguyên căn.
Một số loại súng bị thu giữ - Ảnh: PC45 cung cấp
Do chuẩn bị kỹ lưỡng và bất ngờ kiểm tra nên vợ chồng Long, Diệp và những người liên quan không kịp trở tay. Qua kiểm tra sơ bộ, nguồn hàng đã lên đến hơn 7.000 các loại công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ như: súng điện, roi điện, bịt xit hơi cay, bình gas CO2, giũ 3 khúc, đao, kiếm, mã tấu, dao, lê…
Số lượng công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ nhiều đến mức, một trinh sát cho biết: "Đối tượng Long từng tuyên bố, chỉ cần lấy nửa kho hàng vũ khí của Long là phát đủ cho mỗi người dân của huyện Củ Chi".
Sau khi tiến hành lập biên bản tang vật, phương tiện và đối tượng liên quan, đội 3-PC45 đã bàn giao toàn bộ cho Công an huyện Củ Chi, tiếp tục mở rộng điều tra, phối hợp xử lý theo thẩm quyền.
Hoạt động tinh vi
Qua đấu tranh khai thác, Diệp khai nhận đầu tháng 7-2017, Diệp bắt đầu mua bán công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ. Thời gian này, Diệp chỉ mua bán súng bắn điện và roi điện với số lượng ít, thông qua một số mối nhỏ lẻ trên mạng xã hội.
Đến tháng 9-2017, Diệp quen biết một người phụ nữ ở một tỉnh biên giới phía Bắc có rất nhiều hàng cung cấp. Từ đó, Diệp liên hệ "người phụ nữ phía Bắc" để mua các loại công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ với số lượng rất lớn bán kiếm lời.
Nhiều loại vũ khí thô sơ bị thu giữ - Ảnh: PC45 cung cấp
Diệp khai nhận đã mua bán các loại công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ với "người phụ nữ phía Bắc" nhiều lần với số tiền khoảng 700 triệu đồng. Phương thức giao dịch là Diệp sẽ chuyển tiền trước qua nhiều tài khoản ngân hàng. Sau đó nguồn hàng đóng thành từng thùng chuyển vào TP.HCM.
Nguồn hàng được vận chuyển tinh vi bằng đường bộ và đường sắt. Hàng được gởi theo kiện và ghi loại hàng hóa khác nên khó ai biết kiểm tra. Riêng súng bắn gas, bắn bi thì được ngụy trang trong máy nước nóng lạnh nên khó phát hiện.
Long phụ vợ nhận hàng từ "người phụ nữ phía Bắc" chuyển vào TP.HCM. Sau đó Long phân phối các vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ cho nhiều "chân rết" khác buôn bán trên thị trường mạng xã hội cho những khách hàng có nhu cầu.
Quá trình giao nhận hàng, vợ chồng Long không ra mặt mà cử người đi giao và khó lòng trinh sát đeo bám tìm ra kho hàng. "Đeo bám vài tháng, chuẩn bị tìm được kho hàng thì vợ chồng Long lại dời địa điểm khác", một trinh sát chia sẻ.
Nhiều công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ - Ảnh: PC45 cung cấp
Nhiều công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ - Ảnh: PC45 cung cấp
Lợi nhuận cao
Theo đội 3-PC45, đường dây này có bán cho một số người mua để phòng thân như roi điện, bình xịt hơi cay. Tuy nhiên, nguồn mua phần lớn là dân "đầu gấu", những băng nhóm tiềm ẩn phạm tội.
Lợi nhuận từ việc buôn bán các loại công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ là rất cao. Chẳng hạn, một giũ 3 khúc lấy giá 90.000 -150.000 đồng nhưng bán lại khoảng 400.000 - 800.000 đồng; súng bắn gas, bắn bi lấy giá 1,5 - 4 triệu đồng nhưng bán lại khoảng 6-11 triệu đồng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận