12/10/2007 06:10 GMT+7

Phá bỏ các đập trên sông Hương: Nên hay không?

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Có ý kiến cho rằng đã đến lúc xem xét việc phá dỡ những đê đập để khai thông cho tất cả các dòng sông quanh Huế.

Jk7qfS3X.jpgPhóng to

Đập Đá đã chặn đứng dòng chảy nối thông, tạo nên những bãi bồi phía sông Hương, và sông Như Ý (bên trái) trở thành cái hồ tù đọng

TT - Có ý kiến cho rằng đã đến lúc xem xét việc phá dỡ những đê đập để khai thông cho tất cả các dòng sông quanh Huế.

Từ TP Huế về hạ lưu, ngoài nhánh chính chảy về phá Tam Giang rồi đổ ra cửa Thuận An, sông Hương còn có nhiều chi lưu với hàng chục con sông, hói, kênh đào dẫn nước từ sông Hương đổ về vùng đồng bằng phía bắc, đông, nam và về vùng đầm phá của tỉnh Thiên Thiên - Huế. Hệ thống sông ngòi chằng chịt này bao gồm sông tự nhiên được chỉnh trị trong lịch sử như sông Như Ý, An Cựu, Phổ Lại, Đại Giang, Thiệu Hóa... một số là sông đào như: Đông Ba, An Hòa, Kẻ Vạn...

Những dòng sông "chết"

Trên các con sông này, hiện có đến hàng chục đập ngăn giữa dòng chảy và giữa các sông với nhau. Quen thuộc nhất là Đập Đá nằm ở trung tâm TP Huế được xây dựng khoảng đầu thế kỷ 20 chắn ngang đầu dòng sông Như Ý chảy từ sông Hương về vùng Hương Thủy và Phú Vang. Đập Phú Cam được xây dựng năm 1977, chắn đầu dòng sông An Cựu chảy từ sông Hương về sông Đại Giang ra đầm Cầu Hai. Đập La Ỷ xây dựng từ năm 1998 chắn ngang đầu dòng sông Phổ Lợi chảy từ sông Hương về đầm Thanh Lam. Đập Hậu xây dựng trong thời thuộc Pháp chắn ngang dòng sông An Hòa chảy quanh Kinh thành Huế...

j0j50NcK.jpgPhóng to

Sông sẽ trở lại trạng thái tự nhiên?

TS Hồ Ngọc Phú (ảnh), chuyên gia cao cấp về thủy lợi, thủy điện - người đã nghiên cứu rất kỹ hệ thống sông Hương, từng là phó trưởng Ban quản lý Dự án sông Hương, khẳng định:

Cùng với hồ Tả Trạch giữ vai trò chính ngăn lũ, thủy điện Bình Điền cũng có giảm lũ 30 - 40 triệu m3 nên Huế sẽ cắt giảm được đỉnh lũ từ 1,2 - 1,4m so với hiện nay, và hoàn toàn cắt được lũ tiểu mãn cũng như lũ đầu vụ. Thậm chí khi Tả Trạch hoạt động sẽ không cần đến đập Thảo Long ngăn mặn nữa, vì sông Hương sẽ được cấp đủ nước, mặn sẽ không bao giờ lên tới ngã ba Sình. Do đó nếu ba hồ đầu nguồn hoàn thành, hoàn toàn có thể đập bỏ tất cả các đập trên hệ thống hạ nguồn sông Hương, nhưng phải giữ lại những đập ngăn các kênh rạch từ ruộng đồng chạy ra đầm phá để đảm bảo giữ ngọt cho ruộng đồng ven phá.

Khi nối thông, hệ thống sông Huơng trở về trạng thái gần như tự nhiên. Lúc ấy, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ có hệ thống sông ngòi chằng chịt được nối thông nhau, sẽ càng đảm bảo nước tưới tiêu, giải quyết vấn đề môi sinh môi trường, nước sinh hoạt cho người dân và giải quyết vấn đề giao thông bằng đường thủy...

Tất cả các con đập nói trên đều được xây dựng nhằm mục đích ngăn mặn cho sông Hương vào mùa hè và chống lũ tiểu mãn, lũ đầu vụ, đảm bảo mùa màng cho khoảng 20.000 ha ruộng đồng vùng hạ lưu và là 3/4 diện tích ruộng đồng trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Nhưng các các con đập cũng làm cho các dòng sông quanh Huế trở thành sông chết. Thuyền bè không thể đi lại trên các sông này, bỏ phí hàng chục tuyến giao thông đường thủy có thể nối thông tất cả vùng đồng bằng của tỉnh Thừa Thiên - Huế lại với nhau. Tình trạng "chết dần chết mòn" của các dòng sông mới là điều báo dộng. Sông An Cựu sau rất nhiều lần chống xói lở, nạo vét, nhưng do nước lưu thông rất hạn chế nên đang cạn dòng, nhiều đoạn bãi bồi lấn ra gần đến giữa sông. Các kênh, hói Bảy Xã, Năm Xã, Mộc Hàn - Phú Khê, Nam Phổ... phần lớn trở thành "hồ" chứa nước thải và rác của cư dân, nước chuyển màu sang đen, thường bốc mùi vào mùa nắng, ô nhiễm nghiêm trọng. Tất cả các sông đều bị bèo lục bình và cỏ rác phủ dày đặc trên bề mặt.

Kết quả điều tra của Sở tài nguyên môi trường Thừa Thiên - Huế và của Trung tâm Tài nguyên, môi trường và công nghệ sinh học của Đại học Huế gần đây cho thấy hầu hết các con sông đều ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều chất độc hại có chỉ số cao gấp hàng chục lần mức cho phép.

Cần nghiên cứu tòan diện

Ở ba nhánh sông vùng đầu nguồn sông Hương, hồ Tả Trạch với dung tích 509 triệu m3 nước sẽ hoàn thành vào khoảng năm 2011-2012; thủy điện Bình Điền trên nhánh Hữu Trạch dung tích 470 triệu m3 nước và thủy điện Hương Điền trên sông Bồ dung tích 800 triệu m3 nước, dự kiến chặn dòng vào khoảng năm 2009. Ở hạ nguồn, từ tháng 4 - 2006, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa đập Thảo Long vào hoạt động với nhiệm vụ chính ngăn mặn và giữ ngọt.

Vì lẽ đó, nhiều chuyen gia về dòng chảy cho rằng, đã đến lúc cần khơi thông và kết nối trở lại cho tất cả các dòng chảy trên khắp vùng đồng bằng rộng lớn của hệ sông Hương bằng cách phá bỏ tất cả các đập đang chặn và khơi thông các dòng sông.

TS Hà Văn Hành (khoa Địa lý - địa chất, ĐH Khoa học Huế, cho rằng: "Đập bỏ hay không còn phải tùy thuộc vào cơ chế vận hành của các hồ chứa, thủy điện vùng đầu nguồn. Để được xây dựng, trước đó chủ đầu tư nào cũng cố gắng chứng minh công trình mình tốt để thuyết phục cơ quan chức năng.

Thủy điện Bình Điền và Hương Điền có chức năng chính là phát điện. Ai đảm bảo vào tháng tư mùa thiếu điện, hai thủy điện này không xả tối đa để hòa điện vào mạng, sẽ làm giảm lượng nước vào các tháng tiếp theo. Còn đập Thảo Long đã chống mặn tuyệt đối cho vùng đồng bằng hạ lưu sông Hương, nhưng tôi lo là chỉ về mặt lý thuyết thôi".

Cùng ở khoa địa lý - địa chất, TS Trần Hữu Tuyên, góp ý: "Nếu hồ Tả Trạch và hai thủy điện "bắt tay nhau" điều tiết nước hợp lý cho vùng hạ lưu thì việc phá bỏ các đập là được. Tất nhiên, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có một công trình nghiên cứu toàn diện, sau khi ba hồ chứa nước đầu nguồn hoàn thành; xem mức nước chênh lệch giữa mùa mưa, mùa khô như thế nào; khả năng nhiễm mặn có xảy ra nữa không; vùng đồng bằng, dân chúng ảnh hưởng hay hưởng lợi như thế nào...

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên