![]() |
PGS.TS Phan Thị Tươi và sinh viên ĐH Bách khoa trong ngày khai giảng năm học 2007-2008 |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
- Khi bắt đầu làm hiệu trưởng, tôi thấy số lượng giảng viên của trường quá ít trong khi khối lượng giảng dạy lại quá nhiều. Rồi chuyên viên làm công tác hành chính ít người có nghiệp vụ chuyên môn. Công việc đầu tiên tôi xắn tay vào làm là xây dựng - bồi dưỡng - đào tạo đội ngũ giảng viên, chuyên viên, sau đó rà soát và thiết lập tất cả những qui định, qui chế để mỗi cán bộ, nhân viên trong trường biết được mình có trách nhiệm gì, quyền lợi ra sao, làm việc theo hệ thống quản lý chuẩn mực nào...
* Có nhiều ý kiến cho rằng từ khi bà làm hiệu trưởng đến nay, ĐH Bách khoa TP.HCM đã mang một diện mạo mới sáng sủa hơn. Thưa bà, diện mạo ấy được ghi bằng những dấu ấn nào?
- Cách nay năm năm, ĐH Bách khoa chỉ có gần 50% cán bộ giảng dạy đạt trình độ sau đại học, bây giờ tỉ lệ ấy đã lên 67%, số lượng cũng tăng lên gần 900 người. Ngoài việc đưa giảng viên đi học nước ngoài, trường còn tuyển giảng viên từ nhiều nguồn: giáo sư Việt kiều, nghiên cứu sinh mới ở nước ngoài về, sinh viên giỏi trong và ngoài trường...
Ngày trước, giảng viên đi dạy nhiều quá, ít nghiên cứu, tôi đã đề nghị mỗi năm khi tổng kết công tác, mỗi giảng viên phải có công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Rồi quan hệ quốc tế cũng không dừng ở việc xin học bổng mà trường đã tiến tới hợp tác nghiên cứu khoa học. Đến nay, trung bình mỗi tháng ĐH Bách khoa có khoảng mười đoàn khách nước ngoài đến trường để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Trường còn chủ động đăng cai tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế, làm chi nhánh cho các tạp chí khoa học nước ngoài...
"Ở cơ quan mình làm thủ trưởng, nhưng về nhà phải cởi bỏ “cái áo” thủ trưởng ấy ra để làm vợ, làm mẹ. Tôi học nấu ăn, may vá qua sách. Tôi vẫn vào bếp tự tay nấu bữa tối cho cả gia đình. Việc nấu nướng chiếm nhiều thời gian thật đấy, nhưng với tôi, nó tạo cho gia đình không khí ấm cúng, chan hòa." |
Bắt đầu từ năm 2001, ĐH Bách khoa bắt tay vào việc sửa sang khuôn viên lớp học, bổ sung nhiều đầu sách cho thư viện, xây dựng phòng đọc mở, cho SV mượn sách về nhà, trang bị máy móc phục vụ việc dạy và học...
Đến nay, ngoài những dãy phòng học khang trang, hiện đại, trường đã có 13 phòng thí nghiệm chiều sâu, hai phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia (mỗi phòng trị giá 4 triệu USD), 100% phòng học đều được trang bị các loại máy móc để giảng dạy bằng giáo án điện tử. Đó là những nỗ lực nhằm cải tiến môi trường học tập cho sinh viên, là một trong những đòn bẩy giúp nâng chất lượng đào tạo, giúp sinh viên Bách khoa ba lần vô địch cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương.
* Một phụ nữ lại quản lý một trường ĐH chuyên về kỹ thuật, để thành công chắc phải có bí quyết nào đó?
- Tôi không thích cách làm việc kiểu "dĩ hòa vi quí”, những gì làm lợi cho nhà trường thì tôi làm, có những người rất thân nhưng sai phạm thì tôi cũng không bao che. Dĩ nhiên, trong quá trình thực hiện quan điểm ấy, tôi cũng phải đấu tranh. Tôi nghĩ nhà quản lý phải có nghệ thuật thuyết phục và tập hợp mọi người. Khi người ta thấy mình làm việc vì cái chung thì họ sẽ ủng hộ thôi.
Ngoài công việc quản lý, tôi vẫn tham gia công tác giảng dạy, vẫn nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh và vẫn nghiên cứu, viết bài cho các tạp chí khoa học. Phong cách làm việc của tôi là cái gì cũng phải rõ ràng, tôi làm vì nhà trường và mọi người cùng làm với tôi. Nhiều người cho rằng tôi cương quyết và cứng rắn hơn cả đàn ông (cười).
* Xin phép được hỏi một câu hơi tò mò: Bà sắp xếp công việc gia đình như thế nào? Theo bà, muốn giữ hạnh phúc gia đình, người nữ cán bộ quản lý cần phải làm gì?
- Trong đời thường, tôi rất phụ nữ (cười), rất thích nữ công gia chánh. Ở cơ quan mình làm thủ trưởng, nhưng về nhà phải cởi bỏ "cái áo" thủ trưởng ấy ra để làm vợ, làm mẹ. Tôi học nấu ăn, may vá qua sách. Suốt những năm tháng du học (TS Phan Thị Tươi từng học đại học và nghiên cứu sinh ngành máy tính ở Tiệp Khắc - PV), tôi tự may quần áo, đan khăn, mũ, áo lạnh... cho mình. Mười năm làm hiệu trưởng ĐH Bách khoa, cứ 7g sáng tôi ra khỏi nhà và 7g tối rời trường về nhà. Thế nhưng, tôi vẫn vào bếp tự tay nấu bữa tối cho cả gia đình.
Những bữa có tiệc tùng, tôi chỉ dự phần nghi lễ ban đầu rồi mau mau về nhà ăn cơm với chồng con. Việc nấu nướng chiếm nhiều thời gian thật đấy nhưng với tôi, nó tạo cho gia đình không khí ấm cúng, chan hòa. Công việc khiến tôi đi sớm về trễ, nhiều lúc còn bị stress vì áp lực công việc. Những lúc như thế, ông xã của tôi luôn động viên: đã nhận ra mình đúng thì cứ cương quyết mà làm, đừng vì cái này cái kia mà lùi bước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận