26/05/2011 07:30 GMT+7

Parabens còn gây tranh cãi

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC (Đại học Y dược TP.HCM)
PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC (Đại học Y dược TP.HCM)

TT - Trước thông tin 400 dược mỹ phẩm chứa chất gây ung thư là parabens của báo Le Monde (Pháp), chúng tôi xin đăng tải ý kiến của hai dược sĩ về hóa chất vốn được dùng khá phổ biến này.

PoRTK4QE.jpgPhóng to
Các loại thuốc đang bị theo dõi ở Pháp - Ảnh: AFP

Danh sách 400 dược mỹ phẩm chứa chất gây ung thư400 dược mỹ phẩm chứa chất gây ung thư

Parabens là tên gọi chung một số hóa chất được dùng làm chất bảo quản sát khuẩn trong mỹ phẩm, dược phẩm, kể cả một số ít thực phẩm. Parabens được tạo ra bằng cách thực hiện phản ứng ester hóa acid p-hydroxybenzoic.

Thí dụ như một paraben thông dụng là methylparabens được điều chế bằng phản ứng ester hóa acid p-hydroxybenzoic với rượu methanol. Ngoài methyparabens còn có một số parabens khác được sử dụng như butylparaben, ethylparaben, propylparaben...

Tác dụng sát khuẩn

Các parabens có tác dụng sát khuẩn (tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn khác nhau) và diệt nhiều loại vi nấm. Thông thường trong sử dụng, người ta phối hợp hai paraben trở lên. Thí dụ như phối hợp 0,18% methylparabens, 0,02% propylparabens để làm chất bảo quản sát khuẩn trong nhiều loại thuốc tiêm chích và nhận thấy phối hợp như thế tác dụng sát khuẩn sẽ mạnh hơn.

Ngoài phối hợp các parabens với nhau, người ta còn phối hợp parabens với một số hóa chất khác nhằm tăng tác dụng sát khuẩn, thí dụ phối hợp các parabens với 2-5% propylene glycol.

Cho đến khi báo chí đưa tin Cơ quan An toàn sức khỏe của Pháp đang hợp tác với nhiều hãng dược để nghiên cứu về tính độc hại của các parabens vì nghi ngờ các chất bảo quản này có khả năng gây ung thư vú ở phụ nữ và gây vô sinh ở nam thì trước đó, các parabens được ghi nhận có độc tính cấp và trường diễn thuộc loại rất thấp, gần như không tác hại nào đáng kể và thuộc loại chất bảo quản dùng lâu đời.

Người ta đã xác định methylparaben dùng với nồng độ 0,05-0,25% gần như không gây tác hại nào. Có tài liệu ghi nhận methylparaben có trong thiên nhiên, được tìm thấy trong một số trái cây. Được dùng trong dược phẩm, đặc biệt là thuốc tiêm với liều lượng thích hợp chứng tỏ parabens được nghiên cứu chứng minh là an toàn để sử dụng. Methylparaben được chứng minh dùng trong thuốc tiêm khi tiêm vào người được chuyển hóa thành chất acid p-hydoxybenzoic và được đào thải trọn vẹn qua đường tiểu không gây phản ứng có hại.

Người bệnh khoan vội bỏ thuốc

Theo thông tin của báo chí, hiện nay các parabens chỉ bị nghi ngờ gây ung thư vú ở phụ nữ và gây vô sinh ở nam giới. Rất cần các nghiên cứu khoa học có sức thuyết phục khẳng định mối nghi ngờ này. Trong khi chờ đợi một kết luận khoa học xác đáng về các parabens, người tiêu dùng không nên lo lắng quá đáng về các parabens dùng trong dược phẩm. Bởi vì các parabens chưa bị cấm một cách chính thức, một số dược phẩm có thể chứa các chất này.

Người bệnh vì sự cần thiết của việc điều trị vẫn nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đừng vì quá lo lắng mà bỏ việc dùng thuốc, tác hại của parabens đâu chưa thấy mà người bệnh có thể bị nguy hiểm do ngưng thuốc, bệnh không được chữa trị đúng đắn.

Đối với mỹ phẩm, hãy dùng khi thật sự cần thiết, nếu có sự nghi ngờ về độ an toàn (không chỉ parabens mà còn có thể có các chất nghi ngờ độc hại khác) tốt nhất không sử dụng.

Gây dị ứng da

Một phản ứng có hại của parabens là gây phản ứng dị ứng đối với da và niêm mạc trong trường hợp các chất bảo quản này được dùng trong sản phẩm bôi ngoài da.

Riêng methylparaben dùng trong sản phẩm 5% chứa trong propylene glycol cho tới nay được ghi nhận không gây phản ứng dị ứng ngoài da. Nhưng methylparaben dùng trong sản phẩm bôi ngoài da khi tiếp xúc với tia cực tím (UVB) sẽ làm hiện tượng lão hóa da nhiều hơn. Các parabens đều được ghi trong dược điển các nước như Anh, Mỹ... (được ghi trong dược điển nghĩa là được chấp nhận sử dụng trong dược phẩm).

____________________

Parabens “tả xung hữu đột” từ dầu gội đầu, gel cạo râu, kem đánh răng cho tới thực phẩm, thuốc men... Nói một cách “màu mè” hóa học thì parabens là những ester của para-hydroxybenzoic acid. Những loại parabens thông dụng được thấy ghi trên các nhãn sản phẩm bao gồm methylparaben (ký hiệu E218), ethylparaben (E214), propylparaben (E216)... Trong ngành chế biến thực phẩm, parabens được đưa vào thực phẩm cách nay hơn 50 năm.

Nhiều nghiên cứu cho thấy paraben có thể gây ra những xáo trộn estrogen nên một số công ty, hãng xưởng “ngoan ngoãn” tự cắt giảm lượng parabens trong sản phẩm của họ. Những nghiên cứu này đã chỉ ra “mặt tối” của parabens bao gồm:

Phản ứng dị ứng: đối với da bình thường parabens không gây kích ứng và không gây mẫn cảm da. Tuy nhiên sẽ gây kích ứng trên những người bị dị ứng với parabens.

Ung thư vú: parabens có thể “nhái” hormon estrogen vốn làm ngòi nổ cho sự phát sinh ung thư vú. Parabens cũng tìm thấy trong các ung bướu vú, vì vậy các nhà nghiên cứu khuyên nên thận trọng khi xịt các sản phẩm khử mùi hay bôi lotion có chứa parabens ở gần ngực hoặc trên ngực. Tuy nhiên, những nghiên cứu về tác hại gây ung thư vú của parabens vẫn còn gặp nhiều tranh cãi.

Tác động lên hệ sinh sản của giống đực: một nghiên cứu được thực hiện tại Nhật cho thấy tiếp xúc với parabens sẽ tác động lên sự tiết testosterone cũng như những chức năng tổng quát về hệ sinh sản ở chuột đực. Tuy nhiên đây chỉ là thí nghiệm trên thú vật.

Lão hóa da: nhiều nghiên cứu cho thấy khi thoa các mỹ phẩm có chứa methylparaben lên da có thể phản ứng với tia UVB làm da bị lão hóa nhanh chóng, đồng thời gây tổn hại ADN.

Theo ước tính, trong cuộc sống hiện đại một người “sành điệu” sẽ “lai rai” khoảng 77,5mg cho một ngày, lượng parabens này được tính từ tất cả mọi nguồn từ mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm. Riêng thực phẩm được ước tính là 2,5mg/ngày, các sản phẩm chăm sóc cơ thể và mỹ phẩm là 50mg/ngày và dược phẩm, thực phẩm chức năng là 25mg/ngày.

Vì “nghi án” gây ung thư nên các nhà y học khuyên người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm không chứa parabens. Những sản phẩm này sẽ ghi một câu “ăn tiền” là không chứa paraben (paraben - free).

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC (Đại học Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên