08/04/2013 19:10 GMT+7

Ông Vươn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Văn Khanh

MINH QUANG
MINH QUANG

TTO - Chiều 8-4, Hội đồng xét xử vụ án hủy hoại tài sản nhà ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý tiếp tục phần xét hỏi đối với bị cáo Lê Văn Hiền, các nhân chứng và bị hại...

Xét xử vụ phá nhà ông Đoàn Văn Vươn:

Xét xử vụ phá nhà ông Đoàn Văn VươnToàn cảnh vụ Tiên Lãng

jq8WfFEz.jpgPhóng to
Bị cáo Nguyễn Văn Khanh (ảnh chụp qua màn hình) - Ảnh: Minh Quang

Tại phần xét hỏi, các bị hại đều không đồng ý với mức định giá bồi thường thiệt hại do Hội đồng định giá tài sản đưa ra. Tại tòa, bị hại Đoàn Văn Vươn tỏ ra thông cảm và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Văn Khanh.

Trả lời HĐXX, bị cáo Lê Văn Hiền thừa nhận mình đã có hành vi thiếu trách nhiệm dẫn đến vụ việc cưỡng chế hôm 5-1 và hủy hoại tài sản của gia đình ông Vươn.

Bị cáo Hiền cho rằng việc thông báo dừng đầu tư trước khi kết thúc thời điểm giao đất và quyết định thu hồi đất sau khi hết hạn giao đất là đúng. Việc thu hồi đất không bồi thường được thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai. Bị cáo cũng nhấn mạnh đến thời điểm cho thuê đất chưa có hộ nào khác xin thuê đất.

Bị cáo Hiền cho rằng trong các quyết định thực hiện cưỡng chế không nói đến việc phá dỡ tài sản trên đất nhưng lại thừa nhận việc ký quyết định trưng dụng cán bộ cưỡng chế có căn cứ thông báo 225 do bị cáo Nguyễn Văn Khanh (khi đó là trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế) ký có nêu nội dung phá dỡ.

Tại tòa, ông Vươn cảm ơn gia đình bị cáo Nguyễn Văn Khanh và văn phòng luật sư đã hỗ trợ xây dựng bể nước cho gia đình ông. Đồng thời, ông Vươn đề nghị HĐXX xem xét vận dụng giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Văn Khanh. Bên cạnh đó, ông Vươn cũng đề nghị HĐXX xem xét xử nghiêm, tăng nặng hình phạt với các bị cáo còn lại.

Nhằm làm rõ hành vi phạm tội của từng bị cáo, HĐXX đã xét hỏi hàng loạt các nhân chứng và người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan trong vụ án.

Theo nhân chứng Mai Công Nhìu, 13g ngày 5-1, bị cáo Nguyễn Văn Khanh đã phát lệnh cho tổ công tác số 2 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ gồm đi phá dỡ lều nhà ông Vươn. Theo nhân chứng Nhìu, dưới sự chỉ đạo của bị cáo Khanh và sự đôn đốc của bị cáo Phạm Xuân Hoa, các thành viên trong tổ công tác đã san phẳng khu lều 24m2 của ông Đoàn Văn Vươn.

Khi về tập kết tại căn nhà của ông Đoàn Văn Quý (nằm trên khu đất 21ha không bị cưỡng chế), tổ công tác số 1 kê biên tài sản xong, bị cáo Khanh tiếp tục ra lệnh tháo dỡ căn nhà này. Các nhân chứng khác đều thừa nhận có thấy, có nghe bị cáo Khanh ra lệnh cưỡng chế trong chiều 5-1.

Nhân chứng Vũ Văn Kết cho biết chiều 5-1 đã nhận được điện thoại của bị cáo Phạm Đăng Hoan đến khu vực cưỡng chế đầm ông Vươn để ban chỉ đạo nhờ việc.

Tại đây, ông Kết gặp các bị cáo Khanh, Hoan, Liêm và được nhờ gọi hộ 1 máy xúc để giải phóng mặt bằng nhà ông Vươn. Sau khi liên lạc với một người tên Thái bị từ chối, ông Kết liền gọi cho Vũ Văn Đoàn đến làm cho ban chỉ đạo. Ông Đoàn sau khi biết ban chỉ đạo thuê đã nhận lời và điều động lái máy xúc Đặng Văn Tài đến thực hiện theo chỉ đạo của ông Khanh, Hoan, Liêm.

Sáng 6-2, khi lái xe Đặng Văn Tài đến thì thấy khu nhà 2 tầng đã bị phá cửa và được các bị cáo Hoan, Liêm chỉ đạo phá nốt. Tại tòa, ông Vũ Văn Đoàn đề nghị HĐXX xem xét trả lại cho ông chiếc máy xúc đã bị thu giữ 1 năm nay và trả tiền thuê máy xúc 3 triệu đồng.

Tại phần xét hỏi bị hại, ông Đoàn Văn Vươn cho rằng lời khai của các bị cáo mâu thuẫn với nhau vì ban đầu thì nói quyết định thu hồi đất là đúng, sau lại nói sai. Ông Vươn cho rằng quyết định giao đất 14 năm là trái luật vì theo quy định của Luật Đất đai thì thời hạn giao đất phải là 20 năm.

Trả lời HĐXX và luật sư, ông Vươn trình bày toàn bộ quá trình giao đất phải đầu tư đến 8 năm mới sản xuất được. Bản thân ông Vươn cùng gia đình đã phải trồng tới 60ha rừng để phòng hộ, hằng năm đều nộp tiền thuê đất và chưa lần nào bị dừng đầu tư. Khi nhận được thông báo thu hồi đất đã dừng đầu tư và thiệt hại rất lớn.

Ông Vươn cho rằng số tiền đầu tư chưa thể tính cụ thể được nhưng giá trị thực tế đến nay phải khoảng 60 tỉ đồng, trong đó gia đình ông còn đang nợ 5 tỉ đồng, thiệt hại mỗi năm lên đến hàng tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Vươn khẳng định mình không đòi tiền bồi thường về thủy sản mà chỉ đòi bồi thường tài sản gồm nhà ở, lều canh, chuồng trại chăn nuôi... Ông Vươn không đồng ý với giá trị tài sản được định giá của gia đình mình và em trai Đoàn Văn Quý là 295 triệu đồng. Ông Vươn khẳng định đến hôm nay mới biết giá trị đền bù như thế chứ nếu biết trước sẽ có đơn kiến nghị về vấn đề này.

Tương tự, bị hại Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ bị hại Đoàn Văn Quý) khi được xét hỏi cũng không đồng ý với mức giá trị bồi thường được đưa ra.

Bà cho rằng không thể chấp nhận mức bồi thường vì không thể trừ khấu hao do gia đình không cho thuê, không bán, không chuyển nhượng. Phải tính cho gia đình bị hại cả chi phí vận chuyển để xây dựng số tài sản này. Theo Hội đồng định giá tài sản thì tổng số tài sản thiệt hại có giá trị xây mới là gần 450 triệu đồng. Tuy nhiên số tiền được đưa ra tính chỉ là 295 triệu đồng.

Ngày mai 9-4, phiên tòa sẽ bước sang phần tranh tụng với phần luận tội của đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa.

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên