Minh họa: Trần Ngọc Sinh |
Lão Nục dốc ngược bình nước hai mươi lít kê vào miệng. Không còn một giọt. Cơn khát thiêu đốt cổ họng lão sau chầu nhậu đổ vào họng cả lít rượu đế làm lão nổi điên, lão kê cái bình không vào tường, dồn sức mạnh vào cánh tay mấy mươi năm lao động nặng nhọc vung nắm đấm làm cái bình nhựa cứng vỡ mấy mảnh rơi khô khốc trên nền gạch cốm.
- ĐM mày! Nông dân mà uống nước bình!
Lão Nục chửi lớn tiếng. Vợ lão nhàm tai câu chửi quen thuộc của lão mỗi đêm sau chầu nhậu với bà con chòm xóm, bình thản dỗ tiếp giấc ngủ.
Lão Nục thả mình lên chiếc võng đan bằng cây thơm tàu bắc ngang hai cây cột nhà. Võng đan bằng thơm tàu nằm vừa êm vừa mát, không loại võng nào sánh bằng, võng nilông càng thua xa vì nóng lưng và không rút mồ hôi.
Sáng nay, lão Nục phát hiện bụi thơm tàu to bằng cái chái bếp mà lão dùng đổi võng bắt đầu lụi chết. Trời đất! Loài cây hoang dại mọc trên đất cát chay khô khốc như thơm tàu mà cũng chết thì còn cây nào sống sót. Cơn khát cộng với nỗi hoang mang của kẻ bao năm gieo hạt, vun xới cây trồng chờ đợi hái quả bây giờ thấy trước có đổ bao nhiêu mồ hôi, vốn liếng cũng trắng tay làm lão trằn trọc.
Một trưa, thiu ngủ trên chiếc võng trong đám xoan chịu hạn, nắng xộc vào mắt lão Nục làm lão giật thót người nhận ra đám đọt xoan trên cao héo rũ. Rồi đám lá gốc vàng úa và rụng dần. Lão như còn nghe văng vẳng lời lẽ hùng biện của tay cán bộ hội nông dân tuyên truyền về giống cây xoan chịu hạn có nguồn gốc từ một nước sa mạc.
Thật vậy, ở vùng đất cát trắng nhức nhối mắt vào trưa nắng chang chang như tại làng ven biển quê lão, đám xoan chịu hạn mới trồng ba năm đã um tùm xanh mướt cả trong mùa khô, dựng nên vành đai chắn gió, chắn cát, giữ độ ẩm cho mảnh đất canh tác của người dân.
Nhưng rồi bên cạnh nguồn của cải nuôi sống người dân, những con người chỉ có mảnh đất và sức lao động làm vốn liếng, một công trường khai thác titan gọi nôm na là cát đen mọc lên với máy đào máy xúc, dàn vít xoắn đãi cát ngày đêm.
Họ hút nước ngầm để đãi cát, cát trắng trôi đi, cát đen có tỉ trọng nặng lắng lại, được đóng vào bao bán thô cho thương nhân nước ngoài. Của cải trong lòng đất nghìn năm bỗng chốc bán tháo bán đổ không tiếc rẻ.
Đồi cát biến dạng, lòng đất mở toang sâu hun hút, tầng nước ngầm cạn kiệt làm những bộ rễ cây hụt hẫng, cả bộ rễ cây cổ thụ cũng không còn nước cắm vào để chuyển thành nhựa nuôi thân huống chi đám rễ cây xoài, cây ổi hay rễ cây ngắn ngày. Cây cối trong vườn trơ trọi những nhánh tay xương chĩa lên trời, người nông dân ngồi bó gối trong hoàng hôn chập choạng than thân trách phận mà đành bất lực.
Mực nước ngầm tụt sâu xuống địa ngục, người ta bơm cả nước biển vào để đãi cát đen. Vì mang biển lên đồi nên cả vùng đất canh tác nuôi sống con người trở thành đất chết. Cả giống xoan chịu hạn đến từ sa mạc cũng chết khô vì chúng chịu hạn chứ đâu chịu mặn. Người sống bằng trồng trọt cả đời bây giờ phải mua từng trái ớt, bụi hành.
Khi cái ao nước ngọt trong vắt ở góc vườn lão Nục thường vục mặt uống cả ngụm mây trắng lơ thơ lởn vởn trên trời xanh trưa hè văng vẳng tiếng ve cũng mặn chát như nhiều giếng nước trong làng, chủ công trường khai thác cát đen mới xoa dịu người dân bằng cách cấp phát cho mỗi hộ bị ảnh hưởng bởi nguồn nước nhiễm mặn hai bình nước ngọt mỗi ngày. Hai bình là bốn mươi lít nước cho ăn uống, tắm giặt.
Người dân làng chài ven biển bao giờ chẳng tay lưới tay cuốc. Ngày trời thanh biển lặng, họ giong thuyền đánh cá mực. Những chiếc thuyền con neo đậu bãi ngang đánh bắt ven bờ giúp họ có đồng ra đồng vào chi tiêu hằng ngày, mua giống mua phân bồi bổ cho đất. Ngày biển giận sóng gào, họ gieo hạt. Mùa lạc mùa dưa cho họ chút của dành dụm.
Chẳng hiểu sao khi cây trái trong vườn lụi tàn vì đất đai nhiễm mặn, con cá con mực ven bờ cũng thưa thớt dần. Người già bảo vì dòng nước đen đãi quặng cát thẩm thấu ra biển đã hủy diệt nguồn thức ăn của các loài thủy tộc nên chúng bỏ đi. Đất đã không lành thì con chim con cá cũng ly tán huống chi con người.
Làng ven biển trầm lặng và hiền hòa của lão Nục thay đổi nhanh lắm. Nhiều đứa con gái rời làng làm thuê ở các khu du lịch bên kia eo biển. Ở đó có nhiều việc cho chúng như rửa chén bát, dọn buồng. Có đứa còn học được nghề đấm bóp làm ra khối tiền. (Hai cánh tay quen lao động nặng nhọc của chúng mà đấm bóp thì xương cốt nghe răng rắc chắc đã tai lắm).
Đám trai gác lưới chèo, kéo thuyền bỏ bờ chạy xe thồ, làm phụ hồ hay nhiều nghề linh tinh. Có đứa áo quần bảnh chọe, miệng chửi thề giòn tan như pháo nổ, tay kẹp thuốc lá thảnh thơi làm nghề dắt mối từ mối đất xây khách sạn năm sao đến miếng đất xéo. Những người già bươi móc miếng ăn sót lại trên mảnh đất hoang tàn.
Lúc chập choạng nhá nhem mặt người, họ túm tụm thì thào với nhau, người thì bảo ông trời không có mắt, vì nếu có mắt ông đã chẳng để mảnh đất màu mỡ thành mảnh đất chết; hay ông trời ngó nghiêng ngó ngửa, vì nếu ông trời ngó thẳng ông đã chẳng để họ rơi vào tình cảnh hiện nay.
Lão Nục hiếm được bữa say quắc cần câu như trước kia nhưng quen thói cà khịa khi có hơi men. Càng thèm say, lão càng thèm chửi.
- ĐM mày! Nông dân mà uống nước bình!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận