![]() |
Chị Trịnh Thị Ngọc Điệp với ống tre tiết kiệm có ảnh Bác Hồ đặt ngay bàn may của mình - Ảnh Đ.Vịnh |
Bà con coi đó là một cách noi gương cần kiệm của Bác và cách tiết kiệm tưởng chừng đơn giản ấy lại giúp nhiều hộ thoát nghèo, vượt qua khó khăn.
Bỏ ống bỏ... nhậu!
Mấy hôm mưa gió thất thường anh Lê Văn Nhi (ấp Bình Đức) vẫn ra đồng làm thuê. Mỗi khi về anh đều đưa hết tiền cho chị Phấn, vợ anh. Chị Phấn lấy vài ngàn đồng bỏ vào ống tre bên ngoài có dán ảnh Bác. “Chuyện bỏ ống giờ đã thành thói quen. Vợ chồng tui cố gắng làm, bớt tiêu xài để dành dụm”, chị vui vẻ nói.
Nhà kế bên, chị Lê Thị Lệ vừa xong buổi bán cá từ chợ về cũng mở tủ đem ống tre ra rồi lấy trong túi 5.000 đồng bỏ vào. Chị Lệ “bật mí” từ khi bỏ ống tới nay, chồng chị và cánh đàn ông quanh xóm bớt hẳn cảnh cứ chiều chiều lại nhậu lai rai như trước.
Bình Phú vốn là xã mới, phần lớn dân cư đều nghèo. Không có đất đai, trước kia mái ấm của họ là những căn chòi nhỏ chơ vơ ngoài cánh đồng ngập trắng mùa nước lũ. Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, phó chủ tịch hội phụ nữ xã, cho biết từ năm 2004 địa phương bố trí bà con vào sống trên tuyến dân cư. Nơi ở tuy đã ổn định, nhưng chuyện mưu sinh vẫn còn chật vật lắm. Ở chốn đồng sâu heo hút, vào mùa lúa đi bốc vác hay cắt mướn thu nhập còn đỡ, chứ thường ngày làm thuê chỉ là những việc lặt vặt như rải phân, xịt thuốc, làm cỏ... Tiền công chỉ tạm đắp đổi”, chị nói. Bà con thường thiếu vốn làm ăn, thiếu tiền những lúc cần thiết như lo cho con đi học, ốm đau... nhưng lại chưa quen dành dụm. Đầu năm rồi Hội phụ nữ xã đến từng nhà chị em hội viên nói về chuyện tiết kiệm, cố thuyết phục rồi giao mỗi hộ một ống tre để bỏ ống. Thấy cũng hay hay nhiều hộ làm theo, thế là xã cho nhân rộng thành mô hình mang tên ống tre tiết kiệm.
Tới nay trong xã có hơn 100 hộ đã tiết kiệm như thế. Những ống tre tiết kiệm ấy thật sự giúp không ít hộ vượt khó, thoát nghèo. Tháng trước đứa con bất ngờ bị bệnh phải đi cấp cứu, trong cơn túng quẫn anh Nhi sực nhớ... ống tre. “Bổ ra được 350.000 đồng. Nếu không có nó không biết xoay xở thế nào”, anh kể. Còn vợ chồng chị Lệ bổ ống tre được hơn 800.000 đồng, nhờ số tiền ấy chị có chút vốn hằng ngày ra chợ mua bán cá. Vốn là hộ nghèo có sổ, nay cuộc sống gia đình chị đã khá hơn, con đều chăm lo học, mùa thu hoạch lúa không còn bỏ học đi mót lúa, phụ cắt mướn ngoài đồng...
![]() |
Nhờ tiền bỏ ống tre mà chị Lê Thị Lệ có vốn mua bán cá - Ảnh Đ.Vịnh |
Gắn bó nhau hơn
Ngay từ lúc triển khai, thấy mua con heo đất tốn tiền, Hội phụ nữ bèn làm ống tre cấp cho từng hộ. “Chị em hội viên hào hứng đề nghị dán thêm ảnh Bác trên ống coi như một lời nhắc nhở mọi người noi theo tấm gương cần kiệm vì dân vì nước của Bác. Rồi chị em bảo nhau khen thưởng hộ nào bỏ ống được nhiều tiền nhất”, chị Nguyễn Thị Liền, nguyên chủ tịch Hội phụ nữ xã, nhớ lại.
Chị em hội viên đều bảo nhờ tham gia mô hình tiết kiệm ấy mà bà con gắn bó với nhau hơn, họ họp mặt bàn bạc, trao đổi từ chuyện giúp đỡ nhau làm ăn, vượt khó đến chuyện khuyên bảo chồng, dạy dỗ con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Từ ống tre, ý thức vượt khó, ý thức tiết kiệm và tương trợ nhau dần lan tỏa trong thôn xóm. Đến nay không chỉ hộ nghèo mà cả những hộ khá giả cũng... bỏ ống tre. Bà con bảo nhau đó là ống tre Bác Hồ. Số tiền bỏ ống khi khui ra được các hội viên quyên góp để cất nhà tình thương cho những hộ hoàn cảnh khó khăn. Các khu dân cư dần trở thành ấp văn hóa, sống hòa thuận, không còn nạn rượu chè, cờ bạc... “Trước kia nhiều bà con quá nghèo thường đánh đề cầu may, nay biết dành dụm để có vốn làm ăn, không số đề, số đuôi như trước”, bà con kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận