Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra (KLĐT) vụ án sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Theo KLĐT, trong giai đoạn giữ chức tổng giám đốc SAGRI, ông Lê Tấn Hùng biết việc chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 chỉ xây dựng được 80% công trình kỹ thuật hạ tầng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện thủ tục, đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận để chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Phong Phú.
Chưa thu thập được chứng cứ ông Trần Vĩnh Tuyến vụ lợi
KLĐT cũng cho rằng với những điều kiện chưa đủ nhưng kế hoạch thoái vốn tại dự án vẫn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án do SAGRI làm chủ đầu tư cho Công ty Phong Phú.
Cấp tham mưu trình, ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án không theo mẫu, thiếu các mục tổng mức đầu tư, nguồn vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án... tạo điều kiện để ông Lê Tấn Hùng và các đồng phạm làm thủ tục chuyển nhượng dự án trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước 348,7 tỉ đồng tại thời điểm chuyển nhượng dự án và 672 tỉ đồng tại thời điểm khởi tố vụ án.
Theo cơ quan điều tra, ông Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận hành vi vi phạm nhưng không thừa nhận động cơ tư lợi. Đến thời điểm này, cơ quan điều tra chưa thu thập được tài liệu nào chứng minh được động cơ vụ lợi của ông Tuyến.
KLĐT cho rằng nguyên nhân vi phạm pháp luật của ông Trần Vĩnh Tuyến một phần do nể nang ông Lê Tấn Hùng là em trai nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM.
Cơ quan điều tra cũng đánh giá trong quá trình công tác, ông Tuyến có nhiều thành tích, được các cấp tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen nên đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự khi lượng hình.
Có nhiều tình tiết giảm nhẹ
Đối với ông Trần Trọng Tuấn (nguyên phó chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM), ông Phan Trường Sơn (nguyên phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM), KLĐT cho rằng các ông này biết việc chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng, chỉ xây dựng được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật; chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng...
Ngoài ra nhiều thành viên trong Hội đồng thẩm định chưa đồng thuận, cần lấy ý kiến Sở Tài chính, Chi cục Tài chính doanh nghiệp về việc chuyển nhượng nhưng vẫn ký tờ trình, dự thảo quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án không theo mẫu, thiếu các mục tổng mức đầu tư, nguồn vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án...
Sau đó, đã tham mưu cho ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM - ký, ban hành quyết định chấp thuận cho Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 cho Công ty Phong Phú trái quy định.
Tại cơ quan điều tra, ông Trần Trọng Tuấn thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình nhưng không thừa nhận động cơ tư lợi và cơ quan điều tra chưa thu thập được tài liệu nào chứng minh được động cơ vụ lợi của ông Tuấn.
Tương tự như ông Trần Vĩnh Tuyến, cơ quan điều tra đánh giá trong quá trình công tác, ông Tuấn, ông Sơn có nhiều thành tích, được các cấp tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen nên đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự khi lượng hình.
16 bị can
Trong vụ án, ông Lê Tấn Hùng và bà Nguyễn Thị Thúy bị đề nghị truy tố về tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.
Các bị can Trần Văn Trường, Đỗ Sĩ Hoài Thanh, Đoàn Quang Hồi, Nguyễn Thị Nguyên và Nguyễn Thị Tuyết Mai bị đề nghị truy tố về tội tham ô tài sản.
Còn các bị can Vân Trọng Dũng, Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn, Phan Trường Sơn, Trần Quốc Đạt, Lê Tấn Hòa, Lê Văn Thanh và Nguyễn Thanh Chương bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận