Sai phạm của ông Bình sẽ tiếp tục được các cơ quan tố tụng kết luận, xử lý. Đây là ý kiến lý giải theo quan điểm riêng của ông Bình, không phải là quan điểm của báo Pháp Luật TP.HCM.
TTO giới thiệu bài phỏng vấn này.
Phóng to |
Ông Phạm Thanh Bình, nguyên “thuyền trưởng” của con tàu Vinashin - Ảnh: C.V.K. |
* Ông nghĩ sao mà lại mua tàu Hoa Sen hơn ngàn tỉ rồi nay đắp chiếu?
- Ông Phạm Thanh Bình: Mua tàu Hoa Sen xuất phát từ chủ trương đầu tư một đội tàu biển cao tốc Bắc-Nam. Nếu đầu tư đường sắt cao tốc hoặc đường bộ Bắc - Nam thì phải mất hàng chục tỉ USD, thời gian mất hàng chục năm, khó đảm bảo an toàn khi bão lũ, tai nạn giao thông... Trong khi đó, đầu tư đội tàu chỉ hết khoảng 2 tỉ USD, hoàn thành trong vòng 3-5 năm và cần khoảng tám con tàu như Hoa Sen, 3-4 cảng, chi phí sẽ rẻ hơn vận chuyển trên bộ, không bị mưa lũ...
Ban đầu chúng tôi định đầu tư hai chiếc, rồi về theo thiết kế đó đóng trong nước sẽ rẻ chỉ bằng 2/3 giá mua. Như thế vừa có được công nghệ mới, vừa có việc làm. Hồi đó mua con tàu ba tuổi giá 60 triệu euro trong khi đóng mới là 200 triệu euro. Nhưng không may là mới chỉ mua một chiếc đã gặp thời điểm khủng hoảng, phía Trung Quốc đóng cửa khẩu, xe hàng trong nước chưa quen đi đường biển, mà chúng tôi chỉ chở xe lớn nên ít khách. Chạy thêm được một tháng thì thấy lỗ quá, phải dừng lại.
* Nay ông định xử lý thế nào?
- Đã có hướng xử lý, kiểu gì mình cũng phải phát triển. Mình chỉ cố chịu đựng thêm một thời gian nữa. Quan điểm của Chính phủ là vẫn phải phát triển đường cao tốc trên biển. Đến thời điểm nào thì do thị trường nhưng mình phải chuẩn bị trước.
* Nhưng cứ để con tàu cả ngàn tỉ đắp chiếu như vậy thì xót lắm?
- Hiện tàu vẫn đỗ ở Nha Trang, mình phải cắn răng chịu đựng thôi. Bây giờ phải giữ cho nó không hỏng. Phải chờ kinh tế lên thôi. Hiện cũng có nhiều khách nước ngoài hỏi mua nhưng chưa bán được vì họ trả rẻ quá.
Phóng to |
Các nhà báo tham quan buồng lái tàu Hoa Sen ngày mới nhập về |
* Nhiều thông tin nói tàu Hoa Sen chỉ là xà lan cũ được hoán cải?
- Sai hoàn toàn. Đây là một tàu khách hiện đại, tiện nghi như tàu du lịch khách sạn năm sao. Trên thế giới ít có tàu như vậy.
* Khoản tiền 750 triệu USD Chính phủ bảo lãnh cho tập đoàn vay được sử dụng như thế nào?
- Chúng tôi đã đầu tư hết ngay và còn thiếu nhiều lắm, chủ yếu đầu tư xây dựng các nhà máy đóng tàu. Hiện nay có khoảng 28 nhà máy, hầu hết đã đi vào hoạt động.
* Cuối năm 2009, Chính phủ lại cho tập đoàn phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu?
- Cho nhưng thị trường ảm đạm thế này, chưa phát hành được. Phát hành lãi suất cao thì bị lỗ, còn thấp thì không ai mua.
* Không có vốn nữa, những dự án dở dang ông sẽ xử lý thế nào?
- Dự án dở dang nhiều nhưng vẫn phải làm tiếp. Nguồn phải tìm, từ các nguồn kể cả đề nghị Chính phủ hỗ trợ tiếp.
* Vinashin lâm cảnh như ngày nay, nhiều người bảo do đầu tư dàn trải?
- Dàn trải ở đây là dàn trải nhà máy đóng tàu chứ không phải ngành khác. (Ý này ông Bình nói không chính xác và tự mâu thuẫn - PV) Khi trong tay tôi đã có cả mớ hợp đồng đóng tàu trị giá tới 17 tỉ USD mà tôi không đầu tư thì làm sao đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Số tôi không gặp may. Ký xong hợp đồng thì xảy ra khủng hoảng kinh tế. Nhiều đối tác chấp nhận bỏ tiền cọc, hủy hợp đồng. Vốn liếng mình cũng bị kém đi, nhiều dự án không thực hiện được.
* Ông nói chỉ dàn trải lĩnh vực đóng tàu, thế còn hàng loạt nhà máy thép, khu công nghiệp, thậm chí đầu tư cả chứng khoán... thì sao?
- Thép, động cơ, các khu công nghiệp tàu thủy là những dự án nằm trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của tập đoàn. Còn chứng khoán, hàng không, đường cao tốc chúng tôi đã rút vốn hết rồi. Chỉ còn đóng tàu và những việc liên quan đến đóng tàu thôi.
Phóng to |
Ông Phạm Thanh Bình |
* Theo báo cáo giám sát của Quốc hội, số nợ của Vinashin rất lớn, liệu còn ở mức an toàn?
- Tỉ số nợ trên vốn của mình chỉ khoảng trên bốn lần. (Thực tế, theo số liệu của cơ quan chức năng, số nợ trên vốn chủ sở hữu của Vinashin gần 13 lần - PV) Như vậy về dài hạn vẫn là an toàn. Ngắn hạn thì đáng lo vì thiếu vốn lưu động. Vốn quay vòng phục vụ sản xuất bí lắm…
* Còn những khoản nợ quá hạn thì sao?
- Hợp đồng đóng tàu bị hủy, thậm chí đóng xong người ta không nhận tàu, lập tức mình bị nợ quá hạn ngay. Đó là rủi ro, bây giờ thì Chính phủ cũng đã cho những cơ chế về khoanh nợ, giãn nợ để đóng các tàu đó ra bán đi lấy tiền về, không thì vẫn nợ quá hạn mãi.
* Nghe nói nợ quá hạn của Vinashin lên tới hàng ngàn tỉ đồng?
- Làm gì đến! Khoản vay 750 triệu USD là dài hạn, Vinashin chắc chắn là trả nợ được. Tới đây, các nhà máy đều đi vào sản xuất, làm ra rất nhiều tiền.
* Nhưng nếu kinh tế vẫn khó khăn, nhu cầu mua tàu không tăng thì sao?
- Khó khăn mãi sao được. Mưa lắm cũng phải nắng chứ. Kinh tế hồi phục rồi. Vận tải biển sau một năm sẽ hồi phục và một năm sau nữa đóng tàu mới hồi phục. Có nghĩa mình phải chờ tiếp hai năm nữa. Nhưng không sao, năm 2010 đã có dự tính tăng trưởng 15% theo các hợp đồng đã có.
* Ông lấy gì bảo đảm cho các khoản nợ khổng lồ đó?
- Tất cả khoản vay của chúng tôi đều có tài sản đảm bảo, thế là yên tâm. Tài sản đó sẽ làm ra tiền để trả nợ.
* Ông có nghĩ rằng Vinashin phát triển quá nóng cũng là nguyên nhân dẫn tới hậu quả như hôm nay?
- Đúng là cũng phát triển hơi nhanh. Nhưng cũng phải thấy giai đoạn 2005-2007 thị trường tàu trọng tải lớn cả thế giới nóng, giá tàu tăng vùn vụt, mình không theo thì sẽ rớt lại đằng sau nên phải đầu tư theo. Trong khi nguồn lực của mình chỉ có ngần ấy, muốn tăng nhanh hơn thì phải kéo bên ngoài vào, tận dụng tổ chức, con người, vốn liếng của người ta để mà làm... Mình thành lập ra thực ra mình có bỏ vốn vào đâu, mình chỉ góp bằng thương hiệu và đưa công việc đến cho họ làm thôi.
* Xin cảm ơn ông.
“Lãnh đạo tập đoàn, trước hết là hội đồng quản trị và người đứng đầu với chức năng đại diện trực tiếp chủ sở hữu đã có nhiều khuyết điểm, sai lầm trong tổ chức, quản lý, điều hành, nhất là trong việc xác định lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tổ chức quản lý các công ty con, công ty liên kết, tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài chính, vay và trả nợ; trong một thời gian ngắn đã mở rộng quá nhanh quy mô tập đoàn, nhất là mở ra rất nhiều công ty con, công ty liên kết; mở sang một số lĩnh vực không phải là những chuyên ngành phục vụ cho nhiệm vụ chính của mình”. (Theo Kết luận ngày 31-7 của Bộ Chính trị) Ông Bình “đã thiếu trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng khiến Vinashin bên bờ vực phá sản. Tập đoàn đã báo cáo không trung thực với Chính phủ về tình hình tài chính của doanh nghiệp; thành lập quá nhiều công ty con (gần 200) không đủ năng lực sản xuất, kinh doanh; đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực ngoài ngành công nghiệp tàu thủy; đầu tư mua nhiều tàu biển cũ, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước; vi phạm nghiêm trọng quy định của nhà nước về lập, phê duyệt, đấu thầu các dự án; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán.” (Theo Thông báo ngày 5-7 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận