24/01/2016 15:59 GMT+7

Ông Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng được giới thiệu tái cử

VIỄN SỰ - VÕ VĂN THÀNH
VIỄN SỰ - VÕ VĂN THÀNH

TTO - Đây là thông tin vừa được ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo trung ương cho biết chiều 24-1, ngay sau khi Đoàn Chủ tịch gửi báo cáo tổng hợp về nhân sự ứng cử, đề cử tới các đoàn.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên trung ương Đảng, Phó ban tổ chức trung ương
Ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo trung ương

Ông Vũ Ngọc Hoàng cho biết các đoàn đại biểu đã giới thiệu thêm hơn 60 nhân sự ứng cử Ban chấp hành trung ương khóa XII (ngoài danh sách đề cử của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI).

Trong đó, có nhiều nhân sự là ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, “những người đã xin không tái cử trong quá trình chuẩn bị nhân sự trước Đại hội của Ban chấp hành Trung ương khóa XI”.

Trong danh sách giới thiệu thêm nêu trên từ các đoàn đại biểu, có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Ngoài ra còn có các ông Lê Thanh Hải (Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI phụ trách thành ủy TP.HCM), ông Tô Huy Rứa (Trưởng Ban Tổ chức Trung ương), ông Phạm Quang Nghị (Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI phụ trách thành ủy TP Hà Nội), ông Lê Hồng Anh (Thường trực Ban Bí thư)...

Theo ông Hoàng, gần một nửa trong số hơn 60 nhân sự vừa được giới thiệu nằm trong Ban chấp hành Trung ương khóa XI. Số còn lại, có những người không phải là đại biểu đi dự Đại hội và hiện chưa có ai tự ứng cử.

Ông Hoàng nói đây chỉ là danh sách giới thiệu thêm, số lượng đã vượt quá 30% số dư theo quy định trước đó. Ngày mai 25-1, Đoàn Chủ tịch sẽ họp để xem xét các trường hợp xin rút.

Đại hội thực hiện quy trình biểu quyết thông qua danh sách ứng cử, đề cử, các trường hợp xin rút trong buổi chiều cùng ngày, để ngày 26-1 chính thức bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Ông Vũ Ngọc Hoàng nói tiếp: “Trong danh sách được giới thiệu có đến mấy chục người quá tuổi theo quy định. Đó mới là danh sách ban đầu, hiện nay chưa rõ đồng chí nào được nhiều đoàn giới thiệu nhất. Cái đó chờ tổng hợp chung, ngày 25-1 sẽ công bố”.

"Tỷ lệ số dư sau khi giới thiệu thêm đang quá 30%. Quy trình tiếp theo chờ ý kiến của các đồng chí đó. Người nào xin rút thì quy trình tiếp theo là xin ý kiến đại hội về việc cho rút hay không cho rút, sau đó lập danh sách chính thức, rồi đem ra bỏ phiếu”.

* Như vậy, chiều nay các danh sách này sẽ được tập hợp tất cả, sau đó có ai xin rút thì sẽ ghi phiếu xin rút, còn ai không xin rút thì thôi?

 - Đúng rồi! Đơn xin rút sẽ được đại hội quyết định theo quy chế, có thể là bằng hình thức bỏ phiếu kín, tôi nghĩ thế. Còn điều hành thế nào là việc của chủ tịch đoàn và đại hội.

Ý kiến cá nhân, theo tôi, ai xin rút thì nên cho rút hết. Bởi vì mình còn nói phấn đấu vận động tiến đến tranh cử cho nên việc này là việc tự nguyện, tự do của mỗi người, tại sao phải giữ lại.  Mà ngày nay cũng không phải là thiếu cán bộ. Với tổ chức Đảng, không có chuyện xin rút chỉ là động tác giả nên nếu đồng chí nào xin rút thì cứ để các đồng chí rút.

 * Nếu có đồng chí ý A thực tâm rút nhưng khi ra đại hội lấy ý kiến vẫn quá bán thì sẽ không cho rút?

 - Thì đương nhiên đồng chí đó vẫn được bầu.

 * Nếu đồng chí A đó trúng cử thì bước tiếp theo sẽ thế nào?

- Với tất cả các đồng chí trúng cử, Ban chấp hành mới bàn để ai vô Bộ Chính trị, ai vô Ban ban bí thư, ai làm Tổng bí thư, đó là thẩm quyền của Ban chấp hành mới. Còn việc Ban chấp hành cũ giới thiệu là rất quan trọng, đó là trách nhiệm.

* Nhưng nếu có thành viên Bộ Chính trị của khóa XI đã xin rút mà nay lại trúng cử Ban chấp hành khóa XII thì có khó khăn gì trong công việc phân công không?

 - Chả khó khăn gì, nếu có thì Ban chấp hành mới sẽ xử lý được.

*  Với bốn trường hợp “đặc biệt” quá tuổi mà Ban chấp hành trung ương khóa XI giới thiệu tái cử (gồm các ông Đỗ Bá Tỵ, Bùi Văn Nam, Uông Chu Lưu và Huỳnh Phong Tranh) thì trung ương có giải thích gì?

- Khi trung ương bàn, thấy có một số lý do: các đồng chí sức khỏe vẫn tốt, yêu cầu công việc là có, mà cũng lúng túng tìm người thay, do đó đề nghị giới thiệu tái cử. Sẽ có đồng chí tiếp tục công việc hiện nay, nhưng cũng có thể có đồng chí chuyển qua công việc khác.

Cũng nói thêm là trong các trường hợp “đặc biệt” này có hai dạng, một là giới thiệu ứng cử lần đầu, nhưng quá tuổi ứng cử lần đầu và bốn trường hợp nói trên. Với các trường hợp ứng cử lần đầu quá tuổi thì có mười mấy đồng chí. Nhưng thực ra cùng chỉ quá có mấy tháng, tính làm gì.

Tôi nói thêm chỗ mấy đồng chí quá mấy tháng, những trường hợp đó trung ương xem xét thì thấy có vấn đề khách quan và xem là trong phương án chứ không phải ngoài phương án.

Những người quá mấy tháng đó thì tất cả đều là có vị trí rõ ràng, tức là có nhu cầu cụ thể của công việc, và công việc cần họ. Họ chỉ quá mấy tháng mà nếu tính phương án khác thì tính chưa ra. Do đó trung ương giới thiệu còn quyết định là Đại hội.

* Cá nhân ông nghĩ như thế nào khi ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Trương Tấn Sang đã xin rút rồi nhưng Đại hội vẫn giới thiệu?

- Đó là ý kiến cá nhân của từng đại biểu, phải tôn trọng thôi, cái đó cũng là dân chủ. Các đại biểu có quyền giới thiệu mà.

 * Nhưng nếu có thành viên của Bộ Chính trị khóa XI đã được Ban chấp hành trung ương khóa XI đồng ý cho rút mà vẫn có trong danh sách ứng cử Ban chấp hành trung ương khóa XII thì việc Ủy viên trung ương vẫn bầu cho cho những người đó có vi phạm?

- Việc các đồng chí đó có trong danh sách hay không là do Đại hội quyết định vì quy chế là Đại hội điều chỉnh. Nên nếu như Đại hội quyết định ở trong danh sách thì ở trong danh sách, trúng hay không phụ thuộc vào phiếu bầu và là rất bình thường, dân chủ.

* Các ủy viên trung ương đương nhiệm có bị áp lực gì khi bỏ phiếu trong trường hợp đó không thưa ông?

- Có áp lực gì đâu, bỏ phiếu kín thôi mà.

VIỄN SỰ - VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên