Phóng to |
"Chú Năm là bậc tiền bối có rất nhiều đóng góp cho địa phương. Ngoài công tác xã hội, chú còn thẳng thắn góp ý xây dựng nội bộ rất hiệu quả. Đặc biệt chú rất chăm lo cho đội ngũ kế thừa" Ông Lư Văn Thám (trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Phong Điền, Cần Thơ) |
Những tư liệu đó ngoài việc góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử địa phương còn giải oan được cho nhiều người. Trong một lần họp hội cựu chiến binh, ông Năm Thạnh nghe anh em bàn tán về việc bà cụ Trần Thị Là xin một căn nhà tình nghĩa trầy trật gần cả chục năm mà chưa được. Bà Là có công đóng góp cho cách mạng hồi chống Pháp nhưng giấy tờ xưa mất hết, nhân chứng cũng không còn, địa phương không có cơ sở để xét.
Ông Năm Thạnh không chịu “bó tay” nên gặp bà Là hỏi thiệt kỹ. Qua câu chuyện của bà, đối chiếu tư liệu cũ của mình, ông phát hiện năm 1948, theo yêu cầu của tổ chức, bà Là “ly dị” chồng để cảm hóa ông Ngô Là Mến, một sĩ quan trong hàng ngũ địch, làm nội ứng cùng bà đốt kho đạn ở đình Tân An. Đó là kho đạn lớn nhất Nam bộ lúc bấy giờ (khoảng 500 tấn - nay là Thành đội TP Cần Thơ).
Tư liệu cũng nói rằng nếu “mưu sự” thành công sẽ được cách mạng thưởng số tiền lớn, nhưng ông Mến chỉ xin một cặp trâu để ngày độc lập về cày ruộng. Trận đánh thắng lợi, ông Mến hi sinh rồi vụ việc sau đó bị quên lãng. Với tư liệu rõ ràng, ông Năm Thạnh đề nghị chính quyền giải quyết và kết quả bà Là được cấp căn nhà tình nghĩa và một số tiền.
Sau năm Mậu Thân 1968, trong một trận càn của giặc, kho vũ khí bí mật của ta bị địch phát hiện và lấy đi. Anh em nghi ngờ có một người tên B. làm chỉ điểm, nhưng thực tế lúc đó ông B. là người của mình cài vô hàng ngũ địch. Tuy nhiên, đồng đội của ông đều hi sinh nên không ai làm chứng. Ông B. ôm nỗi niềm oan ức đó hơn 20 năm. Đến khi ông Năm Thạnh gặp được nhân chứng là ông Ba Oánh, một cựu chiến binh có tham gia chiến đấu trong đợt đó, thì ông Ba Oánh xác nhận ông B. bị oan. Từ đó, ông B. được phục hồi danh dự.
Ông Lê Hoàng Dũng, bí thư xã Nhơn Nghĩa và ông Lư Văn Thám, trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Phong Điền, đều xác nhận nhờ ông Năm Thạnh nắm tư liệu lịch sử, biết tường tận con người, vùng đất và những sự kiện xảy ra nên giúp địa phương kịp thời bổ sung và điều chỉnh những vướng mắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa, khôi phục quyền lợi, danh dự cho những người có công bị quên lãng. Trường hợp bà Là, ông B. nói trên là những ví dụ điển hình.
Những tư liệu quý và hình ảnh được ông lưu giữ cẩn thận, ghi chép trong sổ tay thành cả ngàn trang nhật ký “thấy sao viết vậy”. Ông viết chân thật về quê hương đất nước, về cuộc đời thăng trầm của người lính đi qua chiến tranh, về cuộc đời mình: 15 tuổi tham gia cách mạng, 18 tuổi tập kết ra Bắc, 29 tuổi trở về miền Đông, sau giải phóng về Cục Hậu cần Quân khu 9, đi chiến trường Campuchia, rồi về văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang (cũ)...
Biết ông có kho tư liệu quý, năm 2002 đảng ủy mời ông tham gia viết “Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng xã Nhơn Nghĩa”, ông vui vẻ nhận lời. Ông đã đem đến cho người đọc những hình ảnh trung thực, sống động, hào hùng, một thời máu lửa của quê hương.
Về hưu năm 1993, ông là người đi đầu trong phong trào “xóa cầu khỉ, hủy đường sình”, khai thông tuyến lộ Vàm Xáng - Một Ngàn gần bảy cây số bị bỏ hoang đã mấy chục năm. Năm 1995, ông có sáng kiến đưa báo chí về nông thôn, đem 17 loại báo trong Nam ngoài Bắc đến tận xóm ấp cho nông dân. Ông tất bật bày ra nhiều chuyện “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như: sửa chữa trường lớp, học tập truyền thống, xin xe đạp, tập vở, quần áo cho học sinh nghèo, thành lập phòng khám bệnh từ thiện...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận