TT - Một ngày sau khi nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu bị Cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam, Bộ Thương mại hôm qua 19-11 đã có thông báo (số 5830) gửi các cơ quan báo chí về sự việc này.
Trước đó, như Tuổi Trẻ đã thông tin (ngày 19-11), nguyên thứ trưởng Mai Văn Dâu bị khởi tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Thực tế ông Mai Văn Dâu đã “lợi dụng chức quyền” như thế nào?
Theo tài liệu cơ quan chức năng thu thập được, trong quá trình chỉ đạo việc quản lý, phân bổ quota hàng dệt may đi Mỹ, với trách nhiệm lãnh đạo Bộ Thương mại phụ trách mảng xuất nhập khẩu, ông Dâu đã có những quyết định trái với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và các phó thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nghiêm trọng nhất là trong một số thông báo của Bộ Thương mại về quản lý, phân bổ quota dệt may năm 2003 và 2004, ông Mai Văn Dâu đã “mở ra” cơ hội cho những doanh nghiệp (DN) dệt may được tự tìm kiếm, tự thỏa thuận và chuyển nhượng quota tự do, không qua sự kiểm soát của bộ, từ đó hình thành nên thị trường... quota “ngầm”.
Đầu tiên là thông báo số 5373/TM-XNK, được chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu dự thảo và thứ trưởng Mai Văn Dâu ký phát hành ngày 26-11-2003, về vấn đề hoàn trả hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ năm 2003.
Thông báo này đề cập đến việc DN dệt may nếu đã được cấp quota nhưng không sử dụng đến có thể cho vay, nhượng lại cho DN khác trên cơ sở tự nguyện bằng văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng vay mượn giữa hai DN. DN đi vay hạn ngạch có trách nhiệm trả lại hạn ngạch cho DN cho vay, thủ tục trả lại hạn ngạch thực hiện như đối với việc cho vay hạn ngạch, không phải xin phép bộ.
Phóng to |
Hai bản thông báo số 5373 và 0646 do thứ trưởng Mai Văn Dâu ký cho phép DN tự do chuyển nhượng quota dệt may đi Mỹ |
Đến ngày 11-2-2004, thứ trưởng Mai Văn Dâu tiếp tục có thông báo số 0646/TM-XNK về việc trả lại hạn ngạch hoặc cho vay, nhường hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ năm 2004. Bản thông báo vẫn thể hiện quan điểm như trên, nhưng có phần “cởi mở” hơn. Đó là cho phép người đứng đầu hai DN (bên cho vay và bên đi vay hạn ngạch) tự thỏa thuận, lập biên bản hoặc hợp đồng cho nhau vay, nhường hạn ngạch cho nhau và tự chịu trách nhiệm, không cần xin phép Bộ Thương mại.
Việc ký, ban hành các thông báo có nội dung như trên là trái với chỉ đạo của Chính phủ tại công văn 669/CP-KTTH (ngày 21-5-2003) về triển khai Hiệp định dệt may VN - Mỹ; công văn 71/CP-KTTH (ngày 17-9-2003) về xây dựng cơ chế phân giao hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ năm 2004...; cũng như trái với thông tư liên tịch 02/2003 giữa Bộ Thương mại - Bộ Kế hoạch & đầu tư - Bộ Công nghiệp, thông tư 07/2003 giữa Bộ Thương mại - Bộ Công nghiệp về hướng dẫn giao và thực hiện hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ trong hai năm 2003, 2004 (do chính thứ trưởng Mai Văn Dâu đại diện Bộ Thương mại ký kết).
Tại công văn 669, Phó thủ tướng Vũ Khoan đã lưu ý rất rõ phải có “cơ chế bảo đảm không xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng hạn ngạch; tuyệt đối không giao hạn ngạch cho các DN không có cơ sở sản xuất hàng dệt may; tiến hành kiểm tra tình trạng, hiện tượng gian lận thương mại..., DN nào vi phạm nhất thiết không phân hạn ngạch...”.
Thông báo của Bộ Thương mại cho biết từ 6-10, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã quyết định giao cho Thứ trưởng Phan Thế Ruệ đảm nhận trách nhiệm thứ trưởng thường trực; giao Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh phụ trách phần công việc liên quan đến công tác quản lý và phân bổ quota dệt may (thay ông Mai Văn Dâu). Những phần việc khác mà ông Dâu đảm trách trước khi bị đình chỉ chức vụ thứ trưởng, từ 19-11 đã tạm thời chuyển giao cho Thứ trưởng Lương Văn Tự giải quyết cho tới khi Bộ trưởng Trương Đình Tuyển về nước (ông Tuyển đang đi công tác nước ngoài). |
|
Như vậy, theo xác định của cơ quan chức năng, chỉ riêng việc ra những thông báo nêu trên, thứ trưởng Mai Văn Dâu đã có hai cái sai lớn: một, giúp “hợp thức hóa” số quota dệt may đã được cấp trước đó của những DN dệt may không đủ năng lực, tiêu chuẩn sản xuất hàng xuất khẩu, thậm chí không có cơ sở sản xuất hoặc chỉ là DN “ma” như trường hợp của Tăng Phát Bảo (trong đó có trách nhiệm của Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại khi thẩm định đã để DN “qua mặt”); hai, với vai trò quản lý, điều tiết, lẽ ra Bộ Thương mại phải thu hồi quota từ những DN “thừa” để giao cho những DN “thiếu”, nhưng thứ trưởng Dâu lại cho phép các DN tự “móc ngoặc” với nhau để tự do chuyển nhượng, thực chất là mua bán quota. Nắm được cơ hội này, một số DN có “máu mặt” đã trực tiếp hoặc thông qua các “cò quota” đến nhà các “sếp” ở Bộ Thương mại để được Bộ Thương mại giao nhiều quota dù không có năng lực, điều kiện. Số quota này sau đó đã được bán lại dưới hình thức “cho vay, nhượng” cho những DN thật sự có nhu cầu, có đủ điều kiện nhưng kém “máu mặt” hoặc không có “dây” làm ăn.
Theo một nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, mặc dù ông Mai Văn Dâu bước đầu bị khởi tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” nhưng cơ quan chức năng sẽ đấu tranh làm rõ cả những hành vi sai phạm khác của ông này, trong đó có việc nhận hối lộ.
Theo nguồn tin từ Bộ Thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ của bộ này đã có buổi làm việc đột xuất với ông Phạm Thế Dũng, vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, nội dung cuộc làm việc không được tiết lộ.
Ngoài chức vụ trưởng, ông Dũng còn là tổ trưởng tổ điều hành liên ngành về phân bổ quota dệt may (làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thứ trưởng Mai Văn Dâu và Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu, tổ phó tổ này là Lê Văn Thắng - vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu, đã bị bắt trong đường dây “chạy” quota). Ngoài ra, dư luận báo chí cũng đặc biệt quan tâm đến một chuyên viên của Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Công nghiệp), là thành viên trong tổ điều hành phân bổ quota dệt may và là người có tham gia “ký nháy” (sau khi thẩm định) trên các hồ sơ xin cấp quota của các DN.
Ông này - theo tin từ Bộ Công nghiệp - là người nhà của bị can Nguyễn Việt Phú (nguyên chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Thương mại, đã bị bắt trước đó). Trước khi ông Mai Văn Dâu bị bắt, cơ quan chức năng cũng đã làm việc với các bộ phận hữu trách của Bộ Công nghiệp, yêu cầu cung cấp danh sách, tài liệu về các thành viên của bộ này có tham gia trong việc phân bổ quota dệt may, trong đó có vị chuyên viên nói trên. |
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận